Tại buổi họp báo với chủ đề “Thực hư chuyện môi giới Bất động sản đẩy giá, gây nhiễu loạn thị trường" ngày 31/10, bà Hồ Thị Thu Mai, Giám đốc Nhà ở ngay - đơn vị có nhiều năm kinh nghiệm trên thị trường thứ cấp nhận định, thị trường bất động sản thời gian qua chỉ ghi nhận "sốt nóng" tại Hà Nội, trong khi các tỉnh thành khác thanh khoản thấp và giá cả thì không tăng.
Bà Mai lý giải, giai đoạn 2020 - 2023, nhu cầu mua nhà của người dân vốn đã lớn, lại ngày càng tăng trưởng cùng làn sóng nhập cư. Tuy nhiên, giai đoạn này, mỗi năm thị trường chỉ ghi nhận một vài dự án căn hộ mở bán, chỉ có thể đáp ứng một phần rất nhỏ nhu cầu.
"Khoảng hơn 4 triệu người ở khu vực đô thị Hà Nội nên nhu cầu mua nhà rất cao. Chưa kể, theo thống kê, mỗi năm có khoảng từ 150.000 – 200.000 người nhập cư tới Hà Nội và đều có nhu cầu mua nhà. Trong khi giai đoạn 2020-2023, Hà Nội chỉ có khoảng 10.000 sản phẩm mới được chào bán. Như vậy, tính toán sơ bộ, tối thiểu 50.000 nhà ở mới trong 1 năm mới đáp ứng được nhu cầu ở cho người dân Hà Nội", bà Mai cho hay.
Do đó, nhu cầu về nhà ở không được thị trường sơ cấp đáp ứng nên người dân đổ xô đi tìm mua nhà trên thị trường thứ cấp trong giai đoạn từ 2020 đến nay, kéo theo giá nhà ở thứ cấp cũng tăng lên. Bên cạnh đó, chủ đầu tư dự án sơ cấp căn cứ vào mức giá thứ cấp này và nhu cầu mua nhà để ở của người dân để xác định giá bán. Vì thế, mức giá bán sơ cấp từ đó mà cũng tăng theo.
Theo báo cáo thị trường bất động sản Hà Nội trong quý III của Savills Việt Nam, mức giá sơ cấp đạt khoảng 69 triệu đồng/m2, tăng 6% theo quý và 28% theo năm. Trong 9 tháng qua, các căn hộ trên 4 tỷ đồng chiếm 70% số lượng căn bán được, tăng mạnh từ mức 2% trong năm 2020. Căn hộ giá 2-4 tỷ đồng chiếm 29% thị phần và chỉ 1% số căn hộ có giá dưới 2 tỷ đồng.
Giá thứ cấp trung bình đạt 51 triệu đồng/m2, tăng 10% theo quý và 41% theo năm. Kể từ năm 2020, giá thứ cấp trung bình tăng 17%/năm, với hạng C tăng mạnh nhất đạt 20%/năm, tiếp đến là hạng A tăng 16%/năm và hạng B tăng 15%/năm.
Nhận xét về giá bán chung cư hiện nay, ông Lê Đình Chung, Tổng Giám đốc SGO Homes khẳng định xu hướng tăng giá là điều không thể tránh khỏi. Về ngắn hạn, giá bất động sản chưa thể giảm ngay. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do nguồn cung dù đã được cải thiện nhưng vẫn còn rất khan hiếm so với nhu cầu. Chi phí đầu tư tăng cao, khiến các chủ đầu tư đặt kỳ vọng cao hơn về lợi nhuận.
Ông Chung nhấn mạnh, bản thân người môi giới không có khả năng can thiệp về mức giá của thị trường. Hơn thế nữa, môi giới bất động sản là đối tượng không mong muốn giá bất động sản tăng nhất. Bởi khi chủ đầu tư bán giá cao, cơ hội chốt khách sẽ khó khăn hơn, môi giới sẽ vất vả hơn, nhưng thực tế phần phí cho môi giới họ nhận về vẫn không thay đổi.