Sẽ điều tra, xử lý mua bán dữ liệu cá nhân và thanh tra các nhà mạng

Dương Trang | 08:58 05/11/2022

Để bảo vệ dữ liệu thông tin cá nhân, nhất là số điện thoại không bị lọt ra ngoài, Bộ Thông tin Truyền thông phối hợp với Bộ Công an điều tra, xử lý một số vụ mua bán thông tin, dữ liệu cá nhân và thanh tra các nhà mạng toàn diện.

Sẽ điều tra, xử lý mua bán dữ liệu cá nhân và thanh tra các nhà mạng
Bộ Thông tin Truyền thông phối hợp với Bộ Công an điều tra, xử lý một số vụ mua bán thông tin, dữ liệu cá nhân và thanh tra các nhà mạng toàn diện. (Ảnh: Int)

Vẫn nhiều cuộc gọi rác

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 91/2020/NĐ-CP về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác có hiệu lực từ ngày 01/10/2020, tình trạng quảng cáo hàng hoá, dịch vụ gây phiền nhiễu đã phần nào giảm đi. Tuy nhiên, tình trạng này thời gian gần đây lại có dấu hiệu gia tăng.

Chị Hoài Thu (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, 1 ngày có tới 3-4 cuộc gọi từ các dịch vụ như bảo hiểm nhân thọ, sửa máy lọc nước, rao bán đất nền tỉnh, mời gọi tham gia nhóm chứng khoán phái sinh…Điều ngạc nhiên là các cuộc gọi này đều rất rõ tên và địa chỉ chị ở khu vực nào.

Có những lần đang đi đường, thấy điện thoại rung chuông, số máy khá đẹp, chị dừng lại nghe, đầu dây bên kia hỏi chị rất rõ thông tin: “Chị có phải mẹ cháu Trung không”? Câu hỏi này khiến chị Thu giật mình vì sợ con trai đang học tiểu học ốm hay có việc gì để cô giáo gọi điện thoại. Khi đầu dây bên kia nói đến câu thứ hai chị thở phào vì không phải con trai ở trường có chuyện, mà đây chỉ là cuộc gọi mời mua các khoá học tiếng Anh ở các trung tâm chưa có tiếng. Tuy nhiên điều này cực kỳ gây phiền cho chị vì khiến chị lo lắng, hơn nữa chị đang đi xe ngoài đường phải dừng lại để nghe một cuộc gọi không cần thiết.

Do tính chất công việc cần trao đổi điện thoại với đối tác nhiều nên thường các cuộc gọi chị đều phải nghe máy hết. Có những lần đang họp với đối tác nước ngoài, có cuộc gọi từ số máy để bàn đầu số của TP. Hồ Chí Minh hỏi đúng tên mình. Chị có chút lo lắng do trước đó chồng chị vừa khỏi ốm đã phải đi công tác tại TP. Hồ Chí Minh. Nhưng khi biết đây là cuộc gọi rác chị không khỏi bực mình, lại còn mất thời gian.

Ngoài các cuộc gọi quảng cáo, chị còn nhận được cuộc gọi từ những người lạ tự xưng ở cơ quan cảnh sát giao thông yêu cầu chị nộp phạt nguội do vi phạm giao thông. Tuy nhiên rất may chị không lái xe ô tô đi làm hàng ngày nên chị tránh được phiền phức.

Đây chỉ là 1 trường hợp trong vô số trường hợp khác hàng ngày phải nhận các tin rác, cuộc gọi rác biết đích xác tên mình để mời chào sử dụng các dịch vụ của họ, điều này gây bức xúc cho người tiêu dùng.

Tăng mức phạt gấp 2 lần

Trước tình trạng này, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, các Đại biểu Quốc hội đã đặt câu chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền Nguyễn Mạnh Hùng có cách nào giải quyết và tháo gỡ việc mua bán dữ liệu cá nhân.

Về mua bán dữ liệu cá nhân, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, đây là tài sản cá nhân được nhắc đến trong Luật An toàn thông tin, mỗi người dân đều cần ý thức rõ và bảo vệ quyền lợi của cá nhân mình. Doanh nghiệp thu thập thông tin cần thực hiện đúng pháp luật, cụ thể, khi thu thập dữ liệu cá nhân cần có hợp đồng mẫu, quy định rõ trong hợp đồng mục đích sử dụng, cách thức sử dụng thông tin này.

Bộ trưởng cho biết, Bộ đã hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân, tăng mức phạt gấp 2 lần với các trường hợp vi phạm, nhưng vẫn còn ở mức thấp. Bộ sẽ thanh tra toàn diện các nhà mạng viễn thông trong việc đảm bảo an toàn dữ liệu thông tin, tiến tới thanh tra các doanh nghiệp bưu chính, các nhà mạng về vấn đề này. Đồng thời kiến nghị cần xem xét quy định phạt trên phần trăm doanh thu của các doanh nghiệp vi phạm thay vì phạt theo giá trị tuyệt đối.

Liên quan đến vấn đề về các cuộc gọi lừa đảo biết đầy đủ thông tin về người dân nên dễ tin, dễ bị lừa, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết có nguyên nhân kỹ thuật và nguyên nhân phi kỹ thuật. Trong đó, nguyên nhân kỹ thuật là một số tổ chức, doanh nghiệp thu thập thông tin cá nhân chưa đảm bảo an toàn, bị hacker tấn công lấy cắp dữ liệu.

“Hiện nay trên chợ đen bán dữ liệu Việt Nam, theo báo cáo của ngành công an có đến 1.300 GB, tính ra hàng tỷ thông tin”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Ngoài ra, theo Bộ trưởng còn có nguyên nhân phi kỹ thuật, đó là người dân dễ dãi trong việc cung cấp thông tin của cá nhân mình. Cũng có việc một số doanh nghiệp quản lý nội bộ kém để cho nhân viên dữ liệu lấy thông tin của doanh nghiệp bán ra bên ngoài.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ này đã ban hành một bộ cẩm nang về an toàn thông tin, trong đó có một nội dung rất quan trọng về cách thức để người dân bảo vệ dữ liệu cá nhân của mình. Hiện nay, Bộ cũng đã xây dựng một cơ sở dữ liệu về lộ, lọt thông tin thông qua các doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế.

Theo Bộ trưởng, thực tế đang có 120 triệu thực thể thông tin có thể bị lộ lọt, người dân có thể tra cứu để biết mình có bị lộ lọt thông tin không. Bên cạnh đó, một trong những giải pháp rất tốt là các cơ quan nhà nước yêu cầu các doanh nghiệp chăm sóc khách hàng khi muốn tiếp cận người dân, khách hàng thì làm việc với nhà mạng để hiện tên chứ không hiện số điện thoại.

Bên cạnh đó, Bộ phối hợp với Bộ Công an điều tra, xử lý một số vụ mua bán thông tin, dữ liệu cá nhân để răn đe, truyền thông rộng rãi và thanh tra các nhà mạng toàn diện về vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Sẽ điều tra, xử lý mua bán dữ liệu cá nhân và thanh tra các nhà mạng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO