Trong tháng 1/2024, nhiều thương hiệu thép liên tục điều chỉnh tăng giá, tuy nhiên thị trường nội địa không nối lại được đà tăng sau kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên Đán. Từ đầu tháng 3, các nhà sản xuất điều chỉnh giảm giá bán thép theo diễn biến giảm giá của nguyên liệu đầu vào như phôi thép, thép phế, quặng sắt.
Ngày 19/3/2024, Công ty TNHH Thép Hoà Phát Hưng Yên đã có thông báo gửi khách hàng về việc điều chỉnh giá bán hàng. Theo Thép Hoà Phát Hưng Yên, trước tình hình giá phôi thép, nguyên vật liệu đầu vào giảm, Công ty quyết định giảm giá bán. Trong đó, điều chỉnh giảm 200.000 đồng/tấn với thép cuộn xây dựng (chưa bao gồm VAT), áp dụng cho khu vực miền Bắc từ ngày 19/3/2024.
Cùng ngày, CTCP Tập đoàn Sản xuất Thép Việt Đức cũng thông báo giảm thép cuộn các chủng loại VGS 200 đồng/kg (chưa bao gồm VAT), áp dụng cho khu vực miền Bắc và miền Trung, từ ngày 19/3/2024.
Đợt giảm giá này chấm dứt chuỗi tăng giá kéo dài hơn 4 tháng qua. Điều đáng nói là xu hướng giảm giá được dự báo có khả năng tiếp diễn khi giá phôi và thép phế đều có mức giảm khá sâu.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản lượng thép xây dựng trong tháng 2 ước đạt 833.152 tấn, giảm 17% so với tháng trước và giảm 12% so với tháng 2/2023. Bán hàng ước đạt 594.811 tấn giảm 41% so với tháng trước và giảm 33% so với cùng kỳ năm 2023.
Trước Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp đua nhau tích trữ hàng để bán do giá tăng cao, khiến nhiều thời điểm, các nhà máy trong tình trạng thiếu hàng, phải thực hiện việc chia sản lượng. Cũng vì thế, hàng tồn kho trước Tết của các nhà máy sản xuất hầu như không có, nên doanh nghiệp càng ra sức nhập sản lượng nhiều nhất có thể.
Các đại lý cấp dưới theo “tâm lý chung” cũng đã nhập đủ số lượng nên sau Tết, nhu cầu không còn lớn. Thông thường từ tháng 2 Âm lịch trở đi bước vào mùa xây dựng song đúng thời điểm này, giá lại giảm khiến sản lượng tiêu thụ của các doanh nghiệp hạ thấp và không nhập hàng.
Điều này khiến doanh nghiệp sản xuất gặp nhiều khó khăn. Một số doanh nghiệp cán thép cũng đã phải dừng lò từ nhiều ngày nay do lượng hàng tồn kho lớn.
Theo báo Thái Nguyên, nhà máy Cán thép Thái Nguyên đang phải tạm ngừng lò khoảng 10 ngày nay và theo dự đoán, nếu tình trạng thép tiếp tục tồn kho như hiện nay, thì một số nhà máy khác của Tisco cũng sẽ khó tránh được việc tạm ngừng hoạt động, cho đến khi thị trường tốt lên.
Công ty CP Cán thép Thái Trung cũng không nằm ngoài tình trạng này. Đơn vị đã bắt đầu dừng lò từ ngày 27/2 nhưng chủ yếu để sửa chữa bảo dưỡng. Nếu sau ngày 20/3, lò chưa thể hoạt động trở lại, công ty sẽ buộc phải cho người lao động nghỉ chờ việc.
Dù vậy, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) dự báo thị trường thép vẫn có tín hiệu tích cực trong năm 2024, tiêu thụ thép dự kiến tăng 6,4%, lên gần 21,6 triệu tấn. Trong đó, xuất khẩu thép thành phẩm và bán thành phẩm tăng 12%, lên gần 13 triệu tấn. Mục tiêu này được đưa ra dựa trên kỳ vọng GDP của Việt Nam sẽ tăng 6 - 6,5% trong năm nay.