"Thị trường chỉ còn lại những đơn vị có sức, có lực, xứng đáng được ngân hàng giải ngân vốn"

Hải Sơn | 10:20 07/10/2022

Nhu cầu vay vốn của nhiều doanh nghiệp hiện nay là có thật, nhưng việc tiếp cận vốn vay khó đang là một trong những rào cản nỗ lực hồi phục sản xuất kinh doanh.

"Thị trường chỉ còn lại những đơn vị có sức, có lực, xứng đáng được ngân hàng giải ngân vốn"
Nhiều doanh nghiệp đang "khát vốn". (Ảnh minh hoạ: Int)

Ông Nguyễn Hữu Bình, Giám đốc một doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng tại Hải Dương cho hay, hiện nguyên vật liệu xây dựng tăng giá, với số vốn ít ỏi hiện có của công ty không đủ để chi phí sản xuất, ông muốn vay ngân hàng để mở rộng thêm quy mô. Tuy nhiên doanh nghiệp của ông cũng khó tiếp cận với nguồn vốn từ ngân hàng.

Tương tự, ông Bùi Đăng Phương, Giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm Tứ Phương (TP Vinh, Nghệ An) chia sẻ, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp hiện nay là có thật nhằm mục đích tăng trưởng. Như doanh nghiệp của ông, nếu có thể vay được thì rất tốt, không vay được thì vẫn có cách phát triển vì công ty chủ động được nguồn vốn để sản xuất, kinh doanh chứ không phụ thuộc vào đòn bẩy tài chính. “Nhưng nếu được giải ngân thì vẫn tốt hơn vì sẽ có kế hoạch dài hơi hơn”, ông Phương nói.

Đại diện Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) cũng cho rằng, thời gian qua, những cá nhân, tổ chức bất động sản đang gặp rất nhiều khó khăn vì bị siết vốn. Khi đó, những doanh nghiệp này không thể cho ra những sản phẩm tốt, sản phẩm phù hợp để đáp ứng nhu cầu của thị trường và phần lớn bị đào thải.

Ngược lại, với những doanh nghiệp, đơn vị có đủ năng lực, sức khoẻ và tự chủ về tài chính thì họ vẫn duy trì hoạt động. Bởi tiềm lực có, nguồn tiền có, nguồn hàng có thì họ vẫn cho ra những sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường, ví dụ như nhà xã hội, chung cư giá rẻ thì lúc nào thị trường cũng cần, còn nhà ở cao cấp, chung cư cao cấp hiện nay thì đối tượng bị thu hẹp lại, trong khi giá bị đẩy lên cao khiến các nhà đầu tư phải cân nhắc.

"Nếu không có thực lực thì rất dễ bị phá sản. Do đó, tôi tin trên thị trường chỉ còn lại những đơn vị có sức, có lực, xứng đáng được ngân hàng giải ngân vốn", vị này nói.

Mặc dù doanh nghiệp “khát vốn”, nhưng từ đầu năm đến nay có khoảng 20 ngân hàng công bố kế hoạch tăng vốn với tổng cộng khoảng 120.000 tỷ đồng vốn điều lệ được bổ sung, điển hình như: MSB, MB, VPBank, HDBank, KienlongBank, VIB, ACB, OCB, BIDV, SeABank, SHB… Các phương án tăng vốn điều lệ được triển khai thông qua phát hành cổ phiếu để chia cổ tức, phát hành riêng lẻ, phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, phát hành theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP)...

Cụ thể, trong báo cáo gửi tới Ủy ban Kinh tế Quốc hội mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tính đến cuối tháng 7/2022, vốn điều lệ của nhóm “Big 4” (Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV) đạt 180,3 nghìn tỷ đồng.

Trong đó, Agribank đã được cấp bổ sung 3.500 tỷ đồng vốn điều lệ. VietinBank đã chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ thêm 10.824 tỷ đồng. Vietcombank phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ phần lợi nhuận còn lại năm 2019, tổng vốn điều lệ tăng thêm là 10.237 tỷ đồng. Còn tại BIDV, tổng số vốn điều lệ tăng thêm là 10.365 tỷ đồng.

Về nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chấp thuận tăng vốn điều lệ đối với 15 ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP), trong đó việc tăng vốn điều lệ của các ngân hàng này chủ yếu là từ nguồn vốn chủ sở hữu của ngân hàng (lợi nhuận để lại và các quỹ dự trữ). Nhờ đó, đến cuối tháng 7/2022, vốn điều lệ của các ngân hàng TMCP đạt 416,9 nghìn tỷ đồng; tổng tài sản đạt 7.488,2 nghìn tỷ đồng; huy động vốn thị trường 1 đạt 5.513,4 nghìn tỷ đồng; dư nợ cho vay thị trường 1 đạt 4.686,6 nghìn tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính quý II/2022 của 30 ngân hàng trong nước, tính đến hết ngày 30/6, tổng vốn điều lệ các ngân hàng đạt 575.761 tỷ đồng, tăng 4,7% so với đầu năm.

Trong đó, một số ngân hàng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ vốn điều lệ trong 6 tháng đầu năm, đứng đầu là VIB với mức tăng trưởng 35,7%. Đến 30/6/2022, vốn điều lệ của VIB đạt 21.077 tỷ đồng.

Tiếp đó là ABBank (35%), Nam A Bank (27,9%), Vietcombank (27,6%), SeABank (24%), VietABank (21,3%)...

Đứng về góc độ doanh nghiệp, PGS.TS Nguyễn Trọng Điều, Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân tư nhân Việt Nam nói, doanh nghiệp có khoẻ thì nền kinh tế mới vững. Khi doanh nghiệp có vốn mở rộng sản xuất, đầu tư mua nguyên liệu và sẽ quay vòng, tính thanh khoản lớn và tạo ra lợi ích nhanh.

GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay, các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp bất động sản nói riêng, điều họ cần bây giờ là cần vốn để tăng trưởng, phát triển và về đích cuối năm. Những doanh nghiệp trước kia chỉ dùng đòn bẩy tài chính hay những dự án có vấn đề không còn trụ lại sau một thời gian dài bị siết vốn. Nếu đã xác định được bối cảnh này thì ngân hàng nên rót vốn để tạo điều kiện cho doanh nghiệp.

Còn TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia phân tích, cả nước có 871.275 doanh nghiệp đang hoạt động tương đối hiệu quả. Con số này cho thấy Chính phủ, các bộ ngành và chính quyền các địa phương đang rất nỗ lực để các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội. Do vậy, việc duy trì sự ổn định của chính sách tiền tệ là giải pháp phù hợp nhất của cơ quan điều hành trong giai đoạn này.

Bài liên quan

(0) Bình luận
"Thị trường chỉ còn lại những đơn vị có sức, có lực, xứng đáng được ngân hàng giải ngân vốn"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO