Trong đó, BIDV và VietinBank là những ngân hàng đầu tiên tham gia thí điểm dịch vụ này.
Thời gian tới, cơ quan chức năng dự kiến triển khai thêm nhiều địa phương khác.
Bằng công nghệ xác thực khách hàng thông qua dữ liệu sinh trắc học kết nối trực tiếp với dữ liệu công dân quốc gia, việc sử dụng căn cước công dân có gắn chip sẽ giúp khách hàng giảm thiểu mọi nguy cơ giả mạo thẻ, đảm bảo an toàn tối đa trong các giao dịch tài chính.
Theo đó, khi khách hàng quét căn cước công dân tại ATM, hệ thống ngay lập tức kiểm tra và đối chiếu thông tin trên căn cước công dân gắn chip, đảm bảo thông tin chính xác và tiếp tục xác thực thông tin chính chủ thông qua đối chiếu dữ liệu sinh trắc học của khách hàng bằng hình thức: Quét khuôn mặt và vân tay.
Thời gian xác thực thông tin khách hàng rất nhanh chóng, chỉ từ 6 - 8 giây với mỗi giao dịch.
Đặc biệt hơn, các khách hàng mới chuyển đổi từ chứng minh nhân dân sang căn cước công dân có gắn chip nhưng chưa cập nhật thông tin với ngân hàng vẫn có thể thực hiện giao dịch rút tiền bình thường.
Cách rút tiền bằng căn cước công dân gắn chip tại ATM:
- Bước 1: Khách hàng lựa chọn chức năng rút tiền không dùng thẻ tại màn hình của ATM.
- Bước 2: Khách hàng nhấn chọn rút tiền bằng căn cước công dân.
- Bước 3: Khách hàng đặt thẻ căn cước công dân lên đầu đọc thẻ và nhìn trực tiếp vào camera giao dịch của máy ATM, nhấn tiếp tục để xác nhận thực hiện thao tác.
- Bước 4: Sau khi xác thực thành công, khách hàng nhập PIN thẻ tương ứng với tài khoản cần rút tiền.
- Bước 5: Khách hàng chọn hoặc nhập số tiền cần rút trên màn hình ATM.
- Bước 6: ATM trả tiền & biên lai (nếu có) cho khách hàng và kết thúc giao dịch.
Dự kiến, trong thời gian tới, hình thức rút tiền mặt này sẽ triển khai mở rộng trên toàn hệ thống ngân hàng.
Ngoài ứng dụng căn cước công dân trong giao dịch ngân hàng, hiện nay, người dân còn có thể sử dụng thẻ gắn chip hoặc ứng dụng VNEID thay cho thẻ bảo hiểm y tế khi đến khám chữa bệnh tại một số cơ sở.
Theo Quyết định số 06 phê duyệt đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030, Chính phủ kỳ vọng căn cước công dân gắn chip sẽ từng bước thay thế, tích hợp các giấy tờ cá nhân trên cơ sở cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Ngoài ra, Bộ Công an đã hoàn thiện việc kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với dữ liệu đã có của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Tập đoàn Điện lực, Tổng cục Thuế, dữ liệu về trẻ em của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cùng cơ sở dữ liệu giáo dục.