Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng vừa gửi đến Quốc hội báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 62/2022/QH15 (về hoạt động chất vấn), Nghị quyết số 63/2022/QH15 (về kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV).
Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, từ giữa tháng 6/2022, trước những diễn biến bất lợi của thị trường quốc tế, Ngân hàng Nhà nước đã kiểm soát chặt chẽ tiền tệ để hỗ trợ ổn định thị trường ngoại hối thông qua việc phát hành tín phiếu Ngân hàng Nhà nước và kiểm soát khối lượng chào mua qua nghiệp vụ thị trường mở.
Thống đốc cho biết, kết quả kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô cũng là cơ sở quan trọng để tổ chức quốc tế đánh giá tích cực về tình hình và triển vọng phát triển của Việt Nam.
Tháng 9/2022, Moody’s Investors Service nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2, triển vọng Ổn định (Việt Nam là 1 trong 4 quốc gia trên thế giới được Moody’s nâng bậc tín nhiệm quốc gia kể từ đầu năm 2022 đến nay).
Đồng thời, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam lên 7% trong năm 2022, cao hơn 1 điểm phần trăm so với mức dự báo trước đó.
Trong điều hành lãi suất 8 tháng qua, theo Thống đốc, Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên các mức lãi suất điều hành trong bối cảnh lãi suất thế giới tăng nhanh và áp lực lạm phát trong nước gia tăng. Từ đó, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp.
Đồng thời, chỉ đạo tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động để tiếp tục phấn đấu giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn.
Theo báo cáo nêu trên, tính đến ngày 26/9/2022, tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 11,58 triệu tỷ đồng, tăng 10,83% so với cuối năm 2021. Đây là mức tăng cao so với cùng kỳ nhiều năm gần đây, phù hợp với diễn biến phục hồi của nền kinh tế. Trong đó, cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, phù hợp với đóng góp và tăng trưởng của các ngành kinh tế trong GDP.
Tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên tăng trưởng tốt, cao hơn cùng kỳ năm trước, một số lĩnh vực có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung; tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ.
Tạm tính đến cuối tháng 8/2022, tín dụng ngành nông, lâm, thủy sản tăng 7,56%; tín dụng ngành công nghiệp - xây dựng tăng 7,37%; tín dụng ngành thương mại - dịch vụ tăng 11,34%.
Cùng kỳ, tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn tăng 9,26%; doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 10,54%; xuất khẩu tăng 2,68%; công nghiệp hỗ trợ tăng 11,6%; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao giảm 0,28%.
Thống đốc cũng cho biết, đến tháng 8/2022, tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản tăng 15,68% so với cuối năm 2021, chiếm 20,92% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống, trong đó kinh doanh bất động sản tăng 7,35%; phục vụ mục đích tự sử dụng tăng 20,14%. Ngược lại, tín dụng để đầu tư, kinh doanh chứng khoán giảm 35,07%, chiếm 0,32%.
Về điều hành tỷ giá và thị trường ngoại tệ, tỷ giá và thị trường ngoại tệ chịu áp lực lớn từ những diễn biến phức tạp, khó lường trên thị trường quốc tế, nhất là việc Fed đẩy mạnh lộ trình thắt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất ở mức độ lớn với tần suất cao. Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành tỷ giá chủ động, phù hợp vừa tạo dư địa để tỷ giá diễn biến linh hoạt hơn.
Nhờ đó, 9 tháng năm 2022, VND mất giá khoảng 4,8% so với USD, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực diễn biến thị trường ngoại tệ tương đối ổn định, thanh khoản thị trường thông suốt.
Tuy nhiên, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết, thời gian tới vẫn còn nhiều khó khăn như áp lực lạm phát có xu hướng tăng, lạm phát so với cùng kỳ tại thời điểm cuối năm 2022 dự kiến vượt 4% gây thách thức đối với nhiệm vụ kiểm soát lạm phát ngay từ đầu năm 2023.
Cùng với đó, việc giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Quốc hội trong thời gian tới sẽ gặp nhiều thách thức. Áp lực lên vốn tín dụng ngân hàng tăng cao. Tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt từ năm 2020, tiềm ẩn rủi ro đối với hệ thống tài chính…