Sức ép lạm phát đang quay trở lại và một biến số có thể ‘châm ngòi nổ’

Quỳnh Anh | 13:05 05/02/2023

Theo ông Phan Lê Thành Long - CEO AFA Group, nỗi lo suy thoái đã giảm xuống và sức ép lạm phát đang quay trở lại. Bloomberg Economics dự báo việc Trung Quốc mở cửa có thể khiến lạm phát toàn cầu năm 2023 tăng thêm gần 1 điểm phần trăm.

Sức ép lạm phát đang quay trở lại và một biến số có thể ‘châm ngòi nổ’
Ảnh minh họa: Getty/sefa ozel

Nội dung chính:

  • Nỗi lo suy thoái kinh tế đã giảm xuống sau thông báo mới nhất về chính sách lãi suất của Fed nhưng sức ép lạm phát đang quay trở lại. 
  • Trung Quốc là biến số quan trọng tác động đến tăng trưởng và lạm phát toàn cầu năm 2023. 
  • Dự báo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ không tăng lãi suất trong nửa đầu năm 2023. 

Ngày 1/2, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thông báo nâng lãi suất tham chiếu thêm 0,25 điểm %, đúng như dự báo của thị trường. Lãi suất tham chiếu tại Mỹ hiện vào khoảng 4,5 - 4,75%, mức cao nhất kể từ năm 2007. 

Ông Long dự báo lãi suất quỹ liên bang (Federal Funds Rate) năm 2023 sẽ không giảm và xoay quanh con số 5%. Trong kỳ họp sắp tới, Fed có thể tăng lãi suất thêm 0,25 điểm % và duy trì ở mức cao. 

“Cuối năm 2022, chúng ta nói nhiều về suy thoái toàn cầu nhưng có lẽ các kinh tế gia đã giảm bớt lo sợ về suy thoái. Tất nhiên các nguy cơ về suy thoái vẫn còn nhưng mang tính tâm lý nhiều hơn… Sự lo sợ về suy thoái kinh tế toàn cầu đã giảm bớt.” - ông Long nhận định.

Tuy nhiên, sức ép lạm phát đang quay trở lại - ông Long nói. Trong thông báo sau phiên họp chính sách gần đây, Fed nhận định lạm phát "đã hạ nhiệt phần nào, nhưng vẫn ở mức cao". 

Năm 2022, sức ép về lạm phát tại châu Âu và Mỹ xuất phát từ căng thẳng giữa Nga - Ukraine. Năm nay, biến cố này không còn nhiều tác động nên việc Trung Quốc mở cửa tất nhiên sẽ tăng nhu cầu, gây sức ép tăng giá hàng hòa nhưng “chưa chắc đã tác động mạnh đến lạm phát” - ông Long nhận định. 

Các biến số khác từ trần giá dầu Nga đến thời tiết ở châu Âu, các quyết định về nguồn cung của OPEC và hàng tồn kho tại các nhà bán lẻ đều có thể bù đắp hoặc làm trầm trọng thêm tác động từ việc Trung Quốc mở cửa trở lại đối với giá cả toàn cầu.

Trung Quốc - ẩn số đáng chú ý của lạm phát toàn cầu 

Trung Quốc mở cửa trở lại mang đến một sự thúc đẩy cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu, bù đắp những yếu kém ở châu Âu và suy thoái kinh tế sắp xảy ra ở Mỹ. Sự không chắc chắn về quỹ đạo phục hồi của Trung Quốc và các nhân tố khác ảnh hưởng đến giá cả toàn cầu vẫn còn đáng kể.

Nhưng hướng đi là rõ ràng. Trở lại những ngày đen tối của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, gói kích cầu của Trung Quốc là động thái tích cực đối với phần còn lại của thế giới. Năm 2009, gói kích cầu thích trị giá 4.000 tỷ Nhân dân tệ của Trung Quốc đã giúp khởi động quá trình phục hồi từ cuộc khủng hoảng tài chính sau sự sụp đổ của Ngân hàng Lehman Brothers.

Vào năm 2023, việc mở cửa trở lại của Trung Quốc hứa hẹn sẽ là một điều may mắn đan xen - Bloomberg nhận định.  Áp lực giá từ Trung Quốc có thể sẽ tác động lên cả cung và cầu (giảm cầu - tăng cung, dẫn đến giá cả tăng):

  1. 1. Nguy cơ xảy ra một cú sốc nguồn cung tiêu cực khi làn sóng lây nhiễm Covid đã gây ra tình trạng nghỉ việc hàng loạt, buộc các nhà máy phải vật lộn để sản xuất theo kịp nhu cầu. Dư âm về nguồn cung sụt giảm đã góp phần thúc đẩy đợt lạm phát ngay sau đại dịch. 
  1. 2. Cú sốc về nhu cầu tích cực khi cuộc sống bình thường được duy trì và người dân tăng cường mua sắm. Đã có những dấu hiệu cho thấy điều đó trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, tổng doanh thu phòng vé trong dịp Tết tại Trung Quốc đã tăng trở lại, cao hơn năm 2019 và 2022.  

Những vấn đề trên có thể khiến lạm phát toàn cầu vào cuối năm 2023 tăng thêm gần 1 điểm % so với kịch bản Trung Quốc tiếp tục phong tỏa, theo Bloomberg Economics.

Ngày 13/1, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc Rhee Chang-yong cho biết việc Trung Quốc mở cửa trở lại có thể đẩy giá dầu lên cao. 

Theo mô hình dự báo của Bloomberg Economics, sự phục hồi của Trung Quốc có thể khiến lạm phát tại Mỹ đạt mức 5% trong quý II/2023. Điều này có thể làm giảm kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư về việc Fed sẽ ngừng tăng lãi suất tại cuộc họp tháng 5 tới. 

Kristalina Georgieva, người đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế, cho rằng việc Trung Quốc thay đổi chính sách Zero-Covid có lẽ là yếu tố quan trọng nhất đối với tăng trưởng toàn cầu trong năm nay.  

Ngân hàng Nhà nước sẽ không tăng lãi suất trong nửa đầu năm nay

Theo ông Long, lãi suất tăng sẽ tác động đến tăng trưởng kinh tế.  Riêng quý IV/2022, lợi nhuận của các doanh nghiệp giảm 38% so với cùng kỳ do chịu tác động từ nền lãi suất tăng cao. Trước đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có 2 lần tăng lãi suất điều hành trong quý cuối năm 2022. 

Ông Long cho rằng, NHNN sẽ phải cân đối giữa ổn định tăng trưởng kinh tế và những biến số như lạm phát, tỷ giá trong năm nay. 

Tỷ giá USD/VND tại ngày 5/2/2023. (Nguồn: TradingView)

Tỷ giá USD/VND đang dao động quanh mức 23.440 đồng, giảm gần 6% so với kỷ lục hồi tháng 10/2022. Đồng thời, những vấn đề xoay quanh lạm phát đã hạ nhiệt so với đỉnh điểm trong năm qua. Nhờ đó, NHNN sẽ có thêm dư địa điều hành chính sách tiền tệ thông qua công cụ lãi suất và không còn nhiều sức ép. Ông Long dự báo NHNN sẽ không tăng lãi suất trong nửa đầu năm nay. 

Nhận định của ông Phan Lê Thành Long được chia sẻ tại chương trình Đi theo dòng tiền: FED tăng lãi suất ảnh hưởng thế nào đến thị trường. Bạn đọc có thể xem toàn bộ chương trình tại đây


(0) Bình luận
Sức ép lạm phát đang quay trở lại và một biến số có thể ‘châm ngòi nổ’
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO