Theo nhận định của ông Lê Hồng Khang, Giám đốc Xếp hạng Tín nhiệm tại FiinRatings, mô hình vận hành của thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) tại Việt Nam hiện nay đang cho thấy 6 nhóm thách thức lớn cần sớm được nhận diện và có giải pháp kịp thời nhằm hướng đến phát triển một thị trường TPDN đầy đủ và hiệu quả.
Thứ nhất, tổ chức phát hành có năng lực tín dụng phân hóa và một số còn hạn chế. Chất lượng hàng hóa thiếu thông tin và chưa rõ ràng. Đã xảy ra một số trường hợp vi phạm.
Thứ hai, chất lượng tư vấn chưa cao. Hồ sơ chào bán chủ yếu mang tính tuân thủ, còn thiếu thông tin về phân tích rủi ro.
Thứ ba, vai trò ủy thác (fiduciary) của các định chế trung gian vẫn chưa được phát huy tốt.
Thứ tư, hạ tầng trung gian chưa hình thành đầy đủ: minh bạch thông tin, thứ cấp tập trung, xếp hạng tín nhiệm, định giá trái phiếu.
Thứ năm, sự am hiểu của nhà đầu tư cá nhân còn hạn chế và mang tính truyền tai, bề nổi.
Thứ sau, chính sách điều chỉnh kịp thời cho một số thất bại của thị trường nhưng chưa hình thành một hệ thống nền tảng đầy đủ và có tính tiên liệu cao.
Cũng theo ông Lê Hồng Khang, hầu hết ở phân đoạn trên thị trường TPDN đều có những vấn đề nhất định và không chỉ vấn đề của chính sách hoặc thể chế. Khi thị trường có những thất bại nhất định (market failure) thì sự can thiệp của cơ quan quản lý là cần thiết.
Trước những diễn biến tương đối phức tạp trên thị trường TPDN thời gian qua, theo ông Lê Hồng Khang vấn đề phải đặt ra hiện nay là cần phân loại, khu trú, có liệu pháp riêng và đòi hỏi sự tham gia, phát huy vai trò và ứng xử của tất cả các thành phần tham gia trên thị trường TPDN.
Thị trường hồi phục chậm với những bước đi thận trọng
Về diễn biến của thị trường TPDN trong các tháng đầu năm 2023, dữ liệu của FiinRatings cho thấy tiếp nối sự trầm lắng của năm 2022, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp năm 2023 vẫn khá nhỏ giọt.
Tính từ đầu năm đến nay, giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt hơn 140 nghìn tỷ và chủ yếu là hình thức phát hành riêng lẻ. Điều này khá dễ hiểu bởi trong bối cảnh nền kinh tế chịu nhiều khó khăn thách thức thì khẩu vị của nhà đầu tư đã có sự thay đổi, ngoài ra nhu cầu vốn, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp cũng đã suy giảm so với trước đây. Tuy nhiên, con số 140 nghìn tỷ vẫn là một con số đáng khích lệ.
Về quy mô thị trường, đã có sự thu hẹp đáng kể trong 2 năm trở lại đây, giảm khoảng 25% so với đỉnh cuối năm 2021, còn khoảng 1,2 triệu tỷ đồng. Ngoài những nguyên nhân có thể kể đến như khối lượng phát hành mới suy giảm, trái phiếu đến hạn thì còn nguyên nhân khác đáng chú ý là hoạt động mua lại trái phiếu diễn ra cấp tập thời gian gần đây. Điều này cho thấy tín hiệu là thanh khoản của doanh nghiệp vẫn tương đối tốt, nhưng ít nhiều cũng là do diễn biến không thuận lợi của thị trường gây ra, buộc họ phải mua lại trái phiếu trước hạn, ảnh hưởng tới kế hoạch kinh doanh ban đầu
Áp lực đáo hạn trái phiếu trong năm 2024 vẫn còn cao, không thua kém so với 2023. Trong đó số trái phiếu doanh nghiệp bất động sản đến hạn chiếm khoảng 50%. Đây là thách thức không nhỏ, không chỉ với các doanh nghiệp bất động sản mà còn các ngành liên thông.
Tính đến tháng 6/2023, khối lượng trái phiếu chậm thanh toán là khoảng 27% và có thể tăng lên trong thời gian tới. Tuy nhiên điểm sáng là 65% trái phiếu liên quan đến chậm trả đã đạt được thoả thuận với nhà đầu tư như tái cấu trúc, gia hạn thời gian thanh toán.
Ông Lê Hồng Khang, Giám đốc Xếp hạng Tín nhiệm tại FiinRatings nhận định, việc đạt được thỏa thuận nói trên cho thấy các thành viên tham gia thị trường đã ngồi lại với nhau để có các giải pháp xử lý vấn đề, hài hoà lợi ích các bên để tránh đổ vỡ dây chuyền không đáng có, gây thiệt hại cho nhà đầu tư.