Thành phố Hồ Chí Minh sẽ xây dựng thêm 16 nút giao

Giang Tử | 12:58 11/08/2022

Sở Giao thông Vận tải TP.HCM vừa kiến nghị UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương đầu tư 16 dự án nút giao thông thuộc danh mục ưu tiên trong giai đoạn 2022-2025, nhằm giảm ùn tắc, kẹt xe.

Thành phố Hồ Chí Minh sẽ xây dựng thêm 16 nút giao
Mật độ giao thông đạt 2,26km/km2, tỉ lệ đất dành cho giao thông đạt 12,76% khiến TP.HCM luôn là điểm nóng của kẹt xe.

Tính đến năm 2021, theo Sở GTVT TP.HCM, mạng lưới giao thông thành phố có tổng diện tích mặt đường là hơn 50 triệu m2, chiều dài các tuyến đường hơn 4.734km, số lượng cầu đường bộ là 1.160 cầu, Mật độ giao thông đạt 2,26km/km2, tỉ lệ đất dành cho giao thông đạt 12,76%.

Theo Quy hoạch hệ thống nút giao thông trên địa bàn thì thành phố có 102 nút giao thông chính, trong đó 68 nút giao trên các tuyến vành đai, cao tốc, quốc lộ và 34 nút trên các tuyến nội độ.

Tuy nhiên hiện TP.HCM chỉ mới hoàn thành đầu tư 29/102 nút giao thông, tỷ lệ khoảng 28%. Trong 29 nút giao thông có 16 nút trên quốc lộ 1, một nút trên quốc lộ 22 và một nút trên Vành đai 2. Khu vực nội đô có 9 cầu vượt thép, 2 nút giao trên Xa lộ Hà Nội.

Sở GTVT cho rằng, một số tuyến đường chính, các giao lộ lớn vẫn có nguy cơ ùn tắc giao thông cao. Do đó, Sở GTVT kiến nghị UBND TP sớm bố trí vốn đầu tư 16 nút giao lớn trong 3 năm tới để đồng bộ mạng lưới giao thông, giảm ùn tắc các khu vực.

Đây là các dự án trong danh mục ưu tiên, theo lộ trình đầu tư phát triển hạ tầng giao thông thành phố. Trong đó, dự án cầu vượt ở khu vực Ngã tư Đình (quốc lộ 1 - Nguyễn Văn Quá, quận 12) đã được duyệt với tổng vốn khoảng 480 tỷ đồng.

Đối với 5 dự án đã được HĐND TP phê duyệt chủ trương đầu tư công, Sở GTVT kiến nghị được giao chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan hoàn thiện đề xuất chủ trương đầu tư công, điều chỉnh các dự án và thực hiện các thủ tục theo quy định.

Gồm các dự án: Linh Xuân (quốc lộ 1 - 1K), Nguyễn Thị Định - Nguyễn Duy Trinh (TP Thủ Đức); Ngã tư Bốn Xã (Thoại Ngọc Hầu - Hương Lộ 2 - Lê Văn Quới, quận Tân Phú, Bình Tân); Ngã bảy Điện Biên Phủ - Ngô Gia Tự - Lý Thái Tổ - Lê Hồng Phong và ngã sáu Nguyễn Tri Phương - Ngô Gia Tự - Nguyễn Chí Thanh (quận 10).

Và 10 dự án chưa được duyệt chủ trương đầu tư gồm nút giao quốc lộ 1 – đường Vườn Lài (quận 12), nút giao Bà Điểm (quốc lộ 1- Phan Văn Hớn), quận 12-Hóc Môn; Nút giao Nguyễn Kiệm – Phan Đăng Lưu (Phú Nhuận); Nút giao ngã tư Thủ Đức (TP. Thủ Đức); Nút giao Hoà Bình – Lạc Long Quân và Lý Thường Kiệt – 3 tháng 2 (quận 11); Nút giao Nguyễn Oanh – Phan Văn Trị (Gò Vấp); Nút giao Hoàng Văn Thụ – Nguyễn Văn Trỗi (Tân Bình); Nút giao Lạc Long Quân – Âu Cơ (Tân Phú); Nút giao ngã 5 Đài Liệt sỹ (Bình Thạnh).

Trong đó, nhiều nút giao thường xuyên ùn tắc như ngã năm Đài Liệt sỹ (quận Bình Thạnh), Lạc Long Quân - Âu Cơ (Tân Phú), Nguyễn Kiệm - Phan Đăng Lưu (Phú Nhuận), quốc lộ 1 - đường Vườn Lài (quận 12),...

Đồng thời, Sở GTVT kiến nghị UBND Thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương rà soát, thực hiện các thủ tục bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 (khoảng 398 tỷ đồng) và kế hoạch đầu tư công năm 2022 (khoảng 10 tỷ đồng) để sớm triển khai, thực hiện phát huy mục tiêu và hiệu quả đầu tư các dự án.

Sở GTVT TP.HCM cũng kiến nghị được bố trí 5 tỷ đồng (tương ứng mỗi dự án 500 triệu đồng) để thực hiện các bước chuẩn bị như lập, thẩm định, quyết định chủ trương,...

TP.HCM sẽ trở thành đô thị tắc nghẽn nhất Việt Nam

Trước đó, tại hội nghị trực tuyến Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW ngày 29/8/2005, Kết luận số 27-KL/TW ngày 2/8/2012 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010 định hướng đến năm 2020, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, với thực trạng giao thông của TP.HCM: Đây là đô thị lớn nhất nhưng tất cả các cửa ngõ của thành phố đều rất ách tắc, chưa đột phá thành những đường cao tốc kết nối trung tâm thành phố với các tỉnh, thành.

Ông Thể cho rằng: “Bản thân trong thành phố đang ùn tắc giao thông nghiêm trọng, thành phố thiếu các đường trục Bắc – Nam, Đông – Tây mang tính chất là đường trục chính để đáp ứng nhu cầu vận tải. Nếu tình hình này không cải thiện được thì chắc chắn TP.HCM sẽ trở thành đô thị tắc nghẽn nhất Việt Nam, thậm chí là khu vực Đông Nam Á”.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cũng đề xuất, cần quan tâm phát triển các đường giao thông trục chính, vành đai để khơi thông tắc nghẽn, để giải quyết tình trạng bất cập ở giao thông đường bộ của TP.HCM.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Thành phố Hồ Chí Minh sẽ xây dựng thêm 16 nút giao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO