Trong phiên giao dịch sáng 4/3, tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) và Tập đoàn DOJI, giá vàng SJC đồng loạt tăng thêm 600 nghìn đồng/lượng, niêm yết ở mức giá 89,6 – 91,6 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Chênh lệch giữa giá mua và giá bán giữ ở mức 2 triệu đồng/lượng.
Tại Tập đoàn Phú Quý và Công ty Bảo Tín Minh Châu, vàng miếng SJC hiện niêm yết ở mức 89,8 – 91,6 triệu đồng/lượng, tăng 500 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 600 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với kết phiên trước.
Tương tự ở mặt hàng vàng nhẫn, vàng nhẫn 99,99 loại 1-5 chỉ tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) cũng ghi nhận tăng 600 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều, lên 89,6 – 91,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Vàng nhẫn tròn Hưng Thịnh Vượng 9999 tại Tập đoàn DOJI tăng 550 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 700 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với thời điểm kết phiên trước, nâng giá lên 91,2 – 92,2 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Tại Tập đoàn Phú Quý, vàng nhẫn Phú Quý 999.9 giao dịch ở mức 90,9 – 92,3 triệu đồng/lượng, tăng 500 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với kết phiên hôm qua.
Tương tự, Bảo Tín Minh Châu cũng điều chỉnh tăng 600 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều với vàng nhẫn tròn trơn hiệu vàng Rồng Thăng Long, niêm yết mức giá mới 91,2 – 92,4 triệu đồng/lượng.
.png)
Trên thị trường vàng quốc tế, giá vàng thế giới trong sáng nay giảm sâu về mức 2.888,1 USD/ounce, tăng 24,8 USD/ounce so với cùng thời điểm phiên giao dịch trước. Nếu quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, chưa bao gồm thuế, phí, giá vàng thế giới hiện có giá trị 89,7 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng trong nước khoảng 1,9 triệu đồng/lượng.
Tuần trước, giá vàng đã giảm mạnh hơn 3% do áp lực bán chốt lời từ giới đầu tư, khiến kim loại quý ghi nhận tuần giao dịch tồi tệ nhất kể từ tháng 11/2024. Trong phiên giao dịch ngày 28/2, giá vàng thậm chí đã giảm xuống quanh mốc 2.830 USD/ounce.
Trong xu hướng tăng giá những ngày gần đây, sự suy yếu của đồng USD được coi là yếu tố quan trọng thúc đẩy việc vàng tăng giá. Cụ thể, chỉ số US Dollar Index đã giảm hơn 1% so với mức cao nhất trong hơn hai tuần qua, khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Ngoài ra, sự bất ổn xoay quanh chính sách thuế quan mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng là yếu tố tác động mạnh mẽ đến thị trường vàng. Mỹ dự kiến tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Canada, Mexico và Trung Quốc.Trong đó, thuế đối với hàng hóa Trung Quốc sẽ tăng từ 10% lên 20% kể từ ngày 4/3.
Thị trường vàng cũng chịu ảnh hưởng từ những yếu tố bất ổn địa chính trị. Tiến trình hòa bình giữa Nga và Ukraine đang bị đình trệ, trong khi căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Các yếu tố này đã thúc đẩy nhu cầu mua vàng như một kênh tài sản tránh rủi ro.
Theo báo cáo từ Goldman Sachs Research, giá vàng có thể sẽ tăng thêm 8% trong năm 2025, đạt mức kỷ lục 3.100 USD/ounce, cao hơn so với dự báo trước đó. Điều này chủ yếu dựa trên nhu cầu mua vàng từ các ngân hàng trung ương, đặc biệt sau khi tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga bị đóng băng.
UBS cũng giữ nguyên dự báo giá vàng sẽ chạm mức 3.000 USD/ounce trong năm nay. Trong một số kịch bản rủi ro, giá vàng thậm chí có thể lên đến 3.200 USD/ounce.
Hiện tại, các nhà đầu tư vẫn đang theo dõi chặt chẽ chính sách thương mại của Mỹ và các động thái tiếp theo từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) để dự đoán xu hướng giá vàng trong thời gian tới.