Theo Xinhua, Campuchia đã xuất khẩu 139.220 tấn cao su khô trong nửa đầu năm 2023, tăng 2,72% so với 135.537 tấn cùng kỳ năm ngoái, báo cáo từ Tổng cục Cao su cho biết hôm thứ Tư.
Quốc gia này đã kiếm được 187 triệu USD doanh thu từ xuất khẩu mặt hàng này trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 6 năm nay, giảm 13,5% so với 216,3 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái, báo cáo cho biết.
"Một tấn cao su khô trung bình có giá 1.344 USD trong nửa đầu năm 2023, thấp hơn khoảng 252 USD so với cùng kỳ năm ngoái", Him Oun, Tổng cục trưởng Tổng cục Cao su Campuchia, cho biết trong báo cáo.
Quốc gia Đông Nam Á xuất khẩu mặt hàng này chủ yếu sang Malaysia, Việt Nam, Singapore và Trung Quốc.
Báo cáo cho biết Campuchia cho đến nay đã trồng cây cao su với tổng diện tích 404.578 ha, trong đó 315.332 ha, tương đương 78%, đã đủ tuổi để khai thác.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, theo ước tính, xuất khẩu cao su của Việt Nam trong tháng 6/2023 đạt khoảng 180 nghìn tấn, trị giá 239 triệu USD, tăng 53,7% về lượng và tăng 51% về trị giá so với tháng 5/2023, nhưng so với tháng 6/2022 giảm 4,2% về lượng và giảm 23% về trị giá.
Giá xuất khẩu cao su bình quân ở mức 1.327 USD/tấn, giảm 1,8% so với tháng 5/2023 và giảm 19,6% so với tháng 6/2022. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cao su đạt khoảng 766 nghìn tấn, trị giá 1,05 tỷ USD, giảm 2,6% về lượng và giảm 22,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Trong 5 tháng đầu năm 2023, các chủng loại cao su xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (HS 400280), SVR 10, SVR 3L, RSS3, Latex, SVR CV60, SVR 20...
Trong đó, hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (HS 400280) vẫn là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất, chiếm 66,93% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, với 392,45 nghìn tấn, trị giá 538,65 triệu USD, tăng 11,5% về lượng, nhưng giảm 11,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tới 99,82% tổng lượng hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp xuất khẩu, với 391,74 nghìn tấn, trị giá 357,1 triệu USD, tăng 11,7% về lượng, nhưng giảm 11,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Tại thị trường trong nước, trong tháng 6/2023, giá mủ cao su nguyên liệu trong nước biến động nhẹ, giá có xu hướng giảm trong mấy phiên gần cuối tháng, dao động quanh mức 220-277 đồng/TSC.
Tại Bình Phước giá mủ cao su nguyên liệu được Công ty cao su Phú Riềng thu mua ở mức từ 257 - 277 đồng/TSC, giảm 3 đồng/TSC so với cuối tháng trước. Tại Bình Dương, giá thu mua mủ cao su nguyên liệu của Công ty cao su Phước Hòa dao động ở mức 268-270 đồng/TSC, giảm 10 đồng/TSC so với cuối tháng trước. Giá mủ cao su tại Gia Lai được Công ty cao su Mang Yang thu mua với giá 220-230 đồng/TSC, giảm 5 đồng/TSC so với cuối tháng 5/2023.
Theo đánh giá của Tập đoàn Cao su Việt Nam, mặc dù Trung Quốc đã mở cửa nhưng sức tiêu thụ vẫn chậm. Các sản phẩm cao su đa phần đều phục vụ cho tiêu dùng, chỉ một ít dùng cho sản xuất lốp xe tải.
Với tình hình kinh tế thế giới hiện tại, lạm phát cao, khiến người dân thắt chặt tiêu dùng, dẫn đến nhu cầu về cao su vẫn không thể cao. Sức tiêu thụ còn yếu, dự báo từ nay đến cuối năm 2023, giá cao su xuất khẩu sẽ khó có thể phục hồi. Tập đoàn Cao su Việt Nam kỳ vọng từ năm 2024 trở đi sẽ ổn định hơn, nhu cầu cũng như giá cả cao su sẽ đi lên.
Theo các chuyên gia trong ngành, nhu cầu cao su tự nhiên của thế giới vẫn trong xu hướng tăng và sự chênh lệch cung thấp hơn cầu là cơ hội lớn để Việt Nam gia tăng sản lượng cao su tự nhiên, tăng kim ngạch xuất khẩu.