Thị trấn “ma” từng bị giành giật điên cuồng và là nơi giàu có nhất châu Phi, nay hoang vu không một bóng người

08:30 15/10/2022

Từng là nơi sinh sống của một trong những cộng đồng giàu có nhất ở Châu Phi, giờ đây, toàn bộ thị trấn này chỉ còn lại đống hoang tàn chìm trong biển cát.

Thị trấn “ma” từng bị giành giật điên cuồng và là nơi giàu có nhất châu Phi, nay hoang vu không một bóng người
anyconv.com__kolmanskop-namibia.jpg.png

Vừa bước ra khỏi chiếc xe buýt dừng chân tại Kolmanskop, bạn ngay lập tức đã khó thở bởi sức nóng dữ dội của sa mạc Namib. Có rất nhiều toà nhà với đủ kích thước khác nhau nằm rải rác xung quanh địa hình đồi núi. Một tấm biển cũ với dòng chữ “Chào mừng bạn”. Đó là sự chào đón bạn đến với thị trấn kim cương bị bỏ hoang từng là nơi sinh sống của một trong những cộng đồng giàu có nhất ở Namibia.

Viên đá lấp lánh bên đường ray tàu hỏa

Đã lâu rồi không có ai sống ở Kolmanskop. Giờ đây, việc đi lang thang quanh thị trấn cũng giống như bước chân vào một tác phẩm nghệ thuật của Salvador Dalí. Những cồn cát mịn cuốn lấy, nhấn chìm và tràn vào những ngôi nhà vô chủ, dâng lên đến nửa bức tường và cao hơn nữa.

Từ một vài chiếc cửa sổ đã bị bật khỏi bản lề bởi thời gian và thiên nhiên, tất cả những gì bạn có thể nhìn thấy là sa mạc Namib. Đây là sa mạc lâu đời nhất thế giới với niên đại ít nhất 55 triệu năm và chắc chắn nó đã “chứng kiến” sự chìm nổi của rất nhiều thị trấn. Tất nhiên, nếu đứng ngắm cảnh từ vị trí khác, bạn còn có thể nhìn thấy một đường ray xe lửa - nguyên do dẫn đến câu chuyện về một thị trấn ma.

Câu chuyện của Kolmanskop bắt đầu vào một ngày tháng 4/1908, khi một công nhân đường sắt tên là Zacharia Lewala phát hiện ra một viên đá lấp lánh lúc đang làm việc trên đường ray.

Anh đã đưa viên đá cho người giám sát của mình là August Stauch. Sau khi viên đá ấy được xác nhận là kim cương, làn sóng tìm kiếm kim cương ào đến Kolmanskop và biến khu vực này trở thành một thiên đường xa xỉ hiếm có giữa một sa mạc không hề bình yên.

Kolmanskop là một phần của Tây Nam Phi thuộc Đức. Thuộc địa này tồn tại cho đến năm 1915 và cuối cùng trở thành Namibia vào năm 1990. Vào tháng 9/1908, các nhà cai trị thuộc địa tuyên bố một vùng cấm bao gồm Kolmanskop, còn được gọi là Khu vực kim cương số 1. Họ cấm lối vào khu vực này và kiểm soát việc khai thác trong thị trấn.

Tháng 2/1909, một thị trường kim cương trung tâm được hình thành trong thị trấn, nơi chỉ có một công ty của Đức có thể tiếp cận được. Điều này thúc đẩy các nhà khảo sát tiến xa hơn về phía bắc và phát hiện ra nhiều kim cương hơn nữa.

Chỉ riêng trong năm 1909, người ta đã sản xuất được khoảng nửa triệu carat kim cương. Con số này tăng lên 1,5 triệu trong 5 năm tiếp theo. Như một lẽ tự nhiên, công cuộc tìm kiếm kim cương ngày càng bùng nổ.

Năm 1909, một đồn cảnh sát được mở với các sĩ quan đi tuần tra khu vực trên lưng những con lạc đà. Những người bán thịt và nhân viên bưu điện đến làm ở tiệm bánh. Nhà máy sản xuất nước chanh, chuồng ngựa, trường tiểu học, sân chơi và cửa hàng mộc cứ thế “mọc” thêm.

Khi “bữa tiệc” tàn

Có một con hẻm nhỏ được xây dựng ở Pomona, nơi bạn vẫn có thể thấy những ngôi nhà hai tầng của các nhà quản lý và kỹ sư khai thác mỏ. Họ cử công nhân ra ngoài với những chiếc lọ rỗng và một cái thuổng để đi tìm kim cương.

Những ngôi nhà có sức chống chịu tốt đối với những cơn bão cát dữ dội. Những gia đình giàu có hơn yêu cầu nhà mình cần phải ở nơi cao nhất trên những ngọn đồi để được bảo vệ tốt hơn.

Marianne Coleman, con gái của quản đốc Ou Kat Coleman, đã sống ở Pomona và Kolmanskop vào những năm 1920. Bà nhớ lại cuộc đời chìm trong sâm-panh, bia và đồ uống mát lạnh với đồ ăn khô như thịt bò ướp muối hay cá đóng hộp.

Khi tuyến đường sắt hoàn thành, họ có thể vận chuyển hàng hoá tươi hơn. Coleman thậm chí còn nuôi một con đà điều cưng để “kéo một chiếc xe trượt tuyết nhỏ trên cát.” Thay vì đi tuần lộc, đà điểu thậm chí sẽ được dùng để kéo xe trượt tuyết của ông già Noel trên cát vào dịp Giáng sinh.

Các mỏ kim cương đã đóng cửa trong Thế chiến 1 nhưng sau đó đã mở lại và tiếp tục hoạt động mạnh mẽ. Sự giàu có của Kolmanskip trong những năm 1920 đã khiến nó trở thành một trong những thị trấn giàu có nhất Châu Phi. Nhưng sự giàu có ấy lại là của 300 người Đức và gia đình họ chứ không phải những người lao động Oshiwambo bản địa luôn phải sống trong nghèo khó.

Sự kết thúc của Kolmanskop xảy ra vào năm 1928. Người ta tìm thấy trữ lượng kim cương khổng lồ ở những nơi khác, cụ thể là Oranjemund ở cực tây nam Namibia. Một lượng lớn người di chuyển từ Kolmanskop đến địa điểm mới. Sau khi tập đoàn mua kim cương sau Thế chiến 1 là Consolidated Diamond Mines (CDM) cũng đã rời khỏi Kolmanskop vào năm 1943, mọi thứ dần đi đến hồi kết. Việc khai thác khoáng sản ngừng vào năm 1950 và thị trấn bị bỏ hoang vào năm 1956.

Các ngôi nhà từng tổ chức những bữa tiệc rượu sâm-panh chìm trong cát. Đường phố bị bao phủ bởi sa mạc, thị trấn xa hoa của 40 năm trước giờ đây đã quá lỗi thời.

Ngày nay, những người duy nhất đến Kolmanskop không phải là để giao bắp cải, thịt lợn hay khoai tây cho người dân địa phương mà chính là khách du lịch đến từ thị trấn ven biển Lüderitz. Kolmanskop vẫn là một di tích lịch sử cho thấy thế giới của chúng ta có thể thay đổi nhanh chóng đến thế nào.

Tham khảo Much better adventures

Bài liên quan

(0) Bình luận
Thị trấn “ma” từng bị giành giật điên cuồng và là nơi giàu có nhất châu Phi, nay hoang vu không một bóng người
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO