TikTok Shop đang trở thành thế lực mới trên thị trường TMĐT khi tiến sát đến mức doanh thu của Lazada, vượt qua Tiki và Sendo. Theo dữ liệu từ nền tảng Metric, trong Quý I/2023, TikTok Shop ghi nhận doanh thu 6.000 tỷ đồng - tương đương 15,5% thị phần. Số lượng sản phẩm đã được bán trên nền tảng này đạt 42,1 triệu đơn vị sản phẩm.
Với các chính sách gia nhập hấp dẫn, phí giao dịch cạnh tranh so với các sàn TMĐT khác nên TikTok Shop trở thành sân chơi thu hút nhiều nhà bán hàng tham gia. Theo Metric, đã có hơn 68.000 shop có lượt bán hàng trong ba tháng đầu năm nay.
Tuy nhiên, không phải ai cũng ngay lập tức bán được hàng nghìn đơn hàng trên nền tảng này. Chia sẻ trong Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam 2023, Duy Muối – nhà sáng lập, giám đốc điều hành DC Media, đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn, đào tạo KOC, KOL trên nền tảng TikTok cho biết, đa số các doanh nghiệp dịch chuyển sang TikTok đang có sự nhầm lẫn với các nền tảng mạng xã hội cũ như Facebook. Như thói quen, doanh nghiệp thường sản xuất và đăng tải các video rất đẹp nhưng lại không “đánh” vào yếu tố cảm xúc để người xem có thể chuyển đổi sang mua hàng.
“Ông bầu” của hàng loạt TikToker “triệu view” cũng tiết lộ một số bí quyết để xây dựng TikTok Shop hiệu quả trong giai đoạn hiện tại. Theo Duy Muối, hiện TikTok đang ưu tiên đến đối tượng người lớn tuổi. Trước đây, TikTok tiếp cận thị trường bằng việc hướng đến nhóm đối tượng trong khoảng 13-16 tuổi, sau đó là 20-25 tuổi. Tuy nhiên giờ đây, các nội dung dành cho người lớn tuổi được ưu tiên. Ngoài ra, những ideo có nội dung dài đến 10 phút vẫn có thể thu hút hàng triệu lượt xem, nền tảng TikTok không chỉ ưu tiên video ngắn như trước.
Nhà sáng lập DC Media cho biết trong khoảng một năm qua, tất cả các kênh TikTok mà đơn vị này triển khai đều là những kênh hướng đến đối tượng người lớn tuổi hoặc do người lớn tuổi thực hiện, ví dụ như kênh Ông chú Polo (hiện đã có 1,5 triệu đăng ký). Hay kênh Cô Thơ nông sản, dù chỉ mới bắt đầu học cách làm TikTok từ tháng 12/2022 nhưng hiện đã nằm trong Top10 nền tảng có GMV qua livestream và video cao nhất.
Do đó, nếu doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông sản hoặc các lĩnh vực mang tính chuyên môn, nên sử dụng hình ảnh của người cao tuổi (trên 50 tuổi).
Bên cạnh đó, theo ông Lê Thanh Bình – Quản lý phát triển đối tác TikTok Shop, khi mới chuyển đổi lên TikTok Shop, doanh nghiệp nên chọn bán những sản phẩm “phễu”, giá tốt và có nhu cầu tốt, từ đó dễ dàng hơn trong việc xây dựng, sáng tạo nội dung.
“Các doanh nghiệp có thể cho người trong công ty học để tự làm video hoặc có thể thuê một đơn vị bên ngoài và tin tưởng tuyệt đối vào các bạn ấy. Tin tưởng tuyệt đối ở đây không phải là nhắm mắt đưa tay mà có nghĩa là với những agency mà TikTok đã thẩm định, doanh nghiệp hãy trao quyền cho để họ sáng tạo. Bởi khi chuyển sang một nền tảng mới, đó là những người hiểu nền tảng nhất.
Khi được trao quyền, các bạn KOC sáng tạo nội dung rất tốt, rất ít trường hợp flop. Đa phần những trường hợp flop là bởi các bạn ấy bị sửa quá nhiều. Do đó, nếu có một chiến lược rõ ràng, trao quyền cho các agency, KOC thì quá trình chuyển đổi sẽ thuận lợi hơn”, ông Lê Thanh Bình nhận định.
Tuy nhiên, việc doanh nghiệp dùng vài triệu đến hàng chục triệu đồng để thuê các “chiến thần” livestream bán hàng, bán ra hàng nghìn đơn hàng mỗi lần phát sóng chỉ là các chiến dịch có tác động ngắn hạn. Duy Muối – nhà sáng lập DC Media cho rằng, về dài hạn, TikTok sẽ hướng về việc trong mỗi doanh nghiệp có sở hữu bao nhiêu KOC “ruột”, thân thiết thì mới đi được đường dài. Ngay tại DC Media, trong 3 năm vừa qua, đơn vị này liên tục chiêu mộ các bạn trẻ có tiềm năng, đầu tư trang thiết bị để các bạn có đủ điều kiện sáng tạo nội dung. Những bạn trẻ này sau đó có thể livestream và mang về doanh thu tốt cho các nhãn hàng. Dẫu vậy, để đi đường dài, doanh nghiệp nên cân nhắc việc sử dụng KOC “của nhà trồng được” - những người thực sự hiểu và có kiến thức về sản phẩm.
Một điểm khác cần chú ý, trong thời điểm hiện tại, những chiến dịch đơn lẻ chỉ gồm duy nhất một video. Hiện rất khó để đăng một video có thể lên xu hướng ngay lập tức. Thay vào đó, nên thực hiện một chiến dịch bao gồm 2-3 video. Cụ thể, video đầu tiên chỉ đơn thuần giới thiệu sản phẩm, video thứ hai thiên về trải nghiệm sản phẩm, video cuối cùng giải quyết các vấn đề khiếu nại hoặc up-sale. Công thức này đang được DC Media thực hiện hiệu quả, mà đơn cử là chiến dịch với kênh TikTok của Ông Giáo Review (1,5 triệu người đăng ký).
Trong một chiến dịch hợp tác với nhãn hàng bán vali, TikToker này đã sản xuất một chuỗi 3 video. Video đầu tiên giới thiệu sản phẩm, đã thu hút 6 triệu lượt xem. Video thứ hai phỏng vấn người tiêu dùng, video cuối cùng giải đáp thắc mắc sau bán hàng. Theo Duy Muối, chiến dịch này đã mang về cho doanh nghiệp gần 5 tỷ đồng doanh thu.
Hiện các video của những kênh TikTok do DC Media "đỡ đầu", gắn hashtag #dcgr đã có tổng cộng 92,7 tỷ lượt xem.