Cùng với đó, thông tin từ các doanh nghiệp nhập khẩu phân bón cho biết Trung Quốc đã chính thức siết chặt việc xuất khẩu phân bón từ cuối tháng 10/2021.
Cụ thể, thông tin phía Nga đưa ra, việc hoạch áp đặt hạn ngạch xuất khẩu phân đạm sẽ kéo dài 6 tháng, bắt đầu ngay từ tháng 12/2021. Chính sách này là nhằm đảm bảo nguồn cung nội địa và kiềm chế lạm phát đang tăng cao.
Theo đó, lượng phân đạm xuất khẩu của Nga sẽ bị hạn chế ở mức 5,9 triệu tấn và lượng phân đạm phức hợp sẽ bị giới hạn tối đa ở mức 5,35 triệu tấn.
Thời gian qua giá nhiều loại nông sản tại thị trường Nga vọt tăng mà nguyên nhân là do giá phân bón tăng mạnh từ đầu năm 2021 đến nay.
Nga đang là nước xuất khẩu phân bón lớn nhất thế giới với khoảng 12,7% lượng phân bón xuất khẩu trên thế giới trong năm 2020. Do đó, dự báo một đợt tăng giá mới, đặc biệt là phân đạm trên thị trường thế giới.
Cùng tại thời điểm này, quốc gia xuất khẩu phân bón lớn khác trên thế giới là Trung Quốc đã đưa ra một số biện pháp để hạn chế xuất khẩu phân bón.
Nguyên nhân được đưa ra là do các nhà sản xuất phân bón Trung Quốc đang đối diện với tình trạng thiếu hụt nguyên liệu sản xuất, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao…
Theo một số doanh nghiệp nhập khẩu phân bón tại Việt Nam, từ giữa tháng 10/2021 đến nay nguồn nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc gần như bị ngừng. Chỉ còn một số ít hàng hoá đã nằm trong kho ngoại quan theo hợp đồng từ trước được nhập về.
Một số doanh nghiệp nhập khẩu phân bón của Việt Nam đã thông báo từ các nhà xuất khẩu là tạm ngừng giao hàng cho tới tháng 6/2022.
Hiện nay phía Trung Quốc cho dừng tất cả những sản phẩm liên quan đến phân bón vào kho ngoại quan. Khi đã không vào được kho ngoại quan thì không thể xuất khẩu được.
Theo một doanh nghiệp nhập khẩu phân bón Việt Nam, theo chỉ đạo, một số cảng của Trung Quốc đã thông báo không cho phân bón vào. Như cảng Qinhuangdao đã dừng tiếp nhận mặt hàng phân bón dừng tiếp nhận mặt hàng phân bón vào khu ngoại quan, cảng Huanghua thì thông báo sẽ từ chối nhận bất kỳ lô phân bón nào tiếp theo sau khi xuất khẩu hết những lô đang nằm trong khu vực cảng. Mới nhất là cảng Tianjin cũng thông báo dừng nhận phân bón vào cảng…
Các doanh nghiệp xuất khẩu phân bón của Trung Quốc cũng không nhận hợp đồng giao hàng trong tương lai, thậm chí hợp đồng giao hàng sau tháng 6/2022 cũng không được ký vì chưa biết “tương lai” chính sách như thế nào.
Việc hai cường quốc xuất khẩu phân bón lớn trên thế giới siết lại việc xuất khẩu phân bón cùng một thời điểm dự báo giá phân bón trên thị trường thế giới sẽ tăng cao do thiếu hụt nguồn cung.
Không riêng gì Nga và Trung Quốc, một số nước xuất khẩu phân bón lớn như Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan, Braxin… cũng bắt đầu có động thái hạn chế xuất khẩu.
Như vậy, với việc hàng loạt quốc gia xuất khẩu phân bón lớn nhất thế giới cũng áp dụng chính sách hạn chế xuất khẩu, dự báo thị trường phân bón thế giới lại chuẩn bị đón những đợt tăng giá mới với biên độ cao hơn từ nay tới tháng 6/2022.