"Hút" tiền gửi vào ngân hàng: Yếu tố quyết định không chỉ là lãi suất cao

Minh Trang | 09:14 11/05/2022

Thứ hạng thu hút tiền gửi đã có sự thay đổi nhẹ ở một số ngân hàng thương mại, tuy nhiên, 3 “ông lớn” ngân hàng quốc doanh vẫn giữ vị trí đứng đầu.

"Hút" tiền gửi vào ngân hàng: Yếu tố quyết định không chỉ là lãi suất cao
Để hút được tiền gửi, nhiều ngân hàng đã đầu tư lớn vào công nghệ.

Từ đầu năm đến nay, nhiều ngân hàng thương mại đã có cuộc đua tăng lãi suất huy động nhằm thu hút tiền gửi của khách hàng.

Trong nhóm 10 ngân hàng có lượng tiền gửi lớn nhất, một ngân hàng bị HDBank đánh bật khỏi danh sách này để thay thế vị trí.

Chị Hoàng Thu Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) có 1 tỷ đồng nhàn rỗi đã quyết định gửi tiết kiệm ngân hàng tại ngân hàng Vietinbank với kỳ hạn từ 12-36 tháng là 5,6%. Trong khi đó, một số ngân hàng thương mại cổ phần khác với số tiền 1 tỷ đồng gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng trở lên được hưởng mức lãi suất cao nhất 7%.

Chia sẻ về lý do gửi tại ngân hàng với lãi suất thấp hơn, chị Thu Anh cho biết, chị vẫn lựa chọn gửi ngân hàng quốc doanh như một kênh đầu tư an toàn. Hơn nữa, thời gian qua, chị đã mở tài khoản ở ngân hàng quốc doanh vì bảo mật tốt hơn, nhiều điểm giao dịch rút tiền thuận tiện hơn.

Theo báo cáo tài chính quý I/2022 vừa được các ngân hàng công bố, một số ngân hàng có lượng tiền gửi lớn nhất bao gồm BIDV, Vietcombank, VietinBank, Sacombank, ACB, MB, SHB, Techcombank, VPBank và HDBank.

Trong đó, BIDV, Vietcombank, VietinBank là 3 gương mặt có số tiền gửi khách hàng đã chiếm tới gần 49% tổng tiền gửi của gần 30 ngân hàng được thống kê, tăng nhẹ so với tỷ lệ 48,4% hồi đầu năm.

Cụ thể, tính đến ngày 31/3/2022, BIDV dẫn đầu trong top 10 ngân hàng có tiền gửi nhiều nhất với gần 1,4 triệu tỷ đồng, tăng 1,15% so với thời điểm đầu năm.

Vietcombank xếp hạng 2/10 khi có tới 1,21 triệu tỷ đồng, tương ứng tăng 4,37%, tiếp đến là Vietinbank ghi nhận 1,18 triệu tỷ đồng tăng 3,9% so với đầu năm.

7 ngân hàng còn lại trong top 10 về lượng tiền gửi có Sacombank (457.792 tỷ đồng, tăng 7,1%); MB (390.174 tỷ đồng, tăng 1,43%); ACB (386.051 tỷ đồng, tăng 1,61%); SHB (333.639 tỷ đồng, tăng 1,97%); Techcombank (328.914 tỷ đồng, tăng 4,50%); VPBank (274.149 tỷ đồng, tăng 13,36%) và HDBank (201.490 tỷ đồng, tăng 9,9%).

Như vậy, so với thời điểm cuối năm ngoái, bảng xếp hạng này đã vắng bóng LienVietPostBank và thay vào đó là HDBank nhờ tăng trưởng tiền gửi của nhà băng này lên gần 10% trong 3 tháng đầu năm, trong khi đó, lượng tiền gửi tại LienVietPostBank “bốc hơi” gần 36% chỉ còn trên 177 nghìn tỷ đồng.

Ngoài LienVietPostBank, quý I cũng có một số ngân hàng cũng ghi nhận lượng tiền gửi khách hàng sụt giảm. Điển hình là NCB (giảm 7,5%), SeABank (giảm 3,34%), OCB (giảm 0,32%), VietABank (giảm 0,19%), PGBank (giảm 2,56%) và Saigonbank (giảm 0,54%).

Theo đánh giá của giám đốc một chi nhánh ngân hàng thương mại cổ phần, sự tăng giảm trái chiều về lượng tiền gửi tại các ngân hàng trong quý I có thể đến từ chính sách “chạy đua” tăng lãi suất huy động và tung nhiều chương trình ưu đãi dành cho người gửi tiết kiệm trong thời gian qua.

Trong 3 tháng trở lại đây, mặt bằng được nâng lên đáng kể, lãi suất tại nhiều ngân hàng đã tăng 0,3%-0,7%. Nhờ đó, lượng tiền gửi đổ về các ngân hàng tăng mạnh so với cùng thời điểm năm ngoái.

Công ty chứng khoán VnDirect kỳ vọng, lãi suất huy động sẽ tăng nhẹ 0,3-0,5% năm nay. Trong đó, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại có thể tăng lên mức 5,9-6,1%/năm vào cuối năm 2022, nhưng mức này vẫn thấp hơn so với mức trước đại dịch. Tuy nhiên, hiện với nhiều ngân hàng thương mại, tăng lãi suất không phải là cách duy nhất để họ có được lượng tiền gửi.

Trong 3 tháng đầu năm nay, lượng tiền gửi vào ngân hàng VPBank tăng gần 13,4% so với thời điểm cuối năm 2021, một phần do nhà băng này đang có lãi suất huy động khá cao, lên đến 6,7%/năm.

Một số chuyên gia ngân hàng cho rằng, ngoài “cuộc đua” tăng lãi suất thì “cuộc đua” đầu tư cho công nghệ từ hồi đại dịch Covid-19 giúp người dân, khách hàng tổ chức có thể gửi – rút tiền linh hoạt, đảm bảo an toàn hơn được xem là giải pháp thu hút được lượng tiền gửi có kỳ hạn. Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng cũng tung nhiều chương trình khuyến mãi, chăm sóc khách hàng đã thu hút được nhiều cá nhân tới gửi tiền.

Bài liên quan

(0) Bình luận
"Hút" tiền gửi vào ngân hàng: Yếu tố quyết định không chỉ là lãi suất cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO