Theo The New York Post, mạng xã hội mới đây rộ tin đồn CEO Mark Zuckerberg đang lên kế hoạch từ chức vào năm 2023. Thông tin được đưa ra bởi tờ The Leak, trong bối cảnh Meta đang phải đối mặt với sự sụt giảm đáng kể về lợi nhuận.
Đại diện Meta ngay sau đó đã phủ nhận tin đồn thất thiệt, song vẫn không thể ngăn tất cả suy đoán về khả năng Zuckerberg có thể rời đi. Lời đồn này đã giúp cổ phiếu của Meta tăng nhẹ vào đầu phiên giao dịch.
“Điều này là sai sự thật”, đại diện Meta đăng tải trên Twitter.
Trước đó, Linette Lopez, một cây viết của Business Insider, cũng đã chia sẻ quan điểm về việc từ chức của Mark Zuckerberg. Ông cho rằng vị CEO này nên từ chức, để người khác quản lý Facebook, WhatsApp, Instagram, sau đó sử dụng khối tài sản khổng lồ và các mối quan hệ trong giới đầu tư mạo hiểm để xây dựng một startup về metaverse.
“Đây là cách duy nhất Zuckerberg có thể làm để cứu đế chế của mình khỏi… chính mình. Chưa kể, nó cũng sẽ vì lợi ích tốt nhất của xã hội”, Linette Lopez nói.
Trước đó ít lâu, Meta đã công bố báo cáo tài chính quý III/2022 đáng thất vọng sau khi ghi nhận đà sụt giảm doanh thu, đồng thời đưa ra cảnh báo rằng họ đang thực hiện “những thay đổi đáng kể” nhằm cắt giảm chi tiêu trước năm 2023. Trong giai đoạn từ tháng 7 đến 9, tập đoàn này chỉ đạt doanh thu 27,7 tỷ USD, giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Công ty mẹ Facebook trước đó đã báo cáo mức sụt giảm doanh thu lần đầu trong lịch sử vào quý II.
Trong khi đó, lợi nhuận ròng Meta cũng không mấy khả quan khi chỉ đạt 4,4 tỷ USD, giảm hơn một nửa so với hồi năm ngoái. Tuy nhiên, đại diện Facebook vẫn lạc quan rằng lợi nhuận quý cuối năm 2022 sẽ bùng nổ, đạt 30-32,5 tỷ USD.
“Chúng tôi đang tiến đến năm 2023 với trọng tâm là ưu tiên sự hiệu quả. Nó sẽ giúp chúng tôi điều chỉnh định hướng hiện tại và xây dựng một công ty lớn mạnh hơn”, Mark Zuckerberg, Giám đốc điều hành Meta khẳng định. “Mặc dù chúng tôi phải đối mặt với những thách thức ngắn hạn về doanh thu, song các nguyên tắc cơ bản vẫn có thể giúp cải thiện tốc độ tăng trưởng doanh thu đáng kể”.
Dẫu vậy, trước những gì Meta đang phải đối mặt, khó nhà đầu tư nào có thể yên tâm.
“Facebook đã chứng tỏ khả năng của mình, từ con số không đến vị thế đạt được mọi thứ nó muốn. Câu hỏi đặt ra là liệu Facebook có thể làm điều này một lần nữa không? Có rất nhiều sự hoài nghi ở ngoài kia”, Marshall Front, giám đốc đầu tư của Front Barnett Associates cho biết.
Hoài nghi này xuất phát từ việc Meta rót tiền vô tội vạ vào metaverse, trong khi hoạt động kinh doanh cốt lõi lại đang chậm lại. Từ năm 2013 đến năm 2021, Meta đạt mức tăng trưởng doanh thu trung bình hàng năm khoảng 42%. Sang đến năm nay, doanh số tập đoàn này dự kiến giảm 1%, theo ước tính trung bình của các chuyên gia phân tích. Nguyên nhân đến từ sự cạnh tranh khốc liệt của TikTok và nỗi lo cắt giảm chi tiêu mạnh hơn của các nhà quảng cáo trong bối cảnh suy thoái. Điều này cũng đè nặng lên các công ty truyền thông xã hội khác, chẳng hạn như Snap.
“Các nhà đầu tư đang gặp khủng hoảng về niềm tin tăng trưởng. Những người từng rót tiền vào Big Tech thì cho rằng đà suy giảm “có thể sẽ kéo dài trong nhiều năm”, Gene Munster, đồng sáng lập của Loup Ventures, một công ty đầu tư công nghệ, cho biết.
Thông điệp từ giới đầu tư đến nay đã rõ. Họ không muốn mạo hiểm đánh cược vào một thứ gì đó, để rồi nhiều năm sau mới có thể thu hồi vốn. Bản thân những nhà đầu tư này cũng chỉ muốn rót vốn vào những công ty có hiệu suất sinh lời tốt hơn.
Đã gần tròn 1 năm kể từ đợt bán tháo gần nhất. Rất ít tín hiệu cho thấy đà sụt giảm này sẽ kết thúc trong tương lai gần. Lạm phát vẫn gia tăng và các quan chức FED cảnh báo sẽ không từ bỏ chính sách cũ cho đến khi giá cả hạ nhiệt.
“Các nhà đầu tư đã đặt câu hỏi liệu việc đầu tư vào metaverse có khiến Meta phân tâm và lơ là các mục tiêu tăng trưởng khác. Họ đã vội vàng đưa ra lời cam kết quá lớn”, Scott Kessler, trưởng bộ phận toàn cầu về công nghệ tại nhà nghiên cứu đầu tư Third Bridge, nói về Meta.
Câu hỏi trên đến nay vẫn đang được bỏ ngỏ, song những gì Zuckerberg làm đã cho thấy ít nhiều sự phân tâm trong các mục tiêu tăng trưởng của Facebook. Cụ thể, ngày 15/11, Meta tiết lộ một mô hình máy tính xử lý ngôn ngữ mới có tên Galactica, được tạo ra để hỗ trợ tìm kiếm và xử lý tài liệu khoa học, theo MIT Technology Review. Thay vì tạo ra cú hích lớn như Meta kỳ vọng, Galactica bất ngờ “chết yểu” chỉ sau 3 ngày nhận chỉ trích dữ dội. Ngày hôm qua, bản demo công khai của mô hình này đã chính thức bị gỡ bỏ.
“Các công ty công nghệ lớn tiếp tục làm điều này, và hãy ghi nhớ lời tôi nói, họ sẽ không dừng lại vì họ nghĩ mình có thể. Họ nghĩ đây sẽ là tương lai của thế giới truy cập thông tin, ngay cả khi không ai yêu cầu điều đó”, Chirag Shah tại Đại học Washington, chuyên gia nghiên cứu về công nghệ tìm kiếm, cho biết.
Sai lầm của Meta, và sự ngạo mạn của nó, một lần nữa cho thấy điểm mù của Big Tech trong lĩnh vực mô hình ngôn ngữ lớn. Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra sai sót của công nghệ này, bao gồm cả xu hướng tái tạo định kiến, “nói không thành có”. Meta và nhiều công ty khác tiếp cận mô hình ngôn ngữ lớn, trong đó có Google, đã không coi trọng vấn đề này.
“Trong buổi giới thiệu demo, chúng trông thật tuyệt vời, kỳ diệu và thông minh. Tuy nhiên, mọi người dường như không hiểu rõ về nguyên tắc, rằng những thứ như vậy không thể hoạt động theo cách mà chúng ta thổi phồng”, Chirag Shah nói.
Theo: The New York Post, MIT Technology Review