Tăng hàng hóa chất lượng cho thị trường chứng khoán

Xuân Hồng | 23:03 03/05/2022

Sẽ triển khai công tác tái cấu trúc thị trường chứng khoán theo 4 trụ cột là tăng cường chất lượng của các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ; tăng cơ sở các nhà đầu tư, tăng hàng hóa chất lượng cho thị trường và cơ cấu lại thị trường.

Tăng hàng hóa chất lượng cho thị trường chứng  khoán
Sẽ xem xét trách nhiệm tổ chức việc giám sát thị trường chứng khoán thời gian quaa.

Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2022 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã diễn ra trong bối cảnh cả nước đang tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt, sâu rộng, hiệu quả Chương trình tổng thể phòng, chống dịch Covid-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Tại phiên họp này, các thành viên Chính phủ đã xem xét, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2022, nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới; công tác phòng, chống dịch Coid - 19, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội và một số nội dung quan trọng khác.

Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định

Về phòng chống dịch Covid - 19: các thành viên Chính phủ thống nhất cho rằng, dịch bệnh được kiểm soát với số ca mắc mới, chuyển nặng, tử vong giảm sâu cho thấy sự đúng đắn của các chủ trương, biện pháp phòng, chống dịch đã đề ra, củng cố niềm tin, sự an tâm của người dân, doanh nghiệp để tập trung phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Chúng ta đã tổ chức tiêm hơn 213 triệu liều (100% người từ 18 tuổi trở lên tiêm ít nhất 2 mũi; 100% trẻ em 12-17 tiêm ít nhất 1 mũi, 96,4% tiêm 2 mũi). Triển khai tiêm trên diện rộng cho trẻ 5-11 cơ bản an toàn, hiệu quả.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế đẩy mạnh và thần tốc hơn nữa thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine, bảo đảm an toàn, kịp thời, hiệu quả, sớm hoàn thành tiêm vaccine mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên; hoàn thành việc tiêm mũi thứ 2 cho trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi; đẩy nhanh việc tiêm cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi.

Về phát triển kinh tế - xã hội, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định: Tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 tiếp tục khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,64% so với cùng kỳ năm trước; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm và có thặng dư. Xử lý kịp thời, phù hợp những vấn đề nổi lên, trong đó kiên quyết xử lý những sai phạm trong lĩnh vực thị trường vốn, không để tiêu cực, lũng đoạn thị trường, với tinh thần thúc đẩy phát triển thị trường lành mạnh, an toàn, hiệu quả bền vững.

Sản xuất công nghiệp tháng 4 tăng 2% so với tháng trước và tăng 9,4% so với cùng kỳ; tính chung 4 tháng tăng 7,5%. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt kết quả tích cực; thị trường tiêu thụ được khơi thông và mở rộng. Hoạt động thương mại và dịch vụ tháng 4 khá sôi động. Xuất khẩu 4 tháng tăng 16,4%, nhập khẩu tăng 15,7%, xuất siêu khoảng 2,53 tỷ USD. Du lịch phục hồi mạnh mẽ; khách quốc tế tháng 4 tăng gấp 5,2 lần cùng kỳ; 4 tháng tăng 184,7%.

Công tác chăm lo đối tượng chính sách, người nghèo, đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh được giữ vững; các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế diễn ra sôi động, nhịp nhàng. Phòng, chống tham nhũng tiếp tục được triển khai bài bản. Công tác thông tin, truyền thông tích cực, hiệu quả hơn. Công tác xây dựng pháp luật được quan tâm và liên tục được chỉ đạo triển khai. Nhiều tổ chức quốc tế có những nhận định, đánh giá tích cực về triển vọng phát triển của Việt Nam năm 2022.

Thủ tướng Chính phủ khẳng định, trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều thách thức (xung đột tại Ukraine, giá xăng dầu và nguyên liệu đầu vào trên thế giới tăng cao...), những kết quả đạt được trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2022 là rất đáng mừng, tạo niềm tin và cơ sở nền tảng để chúng ta sớm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, các thành viên Chính phủ cho rằng, chúng ta vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức: ổn định kinh tế vĩ mô, nhất là áp lực lạm phát và nợ xấu có xu hướng tăng; giải ngân vốn đầu tư công còn chậm; vốn FDI đăng ký mới chưa cao; giá cả nguyên vật liệu đầu vào và lương thực, thực phẩm tăng; đời sống một bộ phận nhân dân còn khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

Người phát ngôn của Chính phủ cho biết, sau khi phân tích bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế, chỉ đạo các nhiệm vụ cụ thể về phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

- Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là các nghị quyết số 01, 02, 11 và 38. Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa chủ động, linh hoạt. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân  sách  Nhà nước.

- Quyết liệt hơn trong việc tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đề ra tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

- Tiếp tục triển khai công tác hoàn thiện thể chế, tập trung tháo gỡ vướng mắc theo tinh thần "Quyền lực thì phải phân cấp, nguồn lực thì phải tập trung".

- Tập trung cao độ đẩy mạnh thực hiện các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nhất là vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên; rà soát, điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn.

- Tập trung rà soát, tháo gỡ các rào cản, vướng mắc cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, khơi thông điểm nghẽn về huy động, sử dụng nguồn lực trong nền kinh tế; đẩy nhanh lộ trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất để người dân, doanh nghiệp được hưởng thụ sớm, hưởng thụ thật.

- Bám sát diễn biến kinh tế thế giới, nhất là tình hình giá cả các mặt hàng nhiên liệu và vật tư chiến lược, qua đó phân tích, dự báo, xây dựng trước các kịch bản phù hợp, phương án ứng phó kịp thời để điều hành sản xuất trong nước, cân đối cung cầu và bình ổn giá.

- Thực hiện các giải pháp thông tin, kết nối cung - cầu lao động trên cơ sở liên kết, hợp tác vùng và cả nước.

- Triển khai hiệu quả mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới nhưng phải bảo đảm an toàn dịch bệnh, an ninh, nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách du lịch, nhất là trong dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5; đẩy nhanh tốc độ phục hồi du lịch.

- Triển khai tốt công tác chuẩn bị Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2022, bảo đảm minh bạch, thực chất, an toàn, nghiêm túc, chất lượng. Khẩn trương hoàn tất công tác chuẩn bị, tổ chức SEA games 31 thành công, hiệu quả, tiết kiệm, vừa bảo đảm tinh thần cao thượng của thể thao vừa góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

- Thực hiện tốt các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế. Tăng cường các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông, nhất là trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5.

- Các bộ ngành chủ động cung cấp thông tin cho người dân về tình hình kinh tế xã hội, bảo đảm chính xác, công khai, minh bạch; các cơ quan báo chí tăng cường thông tin nhanh nhạy, đầy đủ, có tính định hướng, không để xảy ra khủng hoảng truyền thông, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và sự điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tạo động lực thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra.

Chuẩn bị hướng dẫn để tiêm mũi 4 cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên

Trả lời báo chí tại cuộc họp báo thường  kỳ  tháng  4 của  Chính  phủ về việc tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi cũng như tiêm mũi 3, số ca nhiễm hàng ngày giảm rất sâu. Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Việt Nam là 1 trong 6 nước đứng ở top đầu tốc độ phủ vaccine. Việt Nam cũng đang đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi. Tính đến hết ngày 28/4, đã có gần 1,2 triệu trẻ em từ 5 đến 11 tuổi được tiêm.

Về áp dụng 5K, ngay từ đầu Bộ Y tế đưa ra không cứng nhắc, rất linh hoạt, để bảo đảm hiệu quả. Thứ hai, trước hết chúng ta thường xuyên đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng nước sát khẩu, xà phòng. Đây là 2K chúng ta thực hiện thường xuyên. 3K còn lại linh hoạt hơn, ví dụ như khai báo y tế, không tập trung đông người. Do vậy trong từng hoạt động cụ thể, đặc thù của từng địa phương, từng đơn vị, từng lĩnh vực, từng bộ, ngành, chúng ta thực hiện cho phù hợp.

Hiện nay, Việt Nam đã hoàn toàn mở cửa, đã cho học sinh đến trường; tại doanh nghiệp, công nhân đã trở lại làm việc, du lịch và lễ hội bắt đầu hoạt động. Đặc biệt, chúng ta đã cho phép các chuyến bay thương mại hoạt động trở lại.

Ngoài những biện pháp 5K như vừa nói thì chúng ta vẫn duy trì, đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine. Bộ Y tế đang chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên. Đến hết ngày 28/4, đối tượng này mới tiêm được xấp xỉ 60% trong khi theo chỉ đạo của Thủ tướng là phải hoàn thành trong quý II này.

Bộ Y tế đang giao cho Hội đồng vaccine họp và chuẩn bị hướng dẫn để tiêm mũi 4 cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên, đồng thời đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, hoàn thành tiêm cho các đối tượng trẻ em từ 5 đến 11 tuổi chưa bị nhiễm SARS-CoV-2, cơ bản xong mũi 1, mũi 2 trong quý II.

Về việc Việt Nam đã coi Covid-19 là bệnh lưu hành chưa?. Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, ở nước ta dịch được kiểm soát rất tốt, tuy nhiên theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới, thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch và cảnh báo vẫn có thể xuất hiện các biến chủng mới. Chúng ta đang trong giai đoạn giữa đại dịch và bệnh lưu hành. Căn cứ Nghị quyết 128 của Chính phủ đã ban hành chương trình phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế đang xây dựng phương án ứng phó để có biện pháp phòng, chống dịch phù hợp như điều chỉnh định nghĩa các ca bệnh, hướng dẫn biện pháp cách ly với người tiếp xúc gần. Bộ cũng đã có hướng dẫn tạm dừng không áp dụng khai báo y tế tại các cửa khẩu, đặc biệt là cửa khẩu hàng không.

Sẽ xem xét trách nhiệm tổ chức việc giám sát thị trường chứng khoán

Về tiến độ và kết quả điều tra của một số vụ án nổi cộm gần đây như vụ án tại Công ty Việt Á, vụ án thao túng thị trường chứng khoán tại Tập đoàn FLC, vụ án lừa đảo và chiếm đoạt tài sản tại tập đoàn Tân Hoàng Minh, cùng với đó là vụ án thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại Công ty Trí Việt và Louis Holdings. Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết, thời gian qua, các cơ quan bảo vệ pháp luật, đặc biệt các cơ quan tố tụng, đã khởi tố các vụ án được dư luận quan tâm. Tất cả các vụ án này đều được Bộ Công an thông tin nhanh chóng, cởi mở trong điều kiện cho phép để đáp ứng nhu cầu của người dân. Chi tiết điều tra, chúng tôi chưa thể thông tin được, khi có kết quả sẽ thông báo sớm.

Với việc tung tin thất thiệt, nhiều chuyên gia đã đề cập, những thông tin này không chỉ gây thất thiệt trên thị trường chứng khoán mà cả trên mạng xã hội. Trong khi đó, mạng xã hội hiện nay như một xã hội thực, rất phức tạp. Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị như an ninh mạng, phòng chống tội phạm công nghệ cao, an ninh chính trị nội bộ, an ninh kinh tế… tập trung lực lượng áp dụng các biện pháp ngăn chặn, kiểm soát và răn đe, truy tố các cá nhân tung tin thất thiệt. Chúng tôi không thể cung cấp thông tin chi tiết như gọi hỏi bao nhiêu người, răn đe bao nhiêu người…

Các cảnh báo, biện pháp được đưa ra từ hành chính đến hình sự theo từng cấp độ. Chúng tôi có nhiều biện pháp giáo dục và răn đe. Các biện pháp cảnh báo chúng tôi cũng đã thông tin đầy đủ trên các phương tiện như Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an, VTV, An ninh TV… để những ai quan tâm có thể tham khảo.

Cũng liên quan đến các vu án này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, những vụ việc vi phạm pháp luật xảy ra trên thị trường chứng khoán thời gian gần đây như chúng ta đều biết, cơ quan quản lý và cơ quan bảo vệ pháp luật đang xem xét, điều tra, xử lý và sẽ có kết luận cuối cùng thỏa đáng trong thời gian tới.

Về trách nhiệm tổ chức việc giám sát thị trường chứng khoán, pháp luật đã quy định rõ. Trước năm 2019, theo Luật Chứng khoán cũ thì giám sát thị trường chứng khoán theo 2 lớp: Thứ nhất là Sở Giao dịch chứng khoán và thứ hai là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Từ năm 2019, Luật Chứng khoán sửa đổi có tăng cường thêm lớp rà soát trực tiếp của công ty chứng khoán ngay từ đầu tham gia thị trường.

Đối với những việc thao túng thị trường chứng khoán thì thời gian vừa qua, các Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đã giám sát và thực hiện cảnh báo, xử lý các vụ vi phạm theo phạm vi thẩm quyền. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng thường xuyên, chủ động yêu cầu 2 Sở tăng cường giám sát chặt chẽ các mã giao dịch chứng khoán của các tổ chức niêm yết có kinh doanh thua lỗ nhưng giá cổ phiếu lại tăng phiên liên tiếp; các giao dịch có khối lượng lớn, có dấu hiệu bất thường thì Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã tổ chức kiểm tra, chủ động và chuyển cơ quan công an xử lý theo thẩm quyền, đối với các vụ việc vi phạm pháp luật như FLC, Tân Hoàng Minh…

Nhằm bảo đảm thị trường chứng khoán được phát triển minh bạch, bền vững, tại Hội nghị do Thủ tướng Chính phủ chủ trì cách đây 1 tuần về "Phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế", Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan theo chức năng nhiệm vụ được giao, thực hiện các giải pháp để bảo đảm an toàn thị trường tài chính tiền tệ, không để xảy ra các vụ việc ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư, đến kênh huy động vốn qua thị trường trái phiếu, thị trường cổ phiếu và đến việc phát triển kinh tế đất nước. Những trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị xử lý, nhưng không hình sự hóa các quan hệ dân sự, quan hệ kinh tế.

Về phía Bộ Tài chính đưa ra một số giải pháp như sau: Trước hết, cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và tổ chức điều hành thị trường. Đối với thị trường cổ phiếu, chúng ta cần tập trung nâng cao chất lượng hàng hóa, tăng cường tính tuân thủ của các doanh nghiệp trên thị trường. Đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cần phát triển theo hướng bền vững, xây dựng chuẩn mực thị trường, tách bạch rõ trái phiếu phát hành ra công chúng và phát hành trái phiếu riêng lẻ.

Theo đó, Bộ Tài chính sẽ tiến hành rà soát ngay những quy định pháp luật trong Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và rất sớm sẽ báo cáo Chính phủ để sửa đổi quy định của Nghị định 153 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, bảo đảm những quy định pháp luật về thị trường chứng khoán và trái phiếu phù hợp với điều kiện và yêu cầu điều tiết của thị trường, tránh việc doanh nghiệp, nhóm nhà đầu tư thu lợi nhuận phi pháp.

Thứ hai, triển khai công tác tái cấu trúc thị trường chứng khoán theo 4 trụ cột, đó là tăng cường chất lượng của các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ; tăng cơ sở các nhà đầu tư, tăng hàng hóa chất lượng cho thị trường và cơ cấu lại thị trường.

Đối với các tổ chức trung gian: Tập trung nâng cao đạo đức nghề nghiệp, chất lương nghề nghiệp của các tổ chức cung cấp dịch vụ bao gồm công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ; công ty kiểm toán độc lập, công ty định mức tín nhiệm. Khuyến khích các tổ chức cung cấp dịch vụ trên thị trường chứng khoán triển khai ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với nhu cầu của nhà đầu tư và thị trường.

Thứ ba, sẽ phát triển các nhà đầu tư, thúc đẩy hình thành các quỹ đầu tư, định chế đầu tư chuyên nghiệp, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, ưu tiên phát triển các nhà đầu tư dài hạn như các quỹ đầu tư, quỹ hưu trí tự nguyện, doanh nghiệp bảo hiểm…; tăng cường đào tạo và phát triển các nhà đầu tư cá nhân có đầy đủ kiến thức khi tham gia thị trường chứng khoán; tuyên truyền tăng cường công tác thông tin chính thống giúp nhận thức về kỹ năng tài chính của các nhà đầu tư.

Thứ tư là nâng cao hiệu quả công tác giám sát. Việc này chúng tôi hết sức coi trọng, giám sát từ 3 cấp, đó là Công ty chứng khoán, Sở giao dịch chứng khoán và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; tăng tần suất giám sát thanh tra, kiểm tra, nâng cao hiệu quả giám sát, cưỡng chế thực thi; kịp thời phát hiện và cưỡng chế rủi ro trên thị trường chứng khoán.

Trong giai đoạn tới sẽ thanh kiểm tra các công ty đại chúng và công ty không đại chúng khi huy động vốn; tăng cường giám sát hiện tượng thao túng và làm giá nhằm phát triển thị trường chứng khoán theo hướng an toàn, công khai và minh bạch.

Đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp thì giám sát, kiểm tra, chấn chỉnh các sai phạm, đặc biệt sai phạm về công bố thông tin, sai phạm về sử dụng vốn; sai phạm về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Đồng thời trực tiếp kiểm tra, kiểm toán Báo cáo tài chính tại các đơn vị phát hành doanh nghiệp. Nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm, kể cả các đơn vị kiểm toán độc lập thiếu trách nhiệm để xảy ra những sai sót trong việc kiểm toán báo cáo tài chính của những doanh nghiệp phát hành trái phiếu.

Thứ năm, sẽ tăng cường phối hợp công tác giữa các bộ, ngành và các cơ quan có liên quan trong công tác điều hành, quản lý giám sát thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu với thị trường tiền tệ, tín dụng ngân hàng, bảo hiểm, bảo đảm công khai minh bạch trên thị trường vốn, ổn định thị trường tài chính; qua đó góp phần ổn định kinh vĩ mô.

Thứ sáu, tăng cường phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí để kịp thời đưa các thông tin chính thống về phát triển thị trường, tình hình doanh nghiệp… giúp thị trường được minh bạch, chính xác. Trên cơ sở đó, đấu tranh với những tin đồn thất thiệt nhằm trục lợi của các tổ chức, cá nhân.

Với sự đồng lòng của cơ quan Nhà nước, các định chế trên thị trường và các nhà đầu tư, chúng ta sẽ sớm thiết lập được thị trường chứng khoán, thị trường vốn phát triển minh bạch, ổn định, phục vụ thiết thực cho quá trình phát triển kinh tế của đất nước.

Giá xăng dầu trong nước vẫn theo xu hướng diễn biến của giá xăng dầu thế giới

Trả lời báo chí về quản lý thị trường xăng dầu hiện nay, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, trong thời gian gần đây, vấn đề năng lượng nói chung và xăng dầu nói riêng có sự xáo trộn lớn do tình hình địa chính trị, đặc biệt là cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine diễn biến phức tạp, khó lường. Tại Việt Nam hiện nay, việc cung ứng xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước tại 2 nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn và Bình Sơn chiếm tới 70-75% tổng nhu cầu xăng dầu tiêu thụ nội địa. Như vậy, chúng ta chỉ nhập khẩu 25-30% lượng xăng dầu.

Tuy nhiên, thị trường mặt hàng xăng dầu trong nước Quý I/2022 có nhiều biến động. Nguồn cung xăng dầu trong nước chịu ảnh hưởng từ việc Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn (đơn vị chiếm 35-40% tổng cung) đã giảm mạnh công suất sản xuất, trong tháng 1 và tháng 2 đã giảm công suất từ 100% xuống 85%, 60% rồi 55%, thậm chí có thời điêm phải dừng sản xuất.

Trong khi đó, do tình hình địa chính trị và xung đột giữa Nga và Ukraine, nguồn xăng dầu nhập khẩu gặp khó khăn, giá tăng cao, chi phí logistics cũng tăng, nguồn cung hạn chế…

Ngay từ tháng 1/2022, Bộ Công Thương đã chủ động yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu tăng nhập khẩu để bù vào lượng xăng dầu thiếu hụt do việc giảm công suất của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn. Vì vậy trong quý I/2022 đã đảm bảo đủ nguồn cung xăng dầu phục vu cho hoạt động sản xuất kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng.

Sau khi làm việc với nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, xem xét quá trình sản xuất của Nhà máy và việc chưa bảo đảm cung ứng xăng dầu trong nước, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 242/QĐ-BCT ngày 24/2/2022 về việc phân giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu tăng thêm trong quý II cho 10 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu để bổ sung nguồn thiếu hụt từ nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Như vậy, trong Quý II, chúng ta cũng không tính đến lượng xăng dầu do nhà máy lọc hóa Nghi Sơn cung cấp, mà chúng ta vẫn đảm bảo được đủ nguồn cung. Đây là sự nỗ lực, chủ động của Bộ Công Thương và các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, với sự chỉ đạo trực tiếp, sát sao của lãnh đạo Chính phủ.

Về việc cung ứng xăng dầu cho Quý III và Quý IV/2022, Bộ Công Thương đã làm việc với Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) và nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Trên cơ sở cam kết của PVN về lượng xăng dầu cung ứng, nếu thiếu, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phân giao cho các đầu mối kinh doanh xăng dầu nhập khẩu để bù đắp lượng thiếu hụt của PVN cung cấp. Trong mọi trường hợp cần nỗ lực ở mức cao nhất để đảm bảo đủ nguồn cung cho sản xuất kinh doanh và phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Liên quan đến giá xăng dầu, việc điều hành bám sát các quy định trong Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu và Nghị định số 95/2021/NQ-CP ngày 1/11/2021 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 83.

Trong suốt thời gian qua, Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã liên tục sử dụng Quỹ Bình ổn giá (BOG). Nhờ vậy, giá xăng dầu trong nước vẫn theo xu hướng diễn biến của giá xăng dầu thế giới tăng nhưng mức tăng thấp hơn.

Ở kỳ điều hành gần đây nhất, ngày 21/4/2022, giá xăng dầu thế giới biến động tăng 36,53 - 60,14%, nhưng giá xăng dầu trong nước, nhờ sử dụng Quỹ BOG, chỉ tăng 17,16 - 39,04% tùy từng mặt hàng.

Một biện pháp khác đã thực hiện là điều chỉnh thuế. Vừa qua, trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn từ ngày 1/4/2022 đến hết năm 2022. Theo đó, xăng (trừ etanol) giảm 2.000 đồng/lít; Dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn giảm 1.000 đồng/lít; Mỡ nhờn giảm 1.000 đồng/kg; Dầu hỏa giảm 700 đồng/lít.

Hiện nay, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết của UBTVQH, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đang tiếp tục nghiên cứu, rà soát có thể giảm thêm các loại thuế, phí nào phù hợp với tình hình thực tế, có tính đến viêc chống thẩm lậu xăng dầu sang địa bàn các nước có chung biên giới với Việt Nam, cũng như đảm bảo tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp sử dụng xăng dầu làm đầu vào và nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Liên quan đến vấn đề dự trữ xăng dầu: Hiện nay trong nước có 2 hình thức: Dự trữ tại doanh nghiệp, theo quy định tại Nghị định 83 và Nghị định 95, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối phải dự trữ 20 ngày và các doanh nghiệp phân phối phải dự trữ 5 ngày.

Đối với dự trữ Nhà nước, theo chỉ đaọ của Chính phủ, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đang phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp liên quan để đề xuất, tham mưu những giải pháp phù hợp nhất với tình hình thực tế, nguồn ngân sách nhà nước nhưng cũng để đảm bảo mức dự trữ tối đa nhằm đảm bảo nguồn cung cho hoạt động sản xuất kinh doanh và phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Tăng hàng hóa chất lượng cho thị trường chứng khoán
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO