Tại buổi họp báo, đại diện một số cơ quan báo chí đặt câu hỏi về cơ sở đề xuất ngưỡng nợ thuế để hoãn xuất cảnh. Giải đáp vấn đề này, ông Mai Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế chia sẻ, việc quy định tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế là giải pháp đã được quy định và thực hiện theo Luật Quản lý thuế số 38/2019. Qua thực tiễn triển khai, quy định này đã mang lại hiệu quả tốt đối với công tác thu hồi nợ của cơ quan Thuế. Tuy nhiên, quy định hiện hành chưa quy định cụ thể về ngưỡng số tiền.
Quá trình thực hiện chính sách, cơ quan Thuế ghi nhận một số phản hồi từ các người nộp thuế, cá nhân có số nợ nhỏ nhưng vẫn bị áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh.
“Tiếp thu những phản hồi này, một mặt, ngành Thuế đã đẩy mạnh hơn việc thông báo đến người nộp thuế về nghĩa vụ nợ để hoàn thành đúng hạn.
Đồng thời, tích cực phối hợp với cơ quan xuất nhập cảnh để giải quyết thủ tục nhanh nhất khi phát hiện nợ thuế trong quá trình xuất cảnh, sau đó liên thông giải quyết nhanh nhất”, lãnh đạo Tổng cục Thuế nói.
Bên cạnh đó, cơ quan Thuế đã báo cáo Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ để sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế, trong đó đề xuất áp dụng tạm hoãn xuất cảnh trong trường hợp cá nhân, chủ hộ kinh doanh có số tiền thuế nợ từ 50 triệu đồng trở lên và doanh nghiệp có số nợ thuế từ 500 triệu đồng trở lên đã quá thời hạn nộp theo quy định trên 120 ngày.
Theo ông Mai Sơn, số liệu thống kê trên hệ thống ứng dụng quản lý thuế cho thấy, hiện có khoảng 380 nghìn cá nhân là cá nhân kinh doanh, chủ hộ kinh doanh có số tiền nợ thuế từ 10 triệu đồng trở lên và doanh nghiệp có số tiền nợ thuế từ 100 triệu đồng trở lên. Khoảng 81 nghìn cá nhân là cá nhân kinh doanh, chủ hộ kinh doanh có số tiền nợ thuế từ 50 triệu đồng trở lên và doanh nghiệp có số tiền nợ thuế từ 500 triệu đồng trở lên…
“Đây là cơ sở để chúng tôi đề xuất ngưỡng nợ thuế để áp dụng tạm hoãn xuất cảnh”, ông Mai Sơn nhấn chia sẻ.
Ngoài ra, nghiên cứu kinh nghiệm áp dụng chính sách này tại một số quốc gia có thể thấy, những cá nhân có khoản nợ thuế trong khoảng 2.000 USD (đối với Malaysia) và là 40.000 USD (đối với Hoa Kỳ) thuộc trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh. Do đó, ngưỡng đối với cá nhân tại Việt Nam khoảng 2.100 USD (tương đương 50 triệu đồng) là phù hợp.
Tham khảo tại Đài Loan (Trung Quốc), quy định cụ thể ngưỡng nợ áp dụng cho doanh nghiệp là 2 triệu Đài tệ (tương đương 1,57 tỷ đồng), các nước khác không quy định ngưỡng cụ thể. Do vậy, đối với doanh nghiệp, Bộ Tài chính đề xuất áp dụng ngưỡng nợ là 500 triệu đồng (gấp 10 lần số tiền thuế nợ quá hạn áp dụng cho cá nhân).