Tháo gỡ vướng mắc về thuế và hải quan cho doanh nghiệp

Hoàng Đàn | 18:30 08/12/2021

Ngày 8/12 tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức hội nghị đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế - hải quan 2021.

Tháo gỡ vướng mắc về thuế và hải quan cho doanh nghiệp
Hội nghị Đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan năm 2021 có sự tham gia của hơn 600 doanh nghiệp tại 9 điểm cầu trên cả nước.

Lắng nghe để tiếp tục cải cách

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI cho biết, trong những năm qua ngành thuế, hải quan đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tự động hóa một số quy trình thủ tục và đổi mới tư duy, phong cách làm việc ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại nhằm tạo sự an tâm cho doanh nghiệp.

Qua theo dõi việc đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với các cơ chế, chính sách được Nhà nước ban hành, VCCI đã thu thập thông tin, ý kiến góp ý của các doanh nghiệp bằng nhiều kênh khác nhau.

Hội nghị đối thoại về chính sách và cải cách thủ tục hành chính thuế và hải quan 2021 ghi nhận nhiều kiến nghị của doanh nghiệp về một số thay đổi trong các văn bản luật, nghị định hướng dẫn việc áp mã số, mã vạch hàng quá cảnh các mức thuế phí, quy trình hoàn thuế phí và các đề xuất sửa đổi cụ thể.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai phát biểu, hội nghị đối thoại chính sách thuế và hải quan được tổ chức trong nhiều năm nay thể hiện mối quan tâm chung và quyết tâm của Bộ Tài chính trong việc cải cách, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp khắc phục những khó khăn, vướng mắc, chia sẻ những bước tiến mới trong cải cách thủ tục hành chính của ngành thuế và hải quan.

Đây cũng là dịp để Bộ Tài chính và các cơ quan chức năng trực tiếp tiếp nhận những ý kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp, qua đó tiếp tục có những điều chỉnh các thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài chính thuế và hải quan; đồng thời, có giải pháp giảm gánh nặng cho doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh.

Cũng theo Thứ trưởng Vũ Thị Mai, thời gian qua, Bộ Tài chính đã đề xuất các chính sách, giải pháp về thuế phí, lệ phí, tiền thuê đất với giá trị ước tính 118 nghìn tỷ đồng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn trước tác động của dịch Covid – 19.

Bộ Tài chính đã trình cấp có thẩm quyền ban hành và tiếp tục thực hiện một số giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất với giá trị hỗ trợ ước tính khoảng 118 nghìn tỷ đồng. Trong đó, số tiền thuế (gồm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân) và tiền thuê đất được gia hạn khoảng 115 nghìn tỷ đồng; số tiền thuế (gồm thuế bảo vệ môi trường, thuế nhập khẩu), phí, lệ phí được miễn, giảm khoảng 3.000 tỷ đồng.

Trong thời gian tới ngành thuế cũng tiếp tục mở rộng phạm vi triển khai hệ thống thuế điện tử với các dịch vụ khai thuế, nộp thuế điện tử hóa đơn điện tử với 99,6% tổng số doanh nghiệp tham gia khai thuế điện tử, 98,9% nạp thuế điện tử, 97,6% hoàn thuế điện tử.

Với ngành Hải quan, thời gian tới Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN quản lý giám sát đảm bảo vận hành hệ thống thông quan tự động và các hệ thống công nghệ thông tin, tập trung an toàn bảo mật với đường truyền thông suốt.

Quan trọng nhất là việc này sẽ góp phần làm cho việc thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu theo hướng ngày càng hiện đại, đơn giản, thuận lợi giúp tiết kiệm chi phí cho người dân, doanh nghiệp.

Chính sách phải đúng và trúng

Góp ý cho việc cải cách chính sách thuế, Chuyên gia tài chính Phan Lê Thành Long cho rằng, việc cải tổ chính sách thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp cần đúng và trúng và chỉ những doanh nghiệp gặp vấn đề, yếu kém thì mới cần hỗ trợ về chính sách thuế và phí.

Những doanh nghiệp được ưu đãi thuế dựa trên lợi nhuận như trong năm 2021 được miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, nghĩa là hướng tới những doanh nghiệp làm ăn tốt, có lợi nhuận. Như vậy, mục tiêu hỗ trợ hoàn toàn bị chệch, trong khi các doanh nghiệp khó khăn, bị ảnh hưởng trực tiếp bởi đại dịch Covid-19 lại không được thụ hưởng ưu đãi từ chính sách.

Phan Lê Thành Long nhấn mạnh, như giai đoạn vừa qua, hàng nghìn xe taxi phải “đắp chiếu” nhưng phí cầu đường vẫn phải nộp. Kể cả hết giãn cách, hoạt động của doanh nghiệp cũng chỉ đạt 20-30% công suất, nhưng về bản chất, phí cầu đường là để sửa đường, duy tu, bảo dưỡng đường, trong khi xe không chạy mà vẫn phải đóng phí sẽ làm tăng gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp.

“Những chính sách này chỉ nên áp dụng trong giai đoạn ngắn hạn, vì xét về dài hạn, thuế phải dựa trên giá trị gia tăng, muốn có giá trị thặng dư thì phải tạo ra kết quả, hiệu quả kinh doanh và lợi nhuận. Khi đó, doanh nghiệp đóng thuế dựa trên lợi nhuận mới là hợp lý, còn giai đoạn ngắn hạn này, Chính phủ có thể xem xét các chính sách ưu đãi phù hợp để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp…”, ông Phan Lê Thành Long góp ý.

Giải đáp nhiều thắc mắc của doanh nghiệp

Đại diện Tổng công ty đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC đặt câu hỏi về quy định nộp 75% Thuế thu nhập doanh nghiệp và lợi nhuận sau thuế theo quyết toán năm, trước thời điểm trước ngày 31/10 hàng năm theo quy định tại khoản 6 Điều 8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP về việc quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế.

Ông Vũ Xuân Bách, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, hiện tại, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như giãn nợ thuế, tạm thời chưa quy định xử phạt trong trường hợp tạm nộp thấp hơn 75%... Thời gian tới, Bộ Tài chính cũng sẽ có đề xuất Chính phủ đề nghị sửa đổi Nghị định này.

Nhiều doanh nghiệp đặt câu hỏi về việc Chính phủ có chính sách hỗ trợ về thuế giá trị gia tăng đối với doanh nghiệp chịu tác động của dịch bệnh Covid-19.

Cụ thể là giảm 30% mức thuế suất giá trị gia tăng (đối với mặt hàng dịch vụ, ăn uống...) trong thời gian từ 1/11/2021-31/12/2021, nhưng nhiều đơn vị bán hàng, cung cấp dịch vụ chưa cập nhật hệ thống phần mềm, vẫn phát hành hóa đơn giá trị gia tăng 10%.

Trả lời vấn đề này ông Vũ Xuân Bách cho biết, Tổng cục Thuế đã có văn bản chỉ đạo Tổng cục Thuế kiểm tra, giám sát cơ quan Thuế các cấp triển khai thực hiện trên địa bàn. Lãnh đạo Tổng cục Thuế yêu cầu cục Thuế các địa phương khẩn trương kiểm tra, rà soát tránh tình trạng Nhà nước đã ban hành chính sách ưu đãi mà người dân lại không được thụ hưởng... Đối với doanh nghiệp chưa cập nhật, trường hợp xuất hóa đơn chưa đúng thì phải điều chỉnh, yêu cầu các cục thuế kiểm tra ngay, nếu đã bán thì phải trả lại 30% cho người tiêu dùng.

Đại diện Công ty Hyundai Aluminum Vina thắc mắc về chính sách thuế nhập khẩu và giá trị gia tăng đã và đang có những hướng dẫn không đồng nhất của Hải quan gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp dự tính lên tới 41,8 tỷ đồng.

Cụ thể, năm 2016, doanh nghiệp ký hợp đồng thầu phụ với Samsung C&T để thực hiện gói thầu thi công tường nhà xưởng cho Samsung Display Bắc Ninh. Theo hợp đồng hàng hóa nhập khẩu cho công trình không gồm thuế nhập khẩu và giá trị gia tăng. Đồng thời, theo công văn hướng dẫn của Bộ Tài chính, hàng hóa mà doanh nghiệp nhập khẩu trong năm 2016-2017 không thuộc đối tượng chịu thuế nhập khẩu và giá trị gia tăng.

Tuy nhiên, sau 4 năm, Tổng cục Hải quan lại liên tục có chỉ thị khác nhau như ngày 28/7/2021, quy định hàng nhập khẩu đưa thẳng vào Samsung Display Bắc Ninh để xây dựng văn phòng Samsung Display Bắc Ninh thuộc đối tượng không chịu thuế nhập khẩu nhưng phải kê khai nộp thuế giá trị gia tăng tại khâu nhập khẩu.

Ngày 5/8/2021, đơn vị này lại có công văn cho rằng doanh nghiệp phải nộp cả thuế nhập khẩu và giá trị gia tăng, dẫn đến doanh nghiệp phải chịu thiệt hại dự tính về thuế nhập khẩu khoảng 11,4 tỷ, thuế giá trị gia tăng 9,1 tỷ, tiền chậm nộp và tiền phạt là 21,3 tỷ đồng.

Từ thực trạng đã nêu, để tránh cho doanh nghiệp phải chịu tổn thất nặng nề vì lỗi của chính sách thuế và hướng dẫn không đồng nhất của cơ quan Hải quan, Công ty Hyundai Aluminum Vina đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo các đơn vị giải quyết theo hướng dẫn của Bộ Tài chính có hiệu lực tại thời điểm nhập khẩu (Công văn 12366/BTC-TCHQ ngày 17/9/2013).

Cũng liên quan đến chính sách thuế nhập khẩu, Công ty CP Dược phẩm Imexpharm cũng có kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan quản lý Tài chính, Hải quan rà soát để điều chỉnh chính sách thuế cho các nguyên liệu trong nước chưa thể sản xuất được, (nguyên liệu mà doanh nghiệp bắt buộc phải nhập khẩu để sản xuất) nhằm hỗ trợ thành phẩm sản xuất trong nước có thể cạnh tranh tốt hơn với thành phẩm nhập khẩu.

Theo Công ty CP Dược phẩm Imexpharm, chính sách thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu, bao bì trong sản xuất thuốc (ví dụ Amoxicillin, Ampixicillin,…) còn một số điểm chưa hợp lý khi mức thuế áp cho nhập khẩu các nguyên liệu này cao hơn mức thuế nhập khẩu thành phẩm, trong khi doanh nghiệp bắt buộc phải nhập khẩu nguyên liệu do trong nước hiện không có đơn vị cung cấp nguyên liệu này.

Đại diện mexpharm cho rằng, giá thành phẩm sản xuất trong nước khó thể cạnh tranh với giá thành phẩm nhập khẩu khi chính sách thuế nhập khẩu nguyên liệu và thành phẩm chưa cân xứng.


(0) Bình luận
Tháo gỡ vướng mắc về thuế và hải quan cho doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO