Ngày 9/12, Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam (VCSF 2021) đã được tổ chức trong bối cảnh các thách thức an ninh phi truyền thống, biến đổi khí hậu, nhất là dịch Covid-19 tác động nặng nề tới phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam.
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận xét, những doanh nghiệp xây dựng được cho mình các mô hình quản trị theo hướng phát triển bền vững đã chứng tỏ được khả năng chống chịu cao hơn và kiên cường hơn so với các doanh nghiệp khác.
Thậm chí, không ít doanh nghiệp trong khó khăn vẫn tìm được cơ hội bứt phá, vươn lên, bảm đảm việc làm cho người lao động, mở rộng thị trường...
Việc áp dụng mô hình kinh doanh, quản trị bền vững chính là vaccine giúp doanh nghiệp tăng hệ thống miễn dịch trước những biến động. Khả năng chống chịu đang trở thành năng lực cạnh tranh cốt lõi của nền kinh tế và các doanh nghiệp.
Cũng theo ông Phạm Tấn Công, thách thức lớn nhất trong phát triển bền vững, "xanh hoá" doanh nghiệp là nhận thức, nguồn lực tài chính và công nghệ lạc hậu, năng suất thấp...
Để tăng sức chống chịu của nền kinh tế, Chủ tịch VCCI khuyến nghị các doanh nghiệp cần thay đổi tư duy kinh doanh, coi phát triển bền vững là con đường tất yếu, duy nhất giúp doanh nghiệp trụ vững.
“Phát triển bền vững là cơ hội tạo ra giá trị môi trường, giá trị xã hội cho doanh nghiệp với hàng trăm, hàng nghìn tỷ USD. Chẳng hạn, trong kinh tế tuần hoàn mỗi năm có hàng nghìn tỷ USD cơ hội thị trường, đi cùng là hàng triệu việc làm mới, hàng nghìn mô hình kinh doanh mới được tạo ra", ông Phạm Tấn Công nhấn mạnh.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, phát triển bền vững đã trở thành xu thế chung, không thể đảo ngược. Chính phủ Việt Nam đã lồng ghép các chỉ tiêu phát triển bền vững vào tất cả chiến lược phát triển kinh tế-xã hội. Kế hoạch hành động quốc gia về phát triển bền vững được tổng kết hàng năm để đánh giá những tiêu chí, công việc đã làm được, cũng như các thách thức đặt ra.
Việc hoàn thành hết 17 mục tiêu phát triển bền vững là thách thức rất lớn với tất cả các quốc gia, kể cả những nước phát triển nhất. Việt Nam là nước đang phát triển, còn nhiều khó khăn, nhưng đã mạnh dạn đưa ra những cam kết rất mạnh mẽ về phát triển bền vững.
Đến thời điểm này, Việt Nam hoàn thành 2 mục tiêu về giáo dục, tiêu dùng và sản xuất có trách nhiệm. Còn các chỉ tiêu khác đang trong quá trình thực hiện, trong đó chỉ tiêu về hạ tầng, tài nguyên đất liền, tài nguyên biển còn khoảng cách rất lớn.
Phó Thủ tướng nhắn nhủ, từ sự khởi xướng về mô hình kinh tế tuần hoàn, nhiều dự án rất cụ thể, các doanh nghiệp phát triển bền vững đã hình thành nhiều hoạt động quy mô lớn trong xã hội, thậm chí trở thành phong trào.
Tuy nhiên, không chỉ Chính phủ, doanh nghiệp, mà cộng đồng và từng người dân có vai trò quan trọng không kém trong thực hiện và hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững, cùng với đó là quyết tâm đẩy mạnh hợp tác công-tư với là nòng cốt là cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp phát triển bền vững.
“Đại dịch Covid-19 đã thay đổi rất nhiều điều trên thế giới. Trong 2 năm diễn ra đại dịch Covid-19, từng quốc gia, từng cộng đồng, từng doanh nghiệp đã rút ra rất nhiều bài học, về những sự thay đổi cần thiết để thích ứng trước các đại dịch.
Mỗi quốc gia, cộng đồng, doanh nghiệp, từng cá nhân phải nhận thức rõ hơn trách nhiệm đối với bản thân, giữ gìn cho người thân, cộng đồng, nhất là trách nhiệm toàn cầu, khi không một quốc gia nào tự chống được dịch bệnh lây nhiễm, cũng như các vấn đề an ninh phi truyền thống, biến đổi khí hậu trong tương lai.
Trong đại dịch, ở Việt Nam cũng như các nước cho thấy, từng người, từng doanh nghiệp có tiết kiệm, có tích luỹ, trên phạm vi thế giới là tiết kiệm các nguồn lực, nguồn tài nguyên hữu hạn, thì chúng ta sẽ thích ứng được với tương lai.
Những lúc khó khăn nhất trong đại dịch cần có tinh thần lạc quan, nhìn vào khía cạnh tích cực của vấn đề bên cạnh nghiêm khắc nhìn nhận những nguyên nhân. Ví dụ như trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội ở nhiều nước trên thế giới đã làm giảm ô nhiễm không khí. Đại dịch cũng thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn, tự nhiên hơn.
Ngược lại, tình hình biến chuyển tốt chúng ta cũng không thể quên rằng trong tương lai có thể xuất hiện nhiều đại dịch khác, thậm chí xảy ra cùng lúc với nhiều yếu tố an ninh phi truyền thống, thiên tai do biến đổi khí hậu.
“Những doanh nghiệp theo đuổi triết lý phát triển bền vững đã đứng vững, giúp được cộng đồng, người lao động. Tất cả cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, trong đó 97% có quy mô vừa và nhỏ, cần cùng nhau xây dựng cồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững. Đừng coi đây chỉ là ‘sân chơi’ của các doanh nghiệp lớn, mà là của tất cả các doanh nghiệp và tất cả mọi người”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.