Hai mặt hàng kim loại quý có mức suy yếu tương đối mạnh.
Cụ thể, bạc ghi nhận phiên giảm thứ 2 liên tiếp và đánh mất mốc 20 USD/ounce sau khi giảm 1,22% giá trị.
Bạch kim cũng kết thúc chuỗi tăng 3 phiên liên tiếp, đóng cửa với mức suy yếu 1,82% xuống còn 885,5 USD/ounce.
Những dữ liệu kinh tế mới nhất tại Mỹ được công bố vào tối qua cho thấy bức tranh tương đối tích cực, đã gây áp lực tới vai trò trú ẩn của kim loại quý.
Số đơn đặt hàng nhà máy trong tháng 6 của Mỹ bất ngờ tăng 2% so với tháng trước, cao hơn dự báo 1,1%.
Chỉ số PMI phi sản xuất của Viện quản lý cung ứng (ISM) cũng đã phục hồi thêm 3,4 điểm, lên mức 56,7 vào tháng 7.
Sự lạc quan hơn về nền kinh tế của các nhà đầu tư đã làm hạn chế nhu cầu nắm giữ bạc và bạch kim như một tài sản trú ẩn, dòng tiền cũng quay lại các thị trường đầu tư.
Bên cạnh đó, những bình luận của Giám đốc Cục Dự trữ Liên bang St. Louis khẳng định cam kết mạnh mẽ trong vấn đề thắt chặt tiền tệ và tiếp tục gây sức ép tới giá kim loại quý, vốn nhạy cảm với các thông tin về lãi suất.
Đối với kim loại cơ bản, đồng COMEX đã có ngày trượt giá thứ 3 liên tiếp.
Mức giảm 1,46% đã đưa đồng về vùng giá 3,46 USD/pound bất chấp các dấu hiệu về nguồn cung đang thu hẹp gần.
Các hoạt động nấu chảy đồng toàn cầu đã nối dài đà trượt dốc từ tháng 7 do sự suy yếu trong các hoạt động của nhà tinh chế đồng hàng đầu Trung Quốc và khu vực khai thác lớn nhất Nam Mỹ.
Chỉ số phân tán đồng toàn cầu, một thước đo hoạt động của nhà máy luyện, đã giảm xuống mức 46,5 trong tháng 7 từ 46,7 của một tháng trước đó.
Lo ngại về nhu cầu đầu vào của đồng cho hoạt động của các nhà máy suy yếu đã gây áp lực tới giá đồng trong ngày.
Ngoài ra, quặng sắt cũng ghi nhận ngày giảm mạnh 4,13% xuống mức 109,93 USD/tấn trong ngày hôm qua 03/08, trong bối cảnh lo ngại về khủng hoảng bất động sản Trung Quốc lấn át các thông tin về sự phục hồi tại các nhà máy thép.
Doanh số bán nhà tháng 6 tiếp tục giảm 23,4% so với cùng kỳ năm ngoái và là tháng 11 liên tiếp tăng trưởng âm, làm suy yếu nhu cầu sắt thép trong lĩnh vực xây dựng.