Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam (LPBank) vừa có thông báo chào bán trái phiếu ra công chúng theo Giấy chứng nhận đăng ký chào bán trái phiếu ra công chúng số 303/GCN-UBCK do Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp ngày 31/12/2024.
Theo đó, LPBank dự kiến chào bán 2 lô trái phiếu. Thứ nhất là mã LPB7Y202403 với khối lượng 9 triệu trái phiếu, tương đương giá trị phát hành 900 tỷ đồng, kỳ hạn 7 năm, lãi suất được tính bằng lãi suất tham chiếu cộng với biên độ 2,35%/năm.
Mã trái phiếu thứ hai là LPB10Y202404 với khối lượng 1 triệu trái phiếu, tương đương giá trị phát hành 100 tỷ đồng, kỳ hạn 20 năm, lãi suất được tính bằng lãi suất tham chiếu cộng với biên độ 2,5%/năm.
Đây là các trái phiếu không chuyển đổi, không có bảo đảm, không kèm chứng quyền, là nợ thứ cấp và thỏa mãn các điều kiện để được tính vào vốn cấp 2 của tổ chức phát hành.
Thời gian đăng ký và nhận tiền mua trái phiếu từ ngày 3/9 đến 13/10/2025. Nhà đầu tư cá nhân đặt mua tối thiểu 200 trái phiếu, tương đương 20 triệu đồng. Nhà đầu tư tổ chức đặt mua tối thiểu 10.000 trái phiếu, tương đương 1 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 26/6, LPBank thông qua Nghị quyết số 1614/2025/NQ-HĐQT phê duyệt phương án chào bán và phương án sử dụng trái phiếu tăng vốn cấp 2 ra công chúng năm 2024 đợt 2.
Tại nghị quyết trên, LPBank đã phê duyệt phương án sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán cụ thể như sau:

Đến ngày 7/7, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có văn bản số 3187 về việc nhận được tài liệu báo cáo triển khai thực hiện chào bán trái phiếu ra công chúng đợt 2.
Cũng liên quan đến trái phiếu, ngày 30/6 vừa qua, LPBank đã chi hơn 1.318,7 tỷ đồng để tất toán sớm lô trái phiếu mã LPB123015. Trái phiếu này được phát hành ngày 30/6/2023, kỳ hạn 7 năm, giá trị phát hành 1.318,7 tỷ đồng.
Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không có bảo đảm, không kèm chúng quyền, là nợ thứ cấp và thỏa mãn các điều kiện để được tính vào vốn cấp 2 của LPB.
Về bức tranh kinh doanh, năm 2025, LPBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 14.868 tỷ đồng, tăng 22,2% so với năm 2024. Tổng tài sản dự kiến tăng 3,5% lên 525.890 tỷ đồng, trong đó tín dụng thị trường 1 tăng 15,8% lên gần 384.000 tỷ đồng. Tỷ lệ chia cổ tức dự kiến 20% bằng tiền mặt và 5 - 7% bằng cổ phiếu.
Trong quý I/2025, dù thu nhập lãi thuần giảm hơn 5% về còn 3.282 tỷ đồng, nhưng nhờ tiết giảm chi phí, LPBank vẫn lãi trước thuế 3.175 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ và hoàn thành tương ứng 21,3% kế hoạch năm.
Tổng thu nhập hoạt động (TOI) trong kỳ của LPBank đạt 4.688 tỷ đồng, tăng 4,7% so với cùng kỳ, trong khi đó chi phí hoạt động giảm 4,5%, về còn 1.314 tỷ đồng giúp cho lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh ngân hàng ghi nhận tăng 8,8%, lên 3.374 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, việc cắt giảm 7,6% chi phí dự phòng rủi ro từ 215 tỷ đồng về còn 198 tỷ đồng cũng góp phần giúp cho lợi nhuận trước thuế quý I của LPBank tăng 10% cùng kỳ năm trước.
Theo giải trình của ngân hàng, việc kiểm soát chất lượng tín dụng và tinh gọn tổ chức hướng tới hoạt động hiệu quả và đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện đã giúp cho chi phí dự phòng rủi ro tín dụng và chi phí hoạt động giảm so với cùng kỳ.
Đến cuối quý I/2025, tổng tài sản của LPBank ở mức 499.894 tỷ đồng, giảm nhẹ 1,7% so với đầu năm. Trong đó, tiền gửi và cho vay các tổ chức tín dụng khác ghi nhận giảm hơn 21% trong với thời điểm đầu năm, còn 70.032 tỷ đồng. Trong khi đó, cho vay khách hàng tăng 6,2%, đạt 352.194 tỷ đồng.
Tiền gửi khách hàng đạt 293.155 tỷ đồng, tăng 3,5% so với đầu năm, tỷ lệ CASA ở mức 6,9%, giảm so với mức 9,8% hồi đầu năm.
Về chất lượng cho vay, thuyết minh báo cáo tài chính cho thấy, tổng số nợ xấu nội bảng của ngân hàng hiện ở mức 6.087 tỷ đồng, tăng 17,1% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu/cho vay theo đó bị kéo từ 1,57% lên 1,73%