Ngân hàng Trung ương Serbia (NBS) đang lên kế hoạch hồi hương toàn bộ dự trữ vàng từ nước ngoài trong bối cảnh bất ổn toàn cầu gia tăng.
Động thái này nhằm bảo vệ dự trữ vàng của Serbia khi các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới tìm cách giảm thiểu rủi ro đối với tài sản cất giữ ở nước ngoài trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị leo thang ở châu Âu và Trung Đông.
Hiện tại, tổng dự trữ vàng của Serbia đạt 50,5 tấn, tương đương khoảng 6 tỷ USD theo giá thị trường hiện nay. Thống đốc NBS Jorgovanka Tabakovic cho biết 86% số vàng đã được lưu trữ tại kho của ngân hàng trung ương ở Belgrade. Phần còn lại – khoảng 5 tấn – vẫn đang được giữ tại Thụy Sĩ.
“Việc đưa vàng về nước nhằm tăng tính khả dụng và an toàn cho dự trữ quốc gia trong giai đoạn khủng hoảng và bất ổn”, NBS nhấn mạnh, đồng thời cho biết quá trình này đã bắt đầu từ năm 2021 khi thế giới đối mặt với làn sóng bất ổn chính trị và kinh tế gia tăng.
Sau khi hoàn tất đợt rút này, Serbia sẽ là quốc gia Đông Âu duy nhất không còn gửi vàng tại các trung tâm tài chính truyền thống như Thụy Sĩ, Anh hay Mỹ.
Serbia đã tăng cường tích lũy vàng trong giai đoạn 2019–2024. Nước này mua 17 tấn trên thị trường quốc tế và ít nhất 19 tấn từ công ty Zijin Mining Serbia – chi nhánh của tập đoàn khai khoáng Trung Quốc Zijin Mining Group.
Việc tích cực mua vàng và chuyển dự trữ về nước diễn ra trong bối cảnh các ngân hàng trung ương trên toàn cầu tăng cường mua vàng sau khi Nga bị đóng băng tài sản ngoại hối tại phương Tây vào năm 2022. Việc hồi hương vàng thỏi được coi là một cách để giảm thiểu rủi ro chính trị và tài chính.
Không riêng Serbia, xu hướng hồi hương vàng đang tăng nhanh tại nhiều nền kinh tế mới nổi, từ Trung Quốc, Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ. Đáng chú ý, Nga chuẩn bị khai trương sàn giao dịch vàng riêng, độc lập với Hiệp hội Thị trường Vàng London (LBMA). Trong khi đó, Trung Quốc vừa mở kho vàng ngoại đầu tiên tại Hong Kong, cho phép đối tác thương mại chuyển thặng dư từ đồng nhân dân tệ trực tiếp thành vàng.
Serbia, với chiến lược dự trữ chủ động và quyết đoán, đang trở thành một trong những quốc gia đi đầu ở Đông Âu trong việc tái định hình chính sách tiền tệ theo hướng giảm thiểu rủi ro từ phương Tây và tăng cường chủ quyền tài chính quốc gia.
Tham khảo: Bne Intellinews