Thị trường Chứng khoán 2022: Tránh tâm lý đầu tư theo phong trào

Vân Anh | 16:10 01/01/2022

Trong thời gian tới thị trường vẫn sẽ tiếp tục đối mặt với những diễn biến khó lường, tuy nhiên cũng có nhiều tín hiệu khả quan.

Thị trường Chứng khoán 2022: Tránh tâm lý đầu tư theo phong trào
Trong 11 tháng năm 2021, có 1,3 triệu tài khoản của nhà đầu tư trong nước và 4.133 tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài mở mới.

Chia sẻ với báo chí, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng  cho rằng, năm 2021, dù Việt Nam liên tục phải ứng phó với dịch Covid-19 nhưng các doanh nghiệp niêm yết đa phần làm ăn có lãi.

Một năm bứt phá mạnh mẽ

Thị trường chứng khoán Việt Nam do đó đã có sự bứt phá mạnh mẽ, liên tục lập kỷ lục mới về cả chỉ số, giá trị giao dịch, số lượng tài khoản của nhà đầu tư trong nước mở mới.

Tính đến ngày 28/12/2021, VN-Index đạt 1.494,39 điểm, tăng 35,4% so với cuối năm 2020.

Chỉ số HNX-Index đóng cửa ở mức 458,05 điểm, tăng 125,5% so với cuối năm 2020.

Còn về giá trị giao dịch và giá trị niêm yết, tính đến ngày 28/12/2021, mức vốn hóa thị trường đạt 7.729 nghìn tỷ đồng, tăng 46% so với cuối năm 2020, tương đương 122,8% GDP năm 2020 và 92% GDP năm 2021.

Quy mô niêm yết, đăng ký giao dịch của thị trường đạt 1.727 nghìn tỷ đồng, tăng 14,1% với cuối năm 2020 với 761 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 sở giao dịch chứng khoán và 890 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UPCoM.

Năm 2021, chứng kiến số lượng tài khoản đầu tư chứng khoán gia tăng kỷ lục. 

Trong 11 tháng năm 2021, có 1,3 triệu tài khoản của nhà đầu tư trong nước và 4.133 tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài mở mới, nâng tổng số lượng tài khoản chứng khoán tại Việt Nam lên con số 4,08 triệu tài khoản, tăng 47,3% so với cuối năm 2020.

Trong đó, số lượng nhà đầu tư trong nước chiếm đến 99% tổng số lượng tài khoản đầu tư toàn thị trường.

Trong 11 tháng năm 2021, tổng mức huy động vốn thực tế trên thị truồng chứng khoán ước đạt 444.941 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, huy động vốn của khối doanh nghiệp thông qua qua phát hành cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp và đấu giá cổ phần hóa ước đạt 143.924 tỷ đồng, tăng gấp 2,2 lần.

Tính đến ngày 31/12, huy động vốn cho ngân sách nhà nước thông qua đấu thầu trái phiếu Chính phủ giảm 1,8% với giá trị đạt 318.213 tỷ đồng, kỳ hạn phát hành bình quân đạt 13,92 năm, đây là kỳ hạn dài nhất từ trước đến nay, trong khi lãi suất phát hành bình quân đạt 2,3%/năm, mức thấp nhất nhiều năm nay. 

Kỳ hạn phát hành bình quân trái phiếu Chính phủ bảo lãnh là 10,33 năm và lãi suất phát hành bình quân là 2,3%/năm, giảm 0,75%/năm so với năm 2020.

Cũng theo ông Trần Văn Dũng, Năm 2021, những khó khăn của doanh nghiệp trong năm 2021 tạo ra áp lực ở mức độ khác nhau đến lạm phát, từ đó tác động đến tâm lý nhà đầu tư và tác động đến thị trường chứng khoán.

Vẫn còn những diễn biến khó lường

Ông Trần Văn Dũng cho rằng, thời gian tới thị trường vẫn sẽ tiếp tục đối mặt với những diễn biến khó lường.

Đó là tốc độ tăng lợi nhuận và doanh thu của doanh nghiệp đang có dấu hiệu chậm lại.

Những khó khăn trong chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn tiếp tục xảy ra dẫn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh nên doanh nghiệp khó có thể đạt được mức tăng trưởng như năm 2021.

Nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đang đưa ra tín hiệu về áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ nhằm đối phó với rủi ro lạm phát sẽ tạo thêm áp lực cho thị trường chứng khoán.

Do đó các nhà đầu tư cần tiếp cận thị trường một cách cẩn trọng, phân tích đầy đủ thông tin, tránh tâm lý đầu tư theo phong trào để hạn chế rủi ro.

Tuy nhiên cũng có nhiều tín hiệu khả quan.

Đó là mặt bằng lãi suất tiếp tục được duy trì ổn định trong các tháng cuối năm và đầu năm tới. Do vậy, dòng tiền có khả năng vẫn tiếp tục được thu hút vào thị trường chứng khoán.

Chương trình phục hồi kinh tế của Chính phủ trình Quốc hội vào phiên họp bổ sung cuối năm 2021, thời gian áp dụng tập trung trong hai năm 2022-2023.

Dư địa phát triển của thị trường vẫn còn rất lớn khi Chính phủ đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thị trường trái phiếu doanh nghiệp dù mới sơ khai nhưng sẽ là thị trường tiềm năng lớn trong thời gian tới...

Việc đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 và kiểm soát dịch bệnh, nới lỏng giãn cách xã hội đã thúc đẩy triển vọng phục hồi tích cực của nền kinh tế Việt Nam.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Thị trường Chứng khoán 2022: Tránh tâm lý đầu tư theo phong trào
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO