Thị trường bất động sản Việt Nam - Sẵn sàng tái nhập cuộc?

Phạm Minh | 16:50 16/04/2024

Thị trường BĐS sẽ sớm quay trở lại trạng thái bình thường "mới" với các thông tin ngày càng minh bạch, rõ ràng cho mọi thành phần kinh tế tham gia. Nguồn cung tiếp tục chuyển biến theo xu hướng tăng. Cầu nhà ở vẫn sẽ duy trì ở mức cao.

Thị trường bất động sản Việt Nam - Sẵn sàng tái nhập cuộc?

Đây là nhận định của các chuyên gia tại buổi Toạ đàm “Thị trường BĐS Việt Nam - Sẵn sàng tái nhập cuộc?” được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị công bố báo cáo thị trường BĐS Việt Nam quý 1/2024 và dự báo quý 2/2024.

Doanh nghiệp kinh doanh cải thiện

Đánh giá về mức độ “sẵn sàng tái nhập cuộc" của các chủ thế, báo cáo của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, nhờ đà phục hồi của thị trường, cũng như nỗ lực tự nhìn lại mình để điều chỉnh hướng phát triển phù hợp của các chủ thể tham gia thị trường, các cá nhân, doanh nghiệp còn hoạt động trong lĩnh vực BĐS đều “khỏe" hơn so với cùng kỳ.

Dữ liệu của Tổng cục thống kê cho thấy, trong 3 tháng đầu năm 2024, đã có 1035 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 25,8% so với cùng kỳ.

Kết quả từ một cuộc khảo sát gần đây của VARS với các hội viên là chủ các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS đang hoạt động cũng chỉ ra, có tới trên 80% số người được hỏi cho biết doanh nghiệp của họ có tình hình kinh doanh cải thiện so với cùng kỳ, với mức lợi nhuận tăng khoảng 10%. Một số doanh nghiệp còn ghi nhận doanh thu cao gấp đôi cùng kỳ, hay lượng giao dịch cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây,... Trên 90% số doanh nghiệp được hỏi cho biết họ đã và đang thực hiện tuyển lượng lớn môi giới để phục vụ cho hoạt động kinh doanh.

Với những tín hiệu khởi sắc từ thị trường BĐS, đã có khoảng 20-30% môi giới quay trở lại hoạt động so với thời điểm thị trường khó khăn nhất. Lượng lớn ​môi giới đã bỏ việc cũng đang có kế hoạch quay lại với ngành bất động sản trong thời gian tới. Tuy nhiên, việc ra quyết định quay trở lại phải cân nhắc đến việc đầu tư nâng cao năng lực và kiến thức khi điều kiện hành nghề môi giới siết chặt.

Bà Nguyễn Thu Huyền, Tổng Giám đốc NewstarGroup cho biết, từ thời điểm cuối năm 2023 đến nay, doanh nghiệp đã quyết liệt đẩy mạnh tiến độ xây dựng tất cả các dự án. Cả hai dự án tại Thái Nguyên và Kiên Giang của tập đoàn đều được hoàn thiện 100% hạ tầng và tiện ích cảnh quan. Đặc biệt, để có thể gắn bó lâu dài với thị trường, doanh nghiệp cũng đang nỗ lực phát triển vận hành sau bán hàng, đẩy mạnh giá trị sử dụng cho người mua dự án.

“Sau giai đoạn sàng lọc vừa qua, khách hàng đang ngày càng có yêu cầu khắt khe hơn trong việc lựa chọn sản phẩm “xuống tiền". Do đó, các dự án được Newstarland lựa chọn phân phối đều sẽ được nghiên cứu, thẩm định kỹ lưỡng về pháp lý, về uy tín của chủ đầu tư, về thanh khoản thay vì cứ thế “lao” vào bán như trước kia”, bà Huyền nói.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đang nỗ lực xây dựng các chính sách tuyển dụng hấp dẫn để thu hút môi giới chất lượng cao. Đồng thời, tổ chức các kế hoạch đào tạo, nâng cao kỹ năng, kiến thức hành nghề cho cán bộ, công nhân viên công ty. Để mỗi cá nhân đều là các chuyên gia có thể review sản phẩm cho khách hàng.

Các chủ thể sẵn sàng “tái nhập cuộc”

Dưới góc độ Ngân hàng, ông Ngô Đăng Hoan, Phó Giám đốc Khối Khách hàng cá nhân, Ngân hàng PVcomBank cho biết, khách hàng cá nhân vay mua nhà, đặc biệt là khách hàng cá nhân vay mua nhà dự án luôn được coi là đối tượng mục tiêu của PVcomBank. Ngay cả trong thời điểm thị trường khó khăn nhất, PVcomBank vẫn luôn đặt trọng tâm phát triển tín dụng cá nhân. Trong quá trình triển khai, PVcomBank cũng luôn luôn lắng nghe, đồng hành và hỗ trợ các chủ tư cũng như là các khách hàng vay mua nhà trước trong và sau khi giải ngân.

“Ngân hàng luôn sẵn sàng hỗ trợ giảm lãi suất nếu có cơ hội. Từ đầu năm đến nay, PVcomBank đã có 3 lần điều chỉnh giảm lãi suất cơ sở. PVcomBank sẽ tiếp tục giảm từ 0,5-1% nữa cho các kỳ hạn vay trong thời gian tới.”, ông Hoan khẳng định.

Chia sẻ về vấn đề nguồn vốn, TS. Lê Xuân Nghĩa, Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia cho biết, nguồn vốn vẫn là khó khăn “đeo bám" các doanh nghiệp. Nhu cầu vốn của thị trường rất lớn, ước tính 70 - 80 nghìn tỷ đồng mỗi năm. Và vẫn phụ thuộc rất lớn vào nguồn vốn tín dụng. Do đó, Chính phủ cần có hỗ trợ về lãi suất và pháp lý như hỗ trợ bù lãi suất chênh lệch, tạo điều kiện về pháp lý, phát hành Trái phiếu Chính phủ để huy động vốn phát triển NƠXH,...

Trên nền tảng nỗ lực về chính sách của Nhà nước, Doanh nghiệp cần chủ động nhìn nhận lại, tái cơ cấu, định hướng chiến lược phù hợp hơn với xu hướng của thị trường và hành lang pháp lý mới.

TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch VNREA, Chủ tịch VARS chia sẻ, thị trường BĐS sẽ sớm quay trở lại trạng thái bình thường "mới" với các thông tin ngày càng minh bạch, rõ ràng cho mọi thành phần kinh tế tham gia. Nguồn cung tiếp tục chuyển biến theo xu hướng tăng. Cầu nhà ở vẫn sẽ duy trì ở mức cao, được củng cố bởi tăng trưởng kinh tế, quá trình đô thị hoá.​ ​Cầu đầu tư tiếp tục được củng cố, hướng tới các đô thị vệ tinh của Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh hoặc đô thị lớn trực thuộc TW như Đà Nẵng.

Số lượng các chủ thể sẵn sàng “tái nhập cuộc” sẽ tăng lên với nhiều hơn các dự án được kickoff, giới thiệu, mở bán ra thị trường; nhiều hơn các sàn giao dịch, Môi giới BĐS quay trở lại hoạt động tăng lên; nhiều hơn khách hàng/nhà đầu tư tìm về kênh BĐS;...

Phân khúc BĐS bán lẻ sẽ đón nhận thêm hàng trăm nghìn m2 diện tích thuê mới chất lượng. Phân khúc BĐS công nghiệp tiếp tục duy trì vị thế tăng trưởng tích cực.

Phân khúc BĐS du lịch, nghỉ dưỡng khó có thể phục hồi trong ngắn hạn nhưng sẽ có thêm nhiều tín hiệu tích cực, đặc biệt là sản phẩm condotel, căn hộ cao tầng gắn với du lịch nghỉ dưỡng thuộc những địa bàn du lịch truyền thống, trọng điểm.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Thị trường bất động sản Việt Nam - Sẵn sàng tái nhập cuộc?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO