“Tìm kiếm nhà đầu tư mới để tiếp sức cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp”

Phạm Minh | 07:15 18/07/2024

Theo chuyên gia VIS Rating, để “tiếp sức” cho thị trường TPDN chúng ta cần đa dạng khách hàng và tìm kiếm nhà đầu tư mới cho thị trường này.

“Tìm kiếm nhà đầu tư mới để tiếp sức cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp”
Nguyễn Đình Duy, CFA, Giám đốc – Chuyên gia phân tích cao cấp, CTCP xếp hạng tín nhiệm Đầu tư Việt Nam (VIS Rating) - Ảnh: MarketTimes.

Xung quanh câu chuyện thực tế về thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), giải pháp tháo gỡ cho các doanh nghiệp là các tổ chức phát hành, MarketTimes đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Đình Duy, CFA, Giám đốc – Chuyên gia phân tích cao cấp CTCP xếp hạng tín nhiệm Đầu tư Việt Nam (VIS Rating) về nội dung này.

MarketTimes: Thưa ông, thị trường TPDN từ 2019-2022 phát triển nóng, là kênh dẫn vốn cho các doanh nghiệp và nền kinh tế, nhưng sau một số “cú sốc”, thị trường này đã hạ nhiệt. Theo ông, đâu là thách thức rủi ro đối với thị trường TPDN hiện nay?

Ông Nguyễn Đình Duy: Thị trường TPDN đã trải qua một giai đoạn khủng hoảng chậm trả gốc/lãi trái phiếu trong hai năm vừa qua gây mất niềm tin đối với nhà đầu tư. Vì thế, đứng trên góc độ là một đơn vị xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp và công cụ nợ, chúng tôi cho rằng thị trường sẽ cần nhiều thời gian để có thể khôi phục niềm tin vào TPDN.

Chúng tôi cũng nhận thấy thách thức từ lượng trái phiếu đang gặp tình trạng chậm trả chưa giải quyết. Theo ước tính của chúng tôi hiện tại tổng dư nợ trái phiếu có trạng thái chậm trả là khoảng 180 nghìn tỉ đồng. Mặc dù đã có một số nỗ lực từ các tổ chức phát hành (TCPH) trong việc đàm phán xử lý với các trái chủ nhưng phương án xử lý chủ yếu vẫn là gia hạn trái phiếu thêm 2 năm. Như vậy đến khi hết thời gian gia hạn áp lực trả nợ gốc sẽ quay trở lại và gây ra thiệt hại cho trái chủ.

Bên cạnh đó trong năm 2024 và 2025 lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn cũng tương đối lớn, theo chúng tôi ước tính là khoảng gần 500 nghìn tỷ đồng. Trong đó trái phiếu của các doanh nghiệp Bất động sản chiếm khoảng gần một nửa. Trong bối cảnh việc phát hành mới đang gặp nhiều khó khăn thì áp lực phải trả nợ gốc đáo hạn này cũng là một thách thức đáng kể cho các tổ chức phát hành, nhất là các tổ chức phát hành có tỉ lệ đòn bẩy nợ vay cao và đang bị thiếu hụt về dòng tiền ngắn hạn.

Ngoài ra, trong năm 2024 chúng tôi cũng xin lưu ý vẫn có những yếu tố bất ổn từ bên ngoài tác động đến tình hình vĩ mô như áp lực tăng tỷ giá USD hoặc rủi ro suy thoái kinh tế ở các nước phát triển sẽ tác động tiêu cực đến kinh tế vĩ mô Việt Nam. Điều này có thể tác động tới môi trường lãi suất thấp hiện tại của Việt Nam và gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của các tổ chức phát hành TPDN.

MarketTimes: Theo thống kê của Hiệp hội TPDN, áp lực đáo hạn năm 2024 là rất lớn, lên đến hơn 360.000 tỷ đồng. Nhìn vào con số đáo hạn trên, ông đánh giá về khả năng "sức khoẻ" của doanh nghiệp?

Ông Nguyễn Đình Duy: Theo thống kê của chúng tôi, do có một số TCPH thực hiện mua lại trước hạn nên lượng trái phiếu đáo hạn thực tế trong năm 2024 còn khoảng 234 nghìn tỉ đồng, trong đó 97 nghìn tỉ đồng đã đáo hạn trong 6 tháng đầu năm, còn lại 137 nghìn tỉ đồng dư nợ trái phiếu sẽ đáo hạn trong 6 tháng cuối năm nay. Nhóm ngành Bất động sản dân cư có lượng đáo hạn lớn nhất là khoảng 55 nghìn tỉ đồng đáo hạn trong 6 tháng cuối năm. Con số này mặc dù thấp hơn so với năm 2023 nhưng cũng gây áp lực cho các doanh nghiệp BĐS vốn đang gặp khó khăn về dòng tiền ngắn hạn.

Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy khả năng tiếp cận nguồn vốn mới của các doanh nghiệp BĐS đang được cải thiện, điều này sẽ giúp giảm áp lực trả nợ đáo hạn trái phiếu. Thứ nhất là dư địa tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng cuối năm của các ngân hàng thương mại còn rất lớn, ước tính với khoảng dư địa tăng trưởng 10% còn lại của năm 2024 các ngân hàng có thể tăng tín dụng thêm khoảng gần 1,4 triệu tỉ đồng.

Điểm thứ hai là các luật về bất động sản đang được đẩy nhanh tiến độ để sớm có hiệu lực, qua đó sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ phê duyệt dự án và cải thiện nguồn cung bán hàng của chủ đầu tư. Các chủ đầu tư BĐS cũng có thể hoàn thiện pháp lý dự án, qua đó có thêm tài sản đảm bảo để tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng dễ dàng hơn.

MarketTimes: Mặc dù được gia hạn và đàm phán để trả nợ cho các trái chủ, tuy nhiên khi kênh gọi vốn mới từ TPDN không còn dễ dàng và nhiều doanh nghiệp chưa biết tìm đâu dòng tiền để trả nợ trong những năm tới, theo ông đâu là giải pháp?

Ông Nguyễn Đình Duy: Chúng ta có thể bắt đầu với giải pháp hiện tại của các TCPH tại Việt Nam. Trong năm 2023 sau khi có Nghị định 08 mở ra hành lang pháp lý về việc xử lý chậm trả trái phiếu, các TCPH đã tích cực đàm phán với trái chủ để tái cấu trúc nợ trái phiếu và gia hạn trái phiếu. Phương án này cũng được thị trường Trung Quốc áp dụng để giúp các TCPH có thêm thời gian tái cấu trúc hoạt động kinh doanh nhất là đối với các doanh nghiệp BĐS đang gặp khó khăn trong việc bán hàng.

Ở Việt Nam, thị trường BĐS vẫn ở trạng thái lành mạnh hơn do cầu về nhà ở vẫn đang ở mức cao, vấn đề nằm ở nguồn cung đang hạn chế do các vướng mắc pháp lý. Do đó chúng tôi kỳ vọng việc gia hạn này sẽ giúp các chủ đầu tư có đủ thời gian để giải quyết các chậm trễ về pháp lý nhằm gia tăng nguồn cung dự án, qua đó sẽ giúp gia tăng dòng tiền trả nợ.

Đối với những doanh nghiệp không còn khả năng tái cơ cấu hoạt động kinh doanh để trả nợ, chúng tôi cho rằng lúc này vai trò của người đại diện trái chủ là rất quan trọng. Đây là cầu nối giữa trái chủ và tổ chức phát hành, giúp tham gia xử lý tài sản đảm bảo hoặc tiến hành các thủ tục phá sản doanh nghiệp để thu hồi một phần tài sản cho trái chủ theo thứ tự thanh toán.

Đối với giải pháp tìm kiếm nhà đầu tư mới cho thị trường TPDN, so với các thị trường trong khu vực như Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia hay Trung Quốc, cơ cấu nhà đầu tư của thị trường TPDN Việt Nam phản ánh rằng thị trường vẫn còn đang ở giai đoạn khá sơ khai. Tỷ lệ nhà đầu tư tổ chức và nhà đầu tư chuyên nghiệp ở mức thấp do quy mô thị trường còn nhỏ, rủi co cao và khung pháp lý vẫn đang dần hoàn thiện.

Theo quan sát của chúng tôi từ kinh nghiệm các thị trường lân cận Việt Nam, mức độ tiếp cận thông tin đóng vai trò quan trọng với nhà đầu tư nước ngoài khi đưa ra quyết định đầu tư vào thị trường TPDN của một quốc gia. Khi tiếp cận được đầy đủ thông tin, họ có thể tham gia một thị trường hoàn toàn mới như Việt Nam và chủ động cân đối rủi ro phù hợp với khẩu vị đầu tư.

Và trong nhiều kênh thông tin khác nhau về TPDN tới nhà đầu tư, một số kênh thông tin như kết quả xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp đã khá quen thuộc với các nhà đầu tư ở các thị trường khác và có hiệu quả tốt hơn trong việc làm cầu nối về mặt ngôn ngữ đầu tư để thu hút vốn nước ngoài vào thị trường vốn dài hạn này của Việt Nam.

MarketTimes: Trân trọng cảm ơn ông!

Bài liên quan

(0) Bình luận
“Tìm kiếm nhà đầu tư mới để tiếp sức cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO