Kịch bản nào cho mặt bằng lãi suất và tỷ giá hối đoái trong những tháng cuối năm?

Lê Sáng | 21:07 22/09/2022

Việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tăng 100 điểm cơ bản đối với một loạt các lãi suất điều hành chủ chốt từ ngày 23/9/2022 sẽ tạo ra áp lực đáng kể cho mặt bằng lãi suất và tỷ giá hối đoái trong các tháng cuối năm.

Kịch bản nào cho mặt bằng lãi suất và tỷ giá hối đoái trong những tháng cuối năm?
So sánh mức thay đổi lãi suất điều hành của Việt Nam so với một số nước trong khu vực.

Động thái “mạnh tay” từ Ngân hàng Nhà nước

Trước những diễn biến có phần bất lợi trên thị trường quốc tế, chiều ngày 22/09, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã quyết định tăng 100 điểm cơ bản đối với một loạt các lãi suất điều hành chủ chốt, trong đó lãi suất tái cấp vốn tăng từ mức 4,0% lên 5,0%, lãi suất tái chiết khấu tăng từ mức 2,5% lên 3,5%, trần lãi suất cho vay qua đêm & thanh toán bù trừ tăng từ 5,0% lên 6,0%, và mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tăng từ 4,0% lên 5,0%. Các mức lãi suất mới chính thức áp dụng từ ngày 23/09/2022.

Theo các chuyên gia phân tích tại bộ phận nghiên cứu, phân tích Công ty chứng khoán VNDIRECT (VNDIRECT Research) thì việc sau khi FED đưa ra quan điểm “diều hâu” hơn về thắt chặt chính sách tiền tệ trong cuộc họp tháng 9 vừa qua, đồng đô la Mỹ (USD) tiếp tục tăng giá mạnh và phá đỉnh 20 năm trên thị trường quốc tế là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến Ngân hàng Nhà nước quyết định tăng đến 100 điểm cơ bản lãi suất điều hành.

“Chúng tôi đánh giá hành động trên của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là tương đối quyết liệt và kịp thời trước những thay đổi nhanh chóng trên thị trường tài chính quốc tế. Tuy vậy, chúng tôi có đôi chút bất ngờ về mức tăng 100 điểm cơ bản lãi suất điều hành (cao hơn so với dự báo trước đó của chúng tôi ở mức 50 điểm cơ bản cho năm 2022). Sau đợt tăng lãi suất lần này, chúng tôi cho rằng ít có khả năng có thêm một đợt tăng lãi suất điều hành nữa trong năm 2022”, đại diện VNDIRECT Research cho biết.

Trước đó, tại cuộc họp mới đây ngày 20-21/09/2022, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) đã quyết định tăng lãi suất điều hành thêm 75 điểm cơ bản lên biên độ mới từ 3,0% đến 3,25%. Mức tăng này đã được thị trường dự báo từ trước.

Tuy nhiên, điểm quan trọng nhất trong cuộc họp lần này là những quan điểm cập nhật của Cục Dự trữ Liên bang hay Ngân hàng Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ là ngân hàng trung ương của Hoa Kỳ (FED) về lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ trong thời gian tới.

Cụ thể, FED đã đưa ra quan điểm có phần “diều hâu” hơn về việc thắt chặt chính sách tiền tệ, theo đó các quan chức FED dự báo lãi suất điều hành có thể tăng lên mức 4,25-4,5% vào cuối năm 2022 (tương đồng với kỳ vọng của thị trường trước khi cuộc họp diễn ra) và 4,5-4,75% vào cuối năm 2023 (cao hơn khoảng 25 điểm cơ bản so với kỳ vọng của thị trường trước khi cuộc họp diễn ra).

Mặt bằng lãi suất tiền gửi sẽ tiếp tục tăng

Sau khi Ngân hàng Nhà nước quyết định tăng 100 điểm cơ bản đối với một loạt các lãi suất điều hành chủ chốt, VNDIRECT Research dự báo lãi suất tiền gửi có thể tăng thêm 30-50 điểm cơ bản từ mức hiện tại vào cuối năm 2022.

Theo đó, lãi suất tiền gửi 12 tháng của Ngân hàng Thương mại (bình quân) tăng lên mức 6,1-6,3%/năm vào cuối năm 2022. Sang năm 2023, chúng tôi cho rằng đà tăng của lãi suất tiền gửi sẽ duy trì và dự báo lãi suất huy động tăng thêm 50 điểm cơ bản trong năm 2023, theo đó lãi suất tiền gửi 12 tháng của NHTM (bình quân) tăng lên mức 6,6-6,8%/năm vào cuối năm 2023, vẫn thấp hơn so với mức trước dịch là 7,0%/năm.

vndirect.png
Lãi suất tiền gửi duy trì đà tăng (%)

Trước đó, về mặt bằng lãi suất tiền gửi, tính tới ngày 14/09/2022, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 3 tháng và lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân đã tăng mạnh lần lượt là 44 điểm và 51 điểm cơ bản so với thời điểm cuối năm 2021. Trong khi đó, lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước tăng chậm hơn đáng kể.

Cụ thể, tính tới ngày 14/09/2022, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 3 tháng và lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước mới tăng lần lượt là 3 diểm và 7 điểm cơ bản so với thời điểm cuối năm 2021.

Cũng theo VNDIRECT Research, sang năm 2023 đà tăng lãi suất tiền gửi sẽ duy trì do Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành để kiềm chế lạm phát, ổn định tỷ giá và các Ngân hàng Thương mại tăng nhu cầu huy động vốn để tài trợ cho hoạt động cho vay trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ.

“Chúng tôi dự báo lãi suất huy động có thể tăng thêm 50 điểm cơ bản trong năm 2023, theo đó lãi suất tiền gửi 12 tháng của NHTM (bình quân) tăng lên mức 6,6-6,8%/năm vào cuối năm 2023, vẫn thấp hơn so với mức trước đại dịch là 7,0%/năm”, các chuyên gia tại VNDIRECT Research nhận định.

Tỷ giá hối đoái chịu áp lực cao

Đối với áp lực lên hệ thống tỷ giá hôi đoái, VNDIRECT Research nhận định tỷ giá hối đoái sẽ tiếp tục chịu áp lực trong những tháng cuối năm 2022 do đồng USD neo cao khi FED duy trì lộ trình tăng lãi suất.

Theo đó, tỷ giá USD/VND được dự báo có thể mất giá khoảng 3,5-4% so với đồng USD trong năm 2022.

vndirect-2.png
Chỉ số Dollar-Index lên mức đỉnh mới trong vòng 20 năm qua

Sang năm 2023, VNDIRECT Research kỳ vọng áp lực lên tỷ giá hối đoái của Việt Nam sẽ hạ nhiệt đáng kể và dự báo VNĐ tăng giá so với USD trong năm 2023 do FED chuyển từ “thắt chặt chính sách tiền tệ” sang “bình thường hóa chính sách” trong khi lãi suất USD giảm nhẹ trong nửa cuối năm 2023 và lãi suất VNĐ sẽ duy trì xu hướng tăng trong năm 2023 cũng như bộ đệm tốt từ thặng dư thương mại và cán cân thanh toán, dự trữ ngoại hối cải thiện trong năm 2023.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Kịch bản nào cho mặt bằng lãi suất và tỷ giá hối đoái trong những tháng cuối năm?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO