Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam: Báo chí phải đi đầu trong chuyển đổi số

Dương Trang | 22:37 20/06/2023

Các nhà báo luôn là những chiến sỹ dũng cảm trên tất cả các mặt trận, có thể kể đến như thiên tai bão lũ, những điểm nóng ở mọi nơi, mọi lúc và đặc biệt trong thời gian gần đây là những "chiến sỹ" báo chí giữa tâm dịch Covid-19… hành trình đó đầy gian nan vất vả nhưng tự hào.

Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam: Báo chí phải đi đầu trong chuyển đổi số
Ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam.

Nhân dịp kỷ niệm 98 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam đã có những chia sẻ với MarketTimes câu chuyện về nghề báo.

Thưa ông, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã từng dành lời động viên với lực lượng những người làm báo và khẳng định thời kỳ nào cũng vậy, các nhà báo luôn là những chiến sỹ dũng cảm trên tất cả các mặt trận để có thể thông tin kịp thời, chính xác đến công chúng. Ông đánh giá như thế nào về những đóng góp của báo chí trong thời đại hiện nay?

Ông Nguyễn Đức Lợi: Báo chí trong gần 100 năm qua luôn đồng hành cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Theo đó, báo chí là kênh thông tin truyền thông, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.

Báo chí tuyên truyền về đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước đến với nhân dân và đồng thời cũng phản ánh tâm tư nguyện vọng của nhân dân đến với các cơ quan của Đảng và Nhà nước. Báo chí phản ánh mọi mặt của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước.

Đồng thời, báo chí còn là kênh thông tin để truyền đạt những sự kiện của thế giới đến với Việt Nam và ngược lại của Việt Nam ra thế giới, truyền đạt những tri thức đến với nhân dân….

Như vậy, báo chí phải giữ vững tinh thần cách mạng, giữ gìn niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước, gắn kết đồng bào trong và ngoài nước, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc.

Báo chí là kênh thông tin chính thống, nhưng trước sự bùng nổ của kênh thông tin đa chiều hiện nay, nhà báo và các cơ quan báo chí phải đối mặt, cạnh tranh với các nền tảng thông tin xã hội khác. Vậy theo ông, đâu là những khó khăn và thuận lợi trong cuộc “đối mặt” này?

Ông Nguyễn Đức Lợi: Báo chí là kênh thông tin chính thống, hữu hiệu trong suốt chiều dài lịch sử của nó, nhưng hiện nay báo chí đang đứng trước khó khăn và sự cạnh tranh gay gắt với loại hình thông tin mới, đặc biệt là mạng xã hội.

Thông tin báo chí có nhiều lợi thế như mạng xã hội về tính nhanh nhạy và tính phổ biến. Tuy nhiên, mạng xã hội không cần đòi hỏi phân tích sâu, sự thẩm định tính chính xác của sự kiện trước khi đăng tải. Trong khi báo chí chính thống cần có thời gian thẩm định thông tin, thẩm định sự kiện, cần thận trọng trong việc đưa thông tin. Nên báo chí có sự cạnh tranh so với mạng xã hội về tính chất tức thời và tính phổ quát.

Bên cạnh đó, báo chí truyền thống còn gặp khó khăn về mặt kinh tế báo chí, bởi nguồn thu của báo chí dựa vào bán sản phẩm thông tin của mình và từ quảng cáo, hợp tác truyền thông. Tuy nhiên, nguồn thu này đang bị thu hẹp nhiều do sự cạnh tranh, sự thu hút quảng cáo từ mạng xã hội và từ nền tảng truyền thông khác, nên báo chí gặp rất nhiều khó khăn về tài chính. Đồng thời, hiện nay có sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo nên báo chí truyền thống gặp khó khăn về nguồn lực, nhân lực, nếu không tiếp nhận công nghệ mới thì rất khó có thể cạnh tranh được với các nền tảng mạng xã hội khác.

Những khó khăn và những vấn đề của báo chí gần đây không làm giảm đi vai trò của báo chí, mà chỉ nói lên một điều là báo chí cần đổi mới. Công nghệ số, internet và truyền thông xã hội là những cú huých mạnh mẽ để đổi mới báo chí. Sự đổi mới này sẽ chỉ làm tăng lên vai trò và sự đóng góp của báo chí cách mạng vào sự nghiệp xây dựng Việt Nam hùng cường và thịnh vượng.

Một trong những vấn đề nổi cộm hiện nay là đạo đức báo chí, vậy theo ông vấn đề đạo đức báo chí mà các nhà báo đang gặp phải là gì?

Ông Nguyễn Đức Lợi: Báo chí cũng có vấn đề, mặt trái của nó. Thời gian qua, có một số nhà báo, một số cơ quan báo chí vi phạm đạo đức nghề nghiệp, thậm chí vi phạm pháp luật, đây là thực trạng đáng buồn.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do khó khăn về nguồn thu vì đa phần các cơ quan báo chí hiện tự chủ tài chính, trong nhiều trường hợp họ tìm nguồn thu, tạo ra nguồn thu. Các nhà báo trong trường hợp như thế, họ thiếu sự quản lý, dễ sa vào hành vi lợi dụng nhà báo, lợi dụng cơ quan báo chí để thực hiện hành vi thiếu trong sáng như tống tiền, vòi vĩnh cơ sở, doanh nghiệp…

Có hiện tượng một số nhà báo thiếu sự tu dưỡng về nghề nghiệp, về đạo đức, về chính trị, có những tác phẩm báo chí chưa thật sự đúng với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, thậm chí có hiện tượng nhà báo sử dụng mạng xã hội có những dòng trạng thái có nội dung đi ngược đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Trước những hiện tượng này, Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành 10 quy định về đạo đức nghề nghiệp người làm báo và quy tắc ứng xử người làm báo trên mạng xã hội. Đặc biệt mới đây, Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin Truyền thông đã phát động xây dựng môi trường văn hoá trong các cơ quan báo chí để chấn chỉnh tình trạng này.

Thưa ông, ngày 21/6 năm nay chúng ta kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Nhân dịp này, ông có thông điệp gì gửi đến đội ngũ những người làm báo Việt Nam?

Ông Nguyễn Đức Lợi: Trên thế giới, họ coi nghề báo là một trong những nghề nguy hiểm nhất, ở Việt Nam nghề báo cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình tác nghiệp của mình. Chúng ta biết, có hiện tượng cơ quan chức năng né tránh các nhà báo, báo chí, nên việc cung cấp thông tin cho báo chí nhiều lúc nhiều nơi cũng không thực hiện được theo đúng quy định.

Gần đây có nhiều trường hợp các nhà báo tác nghiệp, một số cá nhân có hành vi đe doạ, tấn công, đập phá các phương tiện tác nghiệp. Đây là những trở ngại đối với nhà báo khi thực hiện nhiệm vụ cơ quan giao cho.

Ngoài ra, điều kiện hoạt động của nhà báo, của cơ quan báo chí hiện nay còn khá nhiều khó khăn, hạn chế chưa đáp ứng được nhu cầu để nhà báo hoạt động chuyên nghiệp, đáp ứng được yêu cầu mới của báo chí hiện đại.

Những khó khăn và những vấn đề của báo chí gần đây không làm giảm đi vai trò của báo chí, mà chỉ nói lên một điều là báo chí cần đổi mới. Công nghệ số, internet và truyền thông xã hội là những cú huých mạnh mẽ để đổi mới báo chí. Sự đổi mới này sẽ chỉ làm tăng lên vai trò và sự đóng góp của báo chí cách mạng vào sự nghiệp xây dựng Việt Nam hùng cường và thịnh vượng. Tự hào và phát huy truyền thống vẻ vang của Báo chí Cách mạng Việt Nam, tôi mong rằng, các nhà báo và các cơ quan báo chí tiếp tục khắc phục những khó khăn trở ngại để tiếp tục đóng góp vào sự nghiệp chung của Đảng, Nhà nước và nhân dân, xứng đáng với vai trò là chiến sỹ xung kích trên mặt trận tư tưởng văn hoá.

Các cơ quan báo chí phải hoạt động theo tôn chỉ, mục đích và bản sắc riêng của mình. Chỉ có như vậy thì bức tranh toàn cảnh của xã hội ta mới được phản ánh đầy đủ và sâu sắc. Bởi vậy, báo chí phải đi đầu trong chuyển đổi số, sử dụng công nghệ số để thay đổi cách làm báo, mô hình kinh tế báo chí.

Trân trọng cảm ơn ông!

Bài liên quan

(0) Bình luận
Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam: Báo chí phải đi đầu trong chuyển đổi số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO