Đầu năm 2022, tại nhiều khu vực như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hòa Bình, Khánh Hòa, Bình Dương,...thị trường vẫn diễn biến sôi động, thậm chí giá đất liên tục tăng cao. Tuy nhiên, trước nhiều tác động thị trường đột ngột “quay xe” hạ nhiệt.
Theo đó, thị trường bất động sản đã đổi vai, người mua "cầm trịch" giao dịch. Người có đất nếu muốn bán đều phải chấp nhận theo yêu cầu của người mua.
Anh Nguyễn Thắng, nhà đầu tư bất động sản tại Hà Nội cho biết, mới đây anh đã buộc cắt lỗ một lô đất rộng 350m2, tại Sóc Sơn (Hà Nội). Anh cho biết, mảnh đất này được mua vào thời điểm đầu năm 2022 với giá 5 tỷ đồng, trong đó có 2 tỷ đồng là anh đi vay.
“Khi đó thị trường bất động sản cực sốt nóng, đặc biệt ở khu vực ven đô. Thời điểm này, nhiều nhà đầu tư tay to cũng về đây để mua những mảnh đất rộng cả nghìn m2 sau đó phân lô bán. Tôi thì ít tiền hơn nên mua 350m2 chờ phân được 4 - 5 mảnh sẽ bán”, anh Thắng nói.
Tuy nhiên, mọi toan tính của nhà đầu tư này đều đổ vỡ, khi chỉ sau đó vài tháng TP. Hà Nội ra quyết định kiểm soát phân lô tách thửa. Theo đó, thương vụ đầu tư này của anh đứng hình đến nay.
“Tôi tính chỉ trong mấy tháng xong thủ tục tách thửa rồi bán ngay. Nhưng việc tạm dừng tách khiến mảnh đất tôi nằm im thời gian dài. Đến giờ thị trường chững lại, tôi rao bán mãi chưa được. Cũng có người trả 4 tỷ đồng, vì mảnh đất của tôi cũng rộng nên khó thanh khoản hơn”, anh Thắng nói.
Vì muốn bán ngay để giải phóng áp lực tài chính nên anh Thắng cũng đành chấp nhận bán lỗ 1 tỷ đồng.
Anh Quang Tú, nhà đầu tư bất động sản tại Hà Nội cho biết, thời gian này, anh và nhóm đầu tư của anh vẫn tiếp tục đi mua đất nền ở nhiều khu vực. “Mua trong thời điểm này cũng rất liều, bởi thị trường chưa có tín hiệu khả quan hơn. Tuy nhiên, mua lúc này thì sẽ có mức giá rẻ hơn nhiều so với thời điểm sốt”, anh Tú nói.
Theo anh Tú, thực tế, trong lúc thị trường bất động sản sôi động, khó tìm mua những mảnh đất có vị trí đắc địa, nếu có thì giá cũng rất cao. Do đó, thời điểm thị trường đang chững, thích hợp để săn những quỹ đất đẹp, có khả năng nắm giữ lâu dài.
“Lúc này, người mua sẽ có rất nhiều lợi thế, từ đàm phán giá, lựa chọn quỹ đất đẹp... Tuy nhiên, lúc này chỉ phù hợp với nhà đầu có tiềm lực tài chính”, nhà đầu tư này nói.
Theo anh Quang Nam, Giám đốc phòng giao dịch bất động sản tại Hà Nội, nếu trong lúc thị trường bất động sản sốt nóng, người có đất sẽ làm chủ giao dịch. Bởi khi đó, đa phần các nhà đầu tư rất cần mua để lướt sóng kiếm lời nhanh. Do đó, người bán khi đó dù đưa giá cao hơn so với thị trường thì người mua vẫn sẽ chấp nhận.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại thị trường đã đảo chiều, người nắm tiền là người “cầm trịch”. Thậm chí, một số trường hợp người bán bị “ngộp hàng”, người mua vịn vào đó liên tục ép giá chủ đất nhằm mua được giá rẻ.
Ông Nguyễn Đức Quân - Phó tổng giám đốc Nam Land cho rằng, hiện nay là cơ hội “bắt đáy” thị trường bất động sản giữa thời thanh lọc gắt gao. Thị trường bất động sản đang trong vòng xoáy siết tín dụng, nhà đầu tư hướng về dòng vốn trung – dài hạn ở những thị trường giàu tiềm năng, có khả năng khai thác, sinh lợi nhuận kép và các dự án bất động sản được bảo chứng chất lượng, bởi các đơn vị vận hành nước ngoài, chủ đầu tư uy tín.
“Ở thời điểm này, chỉ những chủ đầu tư có dòng tiền mạnh, hạ tầng tốt mới chiếm được niềm tin của nhà đầu tư. Khi siết tín dụng, tâm lý nhà đầu tư sẽ chi “tiền tươi thóc thật” nhiều hơn sử dụng các đòn bẩy, do đó sẽ chọn lọc rất kỹ các dự án để lựa chọn đầu tư.
Tuy nhiên đây cũng là cơ hội để các nhà đầu tư sở hữu được các bất động sản với mức giá hợp lý do thị trường có khả năng sẽ điều chỉnh nhịp tăng giá, kèm theo đó là loạt chính sách ưu đãi của chủ đầu tư để kích cầu thị trường bất động sản. Nói cách khác, nếu thị trường tốt thì thời kỳ “lướt sóng” nhiều hơn nhưng giá bị đẩy cao hơn”, vị này nhận định.