Thêm 2 địa phương đề xuất quy hoạch sân bay
UBND tỉnh Sơn La đã có văn bản đề xuất Bộ GTVT cho bổ sung sân bay Mộc Châu vào quy hoạch cảng hàng không toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050. Dù đặt tên sân bay là Mộc Châu, đề xuất của tỉnh Sơn La chưa cho biết vị trí dự kiến đặt sân bay nằm tại huyện, xã nào.
Theo đề xuất của tỉnh, Cảng hàng không Mộc Châu sẽ là sân bay cấp 4E, tổng mức đầu tư khoảng 6.500 tỷ đồng, thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP). Tỉnh Sơn La định hướng sẽ kết nối đường bay đến TP.HCM, Đà Nẵng, Cam Ranh, Buôn Ma Thuột, Pleiku, Phú Quốc...; các đường bay quốc tế đi Đông Bắc Á (Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong) và khu vực Đông Nam Á (Viêng Chăn, Bangkok, Kuala Lumpur, Jakarta...).
UBND tỉnh Kon Tum cũng đã có văn bản gửi Thủ tướng đề xuất bổ sung quy hoạch Cảng hàng không Măng Đen vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tỉnh Kon Tum đề xuất xây sân bay Măng Đen tại thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông, tổng mức đầu tư dự án khoảng 4.000 tỷ đồng, thời gian thực hiện trong 4 năm, từ năm 2023 – 2027 theo phương thức đối tác công tư PPP.
Đến nay có nhiều tỉnh mong muốn mở sân bay, trong khi Bộ Giao thông vận tải xác định chỉ xây thêm 9 sân bay từ nay đến năm 2050, do lo ngại sân bay vắng khách, nhưng bị các dự án bất động sản lợi dụng để thổi giá.
Xuất hiện những dấu hiệu đóng băng bất động sản
Thống kê của các đơn vị nghiên cứu thị trường cho thấy những năm qua, khi TP.HCM thiếu vắng nguồn cung đất nền mới, giao dịch trở nên sôi động hơn ở các tỉnh lân cận như Long An, Đồng Nai, Bình Dương. Tuy nhiên, đến tháng 8 này, báo cáo của DKRA cho biết tỷ lệ tiêu thụ ở 3 tỉnh này chỉ đạt 34% trên tổng số 193 nền đất mới. Trong đó, khắp Đồng Nai chỉ có 9 nền được mở bán nhưng không nhà đầu tư nào xuống tiền, còn Bình Dương có 90 nền mới nhưng chỉ bán được 2 nền. Riêng thị trường Long An khả quan nhất cũng chỉ bán được khoảng 2/3 nguồn cung mới.
Theo DKRA, sức cầu chung toàn thị trường đã có dấu hiệu đi xuống từ vài tháng trở lại đây do các chính sách tăng cường kiểm soát tín dụng vào bất động sản.
Diễn biến này không chỉ xuất hiện ở khu vực phía Nam. Lượng tiêu thụ đất nền ở Đà Nẵng thậm chí còn thấp hơn, chỉ bằng 24% tổng nguồn cung mới mở bán trong tháng. Hay ở Quảng Nam, có 23 nền đất mới được chào bán nhưng không phát sinh giao dịch nào.
Ở khu vực này, bên cạnh lý do về siết tín dụng, thanh khoản thấp còn đến từ việc giá bán ngày càng tăng cao. Mặt bằng giá sơ cấp đã tăng khoảng 3-17% so với giai đoạn mở bán trước cách đây 3-8 tháng, do những dự án này đã hoàn thiện cả về hạ tầng lẫn pháp lý. Giá chào bán đất nền ở Đà Nẵng hiện khoảng 22,5-30 triệu đồng/m2, còn Quảng Nam khoảng 11,3-28 triệu đồng/m2.
Tại Quảng Trị, bất động sản cũng rơi vào cảnh ế ẩm, nhiều nhà đầu tư tháo chạy khỏi thị trường, nhiều lô đất giảm giá, không ít nhà đầu tư bỏ cọc sau đấu giá.
Chẳng hạn tại TP. Đông Hà, những lô đất thuộc Khu đô thị Nam Đông Hà nằm ở mặt đường khoảng 20m đã giảm từ 13-15 triệu đồng/m2 còn khoảng 10 triệu đồng/m2 chỉ trong chưa đầy một năm. Tương tự, tại Khu đô thị Bắc sông Hiếu, những lô đất nằm ở mặt đường hơn 20m, khi sốt có giá khoảng 18 - 20 triệu đồng/m2, thì nay đã giảm còn khoảng 15 triệu đồng/m2.
Giáp TP. Đông Hà, tại huyện Cam Lộ, giá nhiều lô đất đấu giá đã giảm 20-30% nhưng giao dịch đìu hiu, thậm chí khó có giao dịch thành công.
Hay ở huyện Vĩnh Linh, UBND huyện vừa phải ra quyết định hủy kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với 12 lô đất tại khu dân cư Mũi Lò Vôi, xã Kim Thạch. Nguyên nhân là do người trúng đấu giá từ chối và không thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định. Trước đó, hồi tháng 3, UBND huyện Vĩnh Linh đã tổ chức đấu giá 50 lô đất tại khu dân cư Mũi Lò Vôi, kết quả 49 lô đấu thành công, thu về hơn 104 tỷ đồng nhưng chỉ có 37 lô thực hiện nghĩa vụ tài chính sau đấu giá.
Hà Nội dừng thực hiện 7 dự án chậm triển khai tại quận Nam Từ Liêm, huyện Mê Linh, huyện Thường Tín. Tổng diện tích của 7 dự án khoảng 500 ha.
Thứ nhất là dự án Tòa nhà hỗn hợp dành một phần đất để bán cho cán bộ chiến sĩ Văn phòng Interpol Việt Nam ở phường Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm) do Công ty cổ phần Tập đoàn Bắc Hà làm chủ đầu tư. Dự án có diện tích 1.579 m2, được UBND thành phố Hà Nội chấp thuận, cho phép đầu tư vào năm 2009 nhưng đến nay vẫn chưa triển khai.
4 dự án tiếp theo nằm ở huyện Mê Linh, gồm: Khu đô thị sinh thái Đại Thịnh do Công ty cổ phần PRIME Group làm chủ đầu tư; Khu đô thị mới Việt Á ở xã Thanh Lâm do Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư thương mại công nghiệp Việt Á làm chủ đầu tư; Khu đô thị BMC Thăng Long tại xã Đại Thịnh; Khu nhà ở cao cấp Phương Viên, diện tích khoảng 30,8 ha do Công ty cổ phần thương mại và dịch vụ du lịch Phương Viên làm chủ đầu tư.
Còn tại huyện Thường Tín, UBND thành phố Hà Nội thống nhất dừng triển khai 2 dự án gồm Khu đô thị Quang Minh Bắc và Khu đô thị Quang Minh Nam. Cả 2 đều là dự án đối ứng của dự án xây dựng đường Đỗ Xá - Quan Sơn. Tuy nhiên, đến năm 2013, Hà Nội có thông báo về chủ trương dừng thực hiện dự án xây dựng đường Đỗ Xá - Quan Sơn và đã chỉ đạo thực hiện thanh lý hợp đồng.
Diễn biến mới tại khu đô thị phức hợp 10 tỷ USD ở Lâm Đồng
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng phát đi công văn, cho ý kiến góp ý đối với ý tưởng quy hoạch dự án khu đô thị phức hợp du lịch nghỉ dưỡng kết hợp vui chơi giải trí Cao nguyên Lâm Viên của CTCP tập đoàn đầu tư địa ốc Nova (gọi tắt là Novaland). Sở yêu cầu ý tưởng quy hoạch phải đảm bảo phù hợp với nội dung định hướng phát triển của huyện Bảo Lâm; với mức vốn 10 tỷ USD, nhà đầu tư phải bổ sung phân loại nguồn vốn (ngân sách, xã hội hoá,...) và phân kỳ theo từng giai đoạn 5 năm đối với từng dự án.
Hồi tháng 2, Novaland đã đề xuất nghiên cứu, lập ý tưởng quy hoạch và báo cáo đề xuất đầu tư dự án này với quy mô khoảng 30.000 ha tại huyện Bảo Lâm. Mục tiêu là xây dựng khu phức hợp, hoàn chỉnh nhiều loại hình sản phẩm nhà ở, biệt thự du lịch, trung tâm thương mại, công viên cây xanh,…
Một thông tin quốc tế đáng chú ý trong tuần qua là Giá bất động sản tại nhiều nước châu Á đang sụt giảm.
Theo Bloomberg, dựa trên số liệu của công ty bất động sản Knight Frank, giá nhà gần như đã tăng trên mọi quốc gia trong quý II. Tuy nhiên, đến tháng 6, giá nhà của 7/56 thị trường được khảo sát lại chứng kiến đà sụt giảm. Trong số đó, có đến 6 thị trường nằm tại các quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
New Zealand, một trong những thị trường bất động sản nóng nhất thế giới trong thời kỳ đại dịch, đang có mức giảm mạnh nhất với 3%. Các nước gồm Malaysia, Australia, Trung Quốc và Hàn Quốc cũng đang rơi vào tình cảnh hạ giá tương tự.
Việc các nước nâng lãi suất đã kìm hãm tốc độ tăng giá của thị trường bất động sản ở nhiều nơi thế giới trong thời kỳ đại dịch, bao gồm Mỹ.
Theo báo cáo của Knight Frank, nhờ các biện pháp điều chỉnh lạm phát, mức tăng của giá nhà trên thế giới chỉ ở mức 1,6% trong 6 tháng đầu năm nay, giảm so với mức 6,2% của năm 2021.
Các thông tin đáng chú ý khác
Huyện Đông Anh, TP Hà Nội quy hoạch 3 khu dân cư rộng hơn 200 ha
UBND huyện Đông Anh đã thông qua 3 quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu vực dân cư thôn Đoài, khu vực dân cư thôn Tằng My và khu vực dân cư thôn Vệ, thôn Đìa, thuộc xã Nam Hồng.
Theo đó, khu vực dân cư thôn Đoài, xã Nam Hồng được quy hoạch trên khu đất 37 ha, quy mô dân số khoảng 4.600 người.
Khu dân cư thôn Tằng My, xã Nam Hồng có tổng diện tích nghiên cứu lập quy hoạch khoảng 65 ha, với quy mô dân số khoảng 2.700 người.
Khu vực dân cư thôn Vệ, thôn Đìa, xã Nam Hồng có tổng diện tích nghiên cứu lập quy hoạch khoảng 107 ha, quy mô dân số hơn 14.000 người.
Bình Định đầu tư tuyến đường ven biển dài 4,3 km, vốn gần 1.500 tỷ đồng
UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng tuyến đường ven biển ĐT639, đoạn từ quốc lộ 1D đến quốc lộ 19 mới.
Đoạn đường dài 4,3 km, đi qua địa bàn phường Nhơn Phú, Nhơn Bình (thành phố Quy Nhơn). Tổng mức đầu tư là 1.490 tỷ đồng. Theo kế hoạch, tuyến đường sẽ hoàn thành vào năm 2024 và kết nối đồng bộ với đường ven biển đoạn từ Cát Tiến - Khu đô thị Diêm Vân đến quốc lộ 19 (mới) đang được đầu tư xây dựng, góp phần hoàn thiện tuyến đường bộ ven biển của tỉnh Bình Định.
Đấu giá 12 lô đất gần sân bay Nội Bài giá khởi điểm 41 triệu đồng/m2
12 lô đất với tổng diện tích 1.173 m2 tại xã Mai Đình (huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) sẽ được tổ chức đấu giá vào đầu tháng 10 với mức giá khởi điểm dự kiến 41 triệu đồng/m2.
Đơn vị tổ chức đấu giá cho biết trong số 12 lô đất ở, một lô rộng 128 m2, 11 lô còn lại có diện tích 95 m2/lô. Mật độ xây dựng tối đa của các thửa đất là 80%. Tầng cao tối đa xây dựng đối với 12 thửa đất đấu giá theo quy định là 6 tầng.