Thời gian qua, các cơ quan quản lý nhà nước liên tục có những động thái nhằm thắt chặt tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản.
Ngay từ đầu năm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Chỉ thị yêu cầu không nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng và tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông, trái phiếu doanh nghiệp…
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng liên tục có những yêu cầu rà soát, chấn chỉnh hoạt động phát hành trái phiếu, nhất là đối với các doanh nghiệp bất động sản.
MarketTimes: Ông có nhận định ra sao về những động thái của các cơ quan chức năng trong việc thắt chặt quản lý tín dụng đối với bất động sản thời gian qua?
TS. Nguyễn Văn Đính: Việc rà soát, tăng cường quản lý nhằm điều chỉnh, kiểm soát, định hướng dòng vốn là tất yếu để lành mạnh hóa thị trường.
Chúng tôi đồng tình với quan điểm của các cơ quan chức năng trong việc xem xét, xử lý các vi phạm, thậm chí có những hạn chế phù hợp để đảm bảo an ninh kinh tế và tiền tệ cho quốc gia.
Thời gian qua, có thể thấy dòng vốn chảy vào thị trường bất động sản là rất lớn, tạo ra lực cầu đầu tư mạnh.
Tuy nhiên, mục tiêu chính của các dòng vốn đó, theo quan sát chủ yếu là để đầu tư tài chính, kinh doanh bất động sản với mục tiêu là kinh doanh tiền nhằm kiếm lợi nhuận nhanh. Hệ quả nhãn tiền là hàng loạt hiện tượng sốt ảo giá đất trên toàn quốc vừa qua.
Bên cạnh đó, các dòng vốn đổ vào các dự án bất động sản được đầu tư phát triển bất động sản bài bản, lâu dài lại chưa nhiều. Điều này tạo ra sự không bền vững cho thị trường.
Từ thực trạng trên, có thể thấy những động thái thắt chặt tín dụng chảy vào bất động sản là rất cần thiết. Tuy nhiên cần được triển khai trong thực tiễn một cách phù hợp do tín dụng cũng chính là “máu” của doanh nghiệp bất động sản. Doanh nghiệp cũng như một “cơ thể” không có máu thì không thể tồn tại được.
MarketTimes: Vậy theo ông, việc siết tín dụng sẽ tác động như thế nào đến thị trường bất động sản?
TS. Nguyễn Văn Đính: Việc siết tín dụng sẽ không làm giá bất động sản đi xuống, có chăng thanh khoản sẽ giảm và giá đi ngang. Nguyên nhân bởi đối với những nhà đầu tư dài hạn, nhóm có dự trù tài chính tốt, sẽ không bị ảnh hưởng nhiều.
Về phía doanh nghiệp bất động sản, nhiều doanh nghiệp lớn dựa vào vốn vay ngân hàng để phát triển dự án sẽ bị ảnh hưởng nặng vì không có vốn để phát triển dự án. Thậm chí dẫn đến việc co hẹp quy mô phát triển dự án.
Đối với những doanh nghiệp có dự án đang hình thành và đang bán sẽ bị ảnh hưởng vì người mua nhà bị động hơn, khó khăn trong tiếp cận vốn vay
MarketTimes: Như vậy, chính sách quản lý tín dụng cho bất động sản hiện nay cần được tiếp cận ra sao, thưa ông?
TS. Nguyễn Văn Đính: Trước tiên, như đã nói, chúng ta cũng cần phải xem xét hoạt động nào cần “chặn”, hoạt động nào cần kích thích.
Ví dụ các doanh nghiệp bất động sản phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp, phát triển các hệ thống hạ tầng, dự án đô thị,… thì rất cần được khuyến khích trong việc cận tín dụng. Không nên "đánh đồng" và khóa chặt van tín dụng đối với cả thị trường bất động sản.
Thời gian gần đây, một số ngân hàng thông báo siết tín dụng đối với mảng cho vay bất động sản.
Rõ ràng, nếu bị khóa van tín dụng đột ngột trong khi các hoạt động đầu tư đều rất cần vốn. Do đó, trong thực tiễn triển khai chủ trương trên cần tiến hành một cách phù hợp để đảm bảo những doanh nghiệp làm thật không bị ảnh hưởng quá lớn.
Ngoài ra, bên cạnh việc quản lý tín dụng thì các cơ quan chức năng cũng cần sớm nghiên cứu cơ chế tối ưu để các doanh nghiệp tốt, có năng lực thật có thể huy động được nguồn vốn từ xã hội thông qua các kênh hợp pháp khác, như phát hành trái phiếu chẳng hạn.
MarkeTimes: Xin cảm ơn ông!