Ngày 15/10, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam phối hợp với Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội nghị Đối thoại giữa cơ quan soạn thảo luật, các chuyên gia, doanh nghiệp và báo chí về cách hiểu và vận dụng Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các văn bản hướng dẫn thi hành vào thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp bất động sản.
Trình bày báo cáo tham luận Những điểm mới đáng chú ý của Luật Đất đai 2024 và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật, ông Nguyễn Đắc Nhẫn, Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nêu 8 nội dung mang tính đột phá, nổi bật so với Luật Đất đai 2013.
Điểm mới thứ nhất liên quan đến vấn đề phân cấp, phân quyền trong công tác quản lý nhà nước về đất đai.
Cụ thể, Luật Đất đai 2024 đã phân cấp toàn bộ thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất rừng, đất trồng lúa cho HĐND cấp tỉnh. Phân cấp cho Chính phủ phê duyệt kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia; Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh. Luật còn phân cấp thẩm quyền quyết định giá đất cụ thể cho Chủ tịch UBND cấp huyện (đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất…) thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện.
Điểm mới thứ hai liên quan đến vấn đề quyền của người sử dụng đất.
Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, theo Luật Đất đai 2024, cá nhân trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam đều là "cá nhân" sử dụng đất.
Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam có đầy đủ quyền và nghĩa vụ trong quản lý, sử dụng đất như cá nhân trong nước. Quy định này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
Điểm mới thứ ba liên quan đến vấn đề quy hoạch sử dụng đất.
Cụ thể, Quy hoạch sử dụng đất quốc gia chỉ kiểm soát đối với chỉ tiêu đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên, đất quốc phòng, đất an ninh. Giao cho các địa phương xác định các chỉ tiêu sử dụng đất trong quy hoạch sử dụng đất.
Còn đối với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thì nội dung kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện đơn giản hơn. Không quy định phải đưa vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất gắn liền với thửa đất ở của hộ gia đình, cá nhân.
Ngoài ra, Luật Đất đai 2024 còn quy định cụ thể một số trường hợp không phải bổ sung vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện (các dự án đã được chấp thuận đầu tư/quyết định đầu tư của Quốc hội, Thủ tưởng Chính phủ hay HĐND cấp tỉnh).
Điểm mới thứ tư liên quan đến vấn đề thu hồi đất.
Theo ông Nguyễn Đắc Nhẫn, Luật Đất đai 2024 quy định cụ thể căn cứ, điều kiện thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Điều kiện thu hồi đất là phải hoàn thành việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và việc bố trí tái định cư theo quy định của Luật Đất đai.
Đối với việc thu hồi đất vùng phụ cận, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, KDC nông thôn thì phải đáp ứng điều kiện tạo quỹ đất do Nhà nước đầu tư để quản lý, khai thác hoặc giao đất, cho thuê đất cho nhà đầu tư theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, Luật còn quy định 31 trường hợp thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
"Trường hợp phải thu hồi đất quốc phòng, an ninh, tài sản gắn liền với đất để chuyển giao cho địa phương thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng nhưng diện tích đất dự kiến thu hồi chưa được xác định trong quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, quy hoạch sử dụng đất an ninh là đất chuyển giao cho địa phương", ông Nguyễn Đắc Nhẫn chia sẻ.
Điểm mới thứ năm liên quan đến vấn đề bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất.
Cụ thể, Luật đã sửa đổi, bổ sung nguyên tắc bồi thường theo hướng đa dạng các hình thức bồi thường, gồm: Được bồi thường bằng đất có cùng mục đích với đất bị thu hồi bằng tiền, bằng đất khác, bằng nhà ở.
Luật cũng mở rộng thành phần Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với sự tham gia của đại diện Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp, đại diện của người sử dụng đất có đất bị thu hồi… để đảm bảo sự khách quan, minh bạch, sự tham gia của các bên liên quan. Bồi thường, hỗ trợ đối với chủ sở hữu tài sản mà không đồng thời là chủ sử dụng đất, người bị ảnh hưởng bởi việc thu hồi đất...
Điểm mới thứ sáu là vấn đề giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.
Cụ thể, Luật mới đã quy định các trường hợp giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất tại: Các dự án thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực; Các dự án khu đô thị được HĐND cấp tỉnh quyết định việc giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Ngoài ra, Luật đã phân cấp toàn bộ thẩm quyền chấp thuận việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng (phòng hộ, rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên) cho HĐND cấp tỉnh. Sửa đổi một số điều của Luật Lâm nghiệp để thống nhất phân cấp toàn bộ thẩm quyền chấp thuận việc chuyển mục đích sử dụng rừng cho HĐND cấp tỉnh.
Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất nông nghiệp trong khu dân cư, đất nông nghiệp trong cùng thửa đất có đất ở hoặc các loại đất phi nông nghiệp không phải là đất ở mà có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng sang đất ở thì cơ quan có thẩm quyền căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất cấp huyện... (không phải đưa vào KHSDĐ hàng năm cấp huyện).
Điểm mới thứ bảy liên quan đến vấn đề tài chính đất đai.
Theo đó, bỏ quy định về khung giá đất của Chính phủ; Bảng giá đất lần đầu được công bố và áp dụng từ ngày 01/01/2026; được điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung hàng năm; cục bộ (theo loại đất, theo khu vực).
Ngoài ra, Luật cũng quy định cụ thể 04 phương pháp định giá đất, bao gồm: Phương pháp so sánh, phương pháp thu nhập, phương pháp thặng dư, phương pháp hệ số điều chỉnh gía đất. Để quy định chi tiết, Chính phủ đã có thêm Nghị định số 71/2024/NĐ-CP ngày 27/6/2024 quy định về giá đất.
Điểm mới thứ tám là chế độ sử dụng đất.
Theo đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, Luật đã mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân lên không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của cá nhân. Mở rộng đối tượng được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa cho cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp trong hạn mức được giao đất.
"Tuy nhiên, nếu nhận quá hạn mức thì vẫn được sử dụng, nhưng phải kèm theo điều kiện là bắt buộc thành lập tổ chức kinh tế, có phương án sử dụng đất được UBND cấp huyện phê duyệt. Như vậy mới đảm bảo được sử dụng đất lúa đúng mục đích quy hoạch, không lãng phí đất đai. Đặc biệt là nhằm tránh trường hợp lợi dụng chính sách mua gom, nhận chuyển nhượng đất lúa chờ quy hoạch rồi chuyển đổi mục đích", ông Nguyễn Đắc Nhẫn nhấn mạnh.
Còn đối với quy định về "Sử dụng đất kết hợp đa mục đích" thì sử dụng một phần diện tích đất của mục đích sử dụng đất chính vào mục đích khác, mục đích sử dụng đất chính là mục đích của thửa đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, đang sử dụng đất ổn định đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận. Diện tích đất sử dụng vào mục đích kết hợp không quá 50% diện tích đất sử dụng vào mục đích chính (trừ diện tích đất ở sử dụng kết hợp đa mục đích).