Bất chấp năm 2024 đầy khó khăn, VN-Index vẫn giữ được đà tăng trưởng, cũng như các doanh nghiệp niêm yết ngày càng đi sâu về chất lượng, số lượng vi phạm giảm và doanh nghiệp ngày càng minh bạch hơn.
Có được những kết quả này là nhờ sự quản lý chặt chẽ, kịp thời và linh hoạt từ các cơ quan quản lý của Bộ Tài chính, trong đó có Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE). Trao đổi trong Talk show Phố Tài Chính (The Finance Street Talk Show) trên VTV8, bà Trần Anh Đào, Phó Tổng Giám đốc Phụ trách Ban điều hành Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) cho biết, bước sang năm 2025, để hoàn thành các mục tiêu Chính phủ, Bộ Tài chính đề ra, HOSE cũng đang đưa ra chiến lược cụ thể để thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển trong năm 2025.
BTV Mùi Khánh Ly: Năm 2024, nền kinh tế và thị trường chứng khoán phải đối mặt với những khó khăn, nhưng VN-Index vẫn giữ được đà tăng trưởng bền vững với mức tăng 10% so với cuối năm 2023. Đây là mức tăng tích cực so với các thị trường trong khu vực và trên thế giới. Bà đánh giá như thế nào về điều này?
Bà Trần Anh Đào: Trong năm 2024, mặc dù bối cảnh chung vẫn còn nhiều thách thức, chỉ số VN-Index vẫn duy trì được mức tăng trưởng tích cực, để đạt được kết quả này nhờ có các yếu tố cơ bản như sau.
Thứ nhất là nhờ có sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô. Thời gian qua, chính phủ đã nghiên cứu và áp dụng nhiều chính sách kinh tế vĩ mô phù hợp làm đòn bẩy cho việc phát triển nền kinh tế chung và thị trường chứng khoán nói riêng. Trong đó có thể kể đến các chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ như đẩy mạnh đầu tư công, giảm thuế, giữ ổn định tỷ giá hối đoái, hạ lãi suất cho vay, điều hành thị trường mở khéo léo, mềm dẻo.
Thứ hai là sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024, những ngành kinh tế chủ chốt như ngành bất động sản, ngành tài chính, ngành công nghệ thông tin, ngành hàng tiêu dùng… đang dần phục hồi sau đại dịch cùng với sự hỗ trợ từ nhiều cơ chế mới được ban hành.
Các chỉ số ngành tại HOSE đều ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể, trong đó, đáng chú ý nhất là chỉ số ngành công nghệ thông tin tăng 84,8%, ngành hàng tiêu dùng tăng 56,9%, ngành tài chính tăng 31,1% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng lợi nhuận sau thuế 9 tháng của các công ty niêm yết trên HOSE tăng trưởng 13,97% so với cùng kỳ năm ngoái. Thanh khoản 9 tháng đầu năm 2024 trên HOSE ghi nhận sự tăng trưởng với tổng giá trị giao dịch đạt trên 144 tỷ USD, tăng hơn 33% so với 9 tháng đầu năm 2023.
Thứ ba là việc ban hành các chính sách tích cực của ngành chứng khoán. Trong năm 2024, ngành chứng khoán chủ trương tập trung nâng cao chất lượng của hàng hóa niêm yết và công tác giám sát, đảm bảo công khai, minh bạch cho thị trường và góp phần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của các công ty niêm yết, các tổ chức, cá nhân đầu tư chứng khoán, tính minh bạch thị trường. Nâng cao chất lượng thẩm định hồ sơ niêm yết mới và quản lý các doanh nghiệp niêm yết nhằm đảm bảo chất lượng hàng hóa niêm yết tại HOSE.
Bên cạnh đó, việc triển khai chính thức việc thực hiện báo cáo, công bố thông tin (CBTT) một đầu mối với UBCKNN góp phần giảm thiểu thủ tục hành chính, giảm chi phí cho doanh nghiệp niêm yết, tăng hiệu quả, tính kịp thời của thông tin công bố.
Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư 68/2024/TT-BTC ngày 18/9/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán; bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán; hoạt động của công ty chứng khoán và công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.
Thông tư có những thay đổi, tháo được nút thắt cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường chứng khoán Việt Nam, tạo điều kiện nhiều hơn cho nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) có thể đặt lệnh mua cổ phiếu không cần đủ tiền; Công ty chứng khoán (CTCK) chịu trách nhiệm nếu NĐTNN không đủ tiền; Ngân hàng Lưu ký phải chịu trách nhiệm khi sai số dư; Đảm bảo thanh toán cho giao dịch của NĐTNN; hạn mức đặt lệnh không đủ tiền của NĐTNN; Công bố thông tin của CTCK và NĐTNN.
Theo đó, gỡ được nút thắt prefunding cho các NĐTNN cũng như tăng cường CBTT bằng Tiếng Anh từ các công ty niêm yết, công ty đại chúng quy mô lớn. Nhìn chung, trong năm 2024, VN-Index có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển hơn so với năm 2023. Tất cả những yếu tố trên đã thúc đẩy, phục hồi nền kinh tế, từ đó tạo cơ sở vững chắc để thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển.
Trong năm 2024 cũng đã có những tín hiệu tích cực hơn khi số lượng doanh nghiệp mới lên sàn HOSE có sự gia tăng so với năm 2023 và cũng là những doanh nghiệp chất lượng như ngân hàng hay trong ngành viễn thông, những tín hiệu này cho thấy điều gì thưa bà?
Bà Trần Anh Đào: Đến 31/10/2024, có 9 công ty niêm yết mới lên sàn HOSE với khối lượng 2,5 tỷ cổ phiếu tăng hơn 9 lần so với cả năm 2023. Trong đó, có một số doanh nghiệp lớn trong ngành như ngành bưu chính (VTP), Vận tải (QNP), ngoài ra các doanh nghiệp được phân bố ở nhiều lĩnh vực khác nhau như ngân hàng (NAB), tiêu dùng thiết yếu (GEE, MCM), năng lượng (HNA), chứng khoán (DSE, TCI, DSC).
Sự gia tăng số lượng doanh nghiệp mới, tạo điều kiện cho nhà đầu tư có thêm nhiều sự lựa chọn đầu tư. Đối với tổ chức niêm yết để duy trì vị thế của doanh nghiệp, bản thân công ty cần cải thiện chất lượng nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ hiệu quả hoạt động kinh doanh, dịch vụ, thực hiện tốt vấn đề quản trị công ty, minh bạch công bố thông tin và thu để duy trì vị thế của mình.
Luật chứng khoán sửa đổi cũng bổ sung các quy định làm gia tăng tính minh bạch đối với các nhà đầu tư và các doanh nghiệp. Bà có thể cho biết HOSE đã thực hiện những giải pháp như thế nào thúc đẩy các doanh nghiệp niêm yết ngày càng minh bạch hơn?
Bà Trần Anh Đào: Năm 2024 cho thấy sự chuyển biến tích cực trong việc chấp hành đúng quy định pháp luật về công bố thông tin của doanh nghiệp niêm yết. Trong năm 2023, có 175 công ty vi phạm và bị nhắc nhở 216 lần, thì từ đầu năm 2024 đến nay đã giảm còn 104 công ty vi phạm và bị nhắc nhở công khai 125 lần trên website HoSE.
HoSE cũng đã cùng với các cơ quan quản lý thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, nhằm nâng cao năng lực công bố thông tin của DNNY, đảm bảo tính công khai, minh bạch và bình đẳng trên TTCK như triển khai chính thức thực hiện báo cáo, công bố thông tin (CBTT) một đầu mối với UBCKNN.
Từ đầu năm 2024, UBCKNN đã triển khai các giải pháp công nghệ kết nối, trao đổi dữ liệu giữa UBCKNN và HoSE, nhằm thống nhất một đầu mối báo cáo, CBTT cho các tổ chức niêm yết. Từ tháng 8/2024, hệ thống CBTT một đầu mối qua HoSE đã triển khai thành công và HOSE đã tổ chức các đợt tập huấn phổ biến và hỗ trợ cho các doanh nghiệp qua nền tảng online. Việc này góp phần giảm thiểu thủ tục hành chính, giảm chi phí cho DNNY, tăng hiệu quả, tính kịp thời của thông tin công bố.
Chúng tôi cũng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện nghĩa vụ công ty đại chúng, hướng tới phát triển thị trường minh bạch, ổn định. Năm vừa qua, HoSE đã phát hiện và kịp thời báo cáo UBCKNN xử lý vi phạm theo thẩm quyền, đối với các hành vi như chậm CBTT, CBTT sai lệch, không đầy đủ, DNNY vi phạm quy định về Quản trị công ty (không đáp ứng về hoạt động, cơ cấu HĐQT/ Ban kiểm soát/ Ủy ban kiểm toán; báo cáo về giao dịch bên liên quan, thù lao người quản lý; trình tự/ thủ tục họp ĐHĐCĐ…). Các hành vi vi phạm không chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính, mà việc CBTT công khai còn ảnh hưởng tới chính hình ảnh, uy tín của DN, việc ra quyết định của nhà đầu tư trên TTCK.
Năm 2024, tổ chức xếp hạng tín nhiệm FTSE đã đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam và thị trường chứng khoán có khả năng được nâng hạng vào năm 2025. Vậy theo bà, các doanh nghiệp cần phải tiếp tục nâng cao các vấn đề gì để đón được dòng vốn nâng hạng này?
Bà Trần Anh Đào: Theo tôi, để sẵn sàng đón được dòng vốn ngoại khi TTCK được nâng hạng, các DNNY cần tập trung nâng cao chất lượng về công bố thông tin và quản trị doanh nghiệp tốt.
Về minh bạch thông tin, DNNY cần đảm bảo thông tin công bố là trung thực, khách quan, đầy đủ, kịp thời, có thể so sánh được, và quyền tiếp cận bình đẳng thông tin đối với nhà đầu tư nước ngoài. Minh bạch không chỉ đối với thông tin bắt buộc công bố mà còn phải chủ động cung cấp những thông tin cần thiết để bảo vệ quyền lợi cổ đông và duy trì lòng tin nhà đầu tư. Đồng thời, theo thông tư 68/2024/TT-BTC quy định về lộ trình CBTT bằng tiếng Anh đối với các công ty đại chúng thì DNNY phải CBTT định kỳ đồng thời bằng tiếng Anh kể từ 1/1/2025, CBTT bất thường đồng thời bằng tiếng Anh kể từ 1/1/2026.
Bên cạnh đó, DNNY cần chuẩn bị nguồn lực để áp dụng chuẩn mực IFRS theo đúng lộ trình của Bộ Tài chính, góp phần nâng cao tính minh bạch cũng như có thể so sánh được trên phạm vi quốc tế, từ đó huy động được nguồn vốn mang tính chất toàn cầu.
Còn về thực hành quản trị doanh nghiệp hướng đến phát triển bền vững, vượt trên tuân thủ, DN nên áp dụng các nguyên tắc quản trị công ty theo thông lệ tốt từ những thị trường phát triển, tích hợp các tiêu chí ESG vào hoạt động của mình. Những tiêu chuẩn này không chỉ giúp DN nâng cao hiệu quả kinh doanh mà còn góp phần bảo vệ môi trường và đóng góp cho xã hội, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và tiếp cận nguồn vốn từ nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài.
Bước sang năm 2025, HOSE trong vai trò và nhiệm vụ của mình, sẽ có những chiến lược phát triển như thế nào để góp phần thúc đẩy thị trường chứng khoán Việt Nam ngày càng phát huy vai trò là kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả cho nền kinh tế?
Bà Trần Anh Đào: Để hoàn thành các mục tiêu Chính phủ, Bộ Tài chính đề ra, HOSE cũng đưa ra chiến lược cụ thể để thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển trong năm 2025.
Thứ nhất là đảm bảo vận hành hệ thống công nghệ thông tin đảm bảo thông suốt, an toàn, hiệu quả đáp ứng được lộ trình về nâng hạng, lộ trình sắp xếp lại thị trường theo yêu cầu của cơ quan quản lý.
Thứ hai là đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động của Sở GDCK TP.HCM, để phục vụ các nhu cầu của thành viên thị trường và phù hợp với mục tiêu, định hướng của Bộ Tài chính về kế hoạch chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Thứ ba là tập trung nâng cao năng lực và chất lượng công tác giám sát, đảm bảo công khai, minh bạch cho thị trường, cũng như hỗ trợ các công ty niêm yết trong việc thực hiện công bố thông tin, minh bạch thông tin.
Thứ tư là nâng cao nhận thức và thực hành về môi trường (E), về xã hội (S) và quản trị công ty (G) các yếu tố ESG tại Sở GDCK TP.HCM và tại các thành viên thị trường, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Thứ năm là tiếp tục chuẩn hóa công tác quản trị nội bộ, nâng cao năng lực chuyên môn của các bộ phận nghiệp vụ, hướng đến tính hiệu quả, chuyên nghiệp.