Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải thông tin về giải quyết vấn đề thiếu điện và gỡ vướng dự án điện tái tạo

Hải Sơn | 14:16 04/06/2023

Để giải quyết vấn đề thiếu điện và gỡ vướng các dự án điện tái tạo không trong quy hoạch, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, Bộ này đã tăng cường đảm bảo công tác vận hành hệ thống điện sẵn có và cung cấp nhiên liệu phục vụ sản xuất điện. Đồng thời, đề nghị các địa phương và doanh nghiệp hoàn thành hồ sơ thủ tục để có đấu nối điện theo quy định.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải thông tin về giải quyết vấn đề thiếu điện và gỡ vướng dự án điện tái tạo

Chuẩn bị nguyên liệu… nhưng vẫn thiếu điện

Mấy ngày gần đây, trên các diễn đàn mạng xã hội, dư luận bức xúc phản ánh nhiều địa phương ở miền Bắc bị cắt điện nhiều giờ, hình thức cắt điện luân phiên, có những khu vực có thông báo, nhưng có những khu vực cũng không được thông báo trước.

Anh Nguyễn Văn Hùng (Phú Thọ) than thở trên các diễn đàn, mấy hôm nóng đỉnh điểm khu vực nhà anh có ngày bị cắt điện từ 10h-15h, hôm sau lại cắt từ 15h-23h, thậm chí có điện được một vài tiếng thì ngay lúc 3h sáng lại tiếp tục bị cắt.

“Cuộc sống sinh hoạt của người dân chúng tôi bị đảo lộn vì nóng quá ngồi trong nhà cũng không được, mà ra ngoài càng nóng, khổ nhất về đêm trẻ con quấy khóc”, anh Hùng cho biết.

Quản lý một doanh nghiệp may tại Chí Linh, Hải Dương cũng chia sẻ, gần 1 tuần nay, cứ đến tầm 15h là mất điện. Điều quan trọng nhất là doanh nghiệp đang chuẩn bị phải trả đơn hàng cho phía đối tác. Nhưng tình trạng này diễn ra dễ chừng doanh nghiệp trả không đúng hạn và nguy cơ bị phạt rất cao.

Một số tỉnh như Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình, Hải Dương, Bắc Ninh… cũng trong tình trạng tương tự, khi hàng ngày điện sinh hoạt bị cắt luân phiên.

Trước câu hỏi của các nhà báo về nguy cơ thiếu điện sinh hoạt và sản xuất, trả lời vấn đề này tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2023, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận, dù nói về nguy cơ, nhưng thực tế có một số nơi, ở một số thời điểm nhất định, đã xuất hiện tình trạng thiếu điện cho sinh hoạt của người dân và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo ông Đỗ Thắng Hải, do tình hình thời tiết khắc nghiệt nên từ đầu tháng 5 đến nay đã làm tăng nhu cầu tiêu thụ điện sinh hoạt; trong khi đó lưu lượng nước về các hồ thủy điện lại rất thấp, đặc biệt là tại các hồ thủy điện miền Bắc, gây ảnh hưởng lớn đến cung ứng điện trong mùa khô năm 2023, nhất là trong thời gian cuối tháng 5 vừa qua khi nguồn than nhập khẩu về chậm hơn nhu cầu thực tế phục vụ hoạt động phát điện.

Ngay từ đầu năm lường trước được tình hình khó khăn trong cung cấp điện tại thời gian cao điểm nắng nóng năm 2023, Bộ Công Thương đã tăng cường đảm bảo công tác vận hành hệ thống điện sẵn có và cung cấp nhiên liệu phục vụ sản xuất điện. Đồng thời, rà soát công tác vận hành hệ thống điện, chỉ đạo các đơn vị phát điện: chuẩn bị nhiên liệu sẵn sàng phục vụ cho phát điện…

Bên cạnh đó, khẩn trương đưa các nhà máy năng lượng tái tạo chuyển tiếp vào vận hành, nối lưới để có thể phát điện ngay lên hệ thống điện quốc gia.

Ngoài ra, Bộ Công Thương tăng cường các giải pháp tiết kiệm điện, trong đó đã tổ chức phát động tiết kiệm điện toàn quốc năm 2023 kêu gọi và đề nghị UBND các tỉnh thành phố, các bộ, ngành Trung ương đẩy mạnh công tác tuyên truyền.

Gỡ vướng, hồ sơ cần đủ pháp lý

Liên quan đến việc giải quyết các dự án điện gió, điện mặt trời không nằm trong Quy hoạch, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, ngày 15/5/2023, tại Quy hoạch điện VIII mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó chỉ nêu tổng công suất các nguồn điện gió, điện mặt trời dự kiến phát triển đến năm 2030, không có tên dự án cụ thể.

do-thang-hai.jpeg
Đối với những dự án không nằm trong Quy hoạch, hiện nay Bộ Công Thương đã có các văn bản quy phạm pháp luật, công văn hướng dẫn để giải quyết, xử lý. (Ảnh: VGP)

Cơ cấu nguồn điện dự kiến phát triển đến năm 2030 như sau: Điện gió trên bờ 21.880 MW; Điện gió ngoài khơi 6.000 MW, trường hợp công nghệ tiến triển nhanh, giá điện và chi phí truyền tải hợp lý thì phát triển quy mô cao hơn; Điện mặt trời 12.836 MW (không bao gồm điện mặt trời mái nhà hiện hữu), gồm các nguồn điện mặt trời tập trung 10.236 MW, nguồn điện mặt trời tự sản, tự tiêu khoảng 2.600 MW. Nguồn điện mặt trời tự sản, tự tiêu được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất.

Hiện nay, Bộ Công Thương đang triển khai xây dựng Kế hoạch thực hiện quy hoạch theo nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, khi đó sẽ cụ thể hóa quy mô công suất, tiến độ các dự án theo từng địa phương để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

"Tuy nhiên, đối với những dự án không nằm trong Quy hoạch, hiện nay Bộ Công Thương đã có các văn bản quy phạm pháp luật, công văn hướng dẫn để giải quyết, xử lý", ông Đỗ Thắng Hải nói.

Căn cứ quy định tại Luật Giá, Luật Điện lực, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 15/2022/TT và Quyết định số 21/QĐ-BCT làm cơ sở cho EVN và các dự án chuyển tiếp thỏa thuận giá điện đảm bảo không vượt quá khung giá phát điện do Bộ Công Thương ban hành.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đã ban hành 10 công văn chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc EVN và các chủ đầu tư dự án điện khẩn trương đàm phán, thống nhất giá điện, đảm bảo nguyên tắc giá điện với lợi nhuận hợp lý, các dự án tuân thủ quy định pháp luật và không vượt quá khung giá phát điện.

Việc tháo gỡ khó khăn cho các dự án là cần thiết, tuy nhiên ngoài vấn đề cơ chế giá điện, các dự án phải tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật khác như về quy hoạch, đầu tư, đất đai, môi trường, xây dựng, phòng cháy chữa cháy v.v… Bộ Công Thương đã thường xuyên làm việc với EVN và các nhà máy điện chuyển tiếp để trực tiếp hướng dẫn, chỉ đạo xử lý. Đồng thời Bộ cũng đã ban hành các văn bản chỉ đạo cụ thể cho EVN cũng như gửi các địa phương để kịp thời hướng dẫn các nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ theo quy định.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải thông tin về giải quyết vấn đề thiếu điện và gỡ vướng dự án điện tái tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO