Tại hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội do Thủ tướng Chính phủ chủ trì vừa diễn ra, đại diện các doanh nghiệp đã chỉ ra nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác phát triển nhà ở xã hội, trong đó đáng chú ý là những tồn tại liên quan đến lãi suất, tín dụng ưu đai và nguồn vốn.
Ông Nguyễn Văn Thanh Huy, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Becamex, hiện nay, lãi vay cho người lao động vẫn còn cao và thời gian vay cho người lao động còn ngắn.
“Qua theo dõi, tìm hiểu, nếu chúng ta kéo dài thời gian vay cho người lao động thì sẽ tạo điều kiện lớn cho người lao động được sở hữu nhà ở xã hội”, ông Huy nêu quan điểm.
Trong khi đó, ông Trương Anh Tuấn - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân lại bày tỏ băn khoăn về việc tại sao gói tín dụng ưu đãi cho nhà ở xã hội 120 ngàn tỷ đồng không áp dụng cho những khách hàng đã mua nhà tại dự án đã hoàn thành.
Theo ông Tuấn, trước đây, chúng ta có gói 30 ngàn tỷ đồng nhưng sau đó đã dừng, nên nhiều khách hàng là người dân, công nhân, lực lượng vũ trang khi mua nhà không được hưởng ưu đãi từ gói 30 ngàn tỷ đồng.
Do đó, ông Tuấn kiến nghị gói 120 ngàn tỷ đồng này dành cho cả khách hàng đã mua những dự án đã hoàn thành nhưng chưa được tiếp cận gói tín dụng ưu đãi.
Với chương trình 120 ngàn tỷ đồng, ông Tuấn cho rằng chưa có sự đồng bộ thời gian vay giữa chủ đầu tư và khách hàng.
“Khách hàng thì được vay 5 năm nhưng chủ đầu tư chỉ có vay 3 năm và nhiều ngân hàng đề nghị chủ đầu tư phải bảo lãnh cho khách hàng khi vay vốn mua nhà ở xã hội. Như vậy, nếu khách hàng là 5 năm thì chủ đầu tư phải được vay 5 năm, rất mong NHNN nghiên cứu thêm vấn đề này”, ông Trương Anh Tuấn nêu ý kiến.
Ngoài ra, ông Trương Anh Tuấn cũng kiến nghị Chính phủ có thể nghiên cứu dành ra một khoản từ 1 - 2% bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại.
Theo lý giải của ông Tuấn, nếu 1% thì mỗi năm là 1.200 tỉ đồng, nếu bù 2% là mỗi năm 2.400 tỉ đồng và việc bù lãi suất 1-2% của Chính phủ, chương trình này chắc chắn sẽ thành công và nó mạnh hơn gói 120 ngàn tỷ đồng như hiện nay.
Kiến nghị tháo gỡ “đầu ra” cho nhà ở xã hội
Bên cạnh những kiến nghị gỡ khó về chính sách tín dụng, nguồn vốn đầu vào cho đầu tư nhà ở xã hội, ông Trần Ngọc Anh, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Viglacera đề xuất “cởi mở” hơn trong xác định đối tượng được mua nhà ở xã hội nhằm gỡ khó “đầu ra” cho phân khúc này.
Theo ông Ngọc Anh, qua thực tế triển khai đến nay, doanh nghiệp đang gặp một số khó khăn trong việc kinh doanh những căn hộ này do các quy định còn hạn chế về đối tượng cũng như điều kiện thuê mua.
“Vì vậy, xin được kiến nghị với Thủ tướng là sớm cho áp dụng Luật Nhà ở sửa đổi và ban hành Nghị định về nhà ở xã hội theo hướng tháo gỡ, mở rộng đối tượng được mua, được thuê với điều kiện đơn giản, dễ thực hiện để người nghèo sớm tiếp cận được với các sản phẩm nhà ở xã hội này”, Phó Tổng giám đốc Viglacera nêu ý kiến.