Trong giới nhà đất ở Trung Quốc, có một người phụ nữ được mệnh danh là "Nữ hoàng BĐS" khi thành công gây dựng đế chế BĐS tiền tỷ. Bằng sự nhạy bén, thông minh và tỉ mỉ trong kinh doanh của mình, bà đã đưa 1 công ty nhỏ trở thành tập đoàn nức tiếng được mệnh danh là "con rồng bất động sản", khiến các đối thủ khác dè chừng. Người phụ nữ đó chính là Ngô Á Quân.
Lộ trình thay đổi
Ngô Á Quân sinh năm 1964 tại Hợp Xuyên, Trùng Khánh trong một gia đình vốn không mấy khá giả. Ngày bé, bà từng có mơ ước trở thành một nhà khoa học nổi tiếng để giúp gia đình thoát nghèo, một phần khác cũng là để thỏa mãn đam mê tìm tòi khám phá của bản thân.
Để đạt được mục tiêu của mình, Ngô Á Quân luôn chăm ngoan học giỏi. Nhờ có thành tích xuất sắc, bà trúng tuyển vào chuyên ngành khoa học của một trường đại học nổi tiếng ở Trung Quốc là Đại học Bách khoa Tây Bắc. Cứ ngỡ đây là bước tiến quan trọng trên con đường tiến tới ước mơ trở thành "Marie Curie của Trung Quốc" của bà, thế nhưng sau đó, Ngô Á Quân đã thay đổi lộ trình.
Năm 1984, sau khi tốt nghiệp đại học, Ngô Á Quân được điều về làm kỹ thuật viên tại một nhà máy sản xuất dụng cụ tại Trùng Khánh. Với tài năng vượt trội, bà được bổ nhiệm vào vị trí giáo viên đào tạo bộ phận kỹ thuật với mức lương hàng tháng là 100 NDT, gấp 3 lần lương của một kỹ thuật viên bình thường thời điểm đó.
Tuy nhiên, phong cách làm việc ổn định của doanh nghiệp nhà nước nhanh chóng khiến Ngô Á Quân mất đi niềm hứng khởi và cho rằng công việc này quá an nhàn và không có nhiều thử thách. Vì vậy, năm 1988, bất chấp sự phản đối của gia đình, bà quyết tâm nghỉ việc và trở thành phóng viên của báo Thành Thị Trung Quốc.
Từ đây, Trương Á Quân mở rộng được mối quan hệ và nắm bắt được xu hướng phát triển ở Trùng Khánh. Năm 1992, Á Quân gặp chồng bà là Thái Khuê theo lời giới thiệu của một người bạn và nhanh chóng kết hôn ngay sau đó. Làm việc được 5 năm trong lĩnh vực này, Ngô Á Quân lại từ chức.
Tay mơ khởi nghiệp và thành công
Tại thời điểm đó, Trung Quốc đang đẩy mạnh phát triển kinh tế thương mại, hưởng ứng lời kêu gọi của nhà nước, bà dấn thân vào kinh doanh làm ăn bằng việc bán đồ nội thất và vật liệu xây dựng. Sau 2 năm khởi nghiệp, khi doanh nghiệp của Ngô Á Quân dần có chỗ đứng và danh tiếng nhất định trên thị trường, bà bắt đầu gia nhập ngành bất động sản.
Khi đã nắm cổ phần trong Công ty TNHH Bất động sản Trùng Khánh Trung Kiến Hòa, bà đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực này. Chỉ vài năm sau đó, bà được chọn làm người đứng đầu công ty nhờ tài năng xuất chúng. Từ đây, công ty Trung Kiến Hòa cũng được đổi tên thành Longfor Group Holdings. Chồng bà cũng gác lại công việc để cùng vợ xây dựng đế chế BĐS và trở thành phó chủ tịch của tập đoàn Longfor sau đó.
Năm 1995, dự án đầu tiên mang tên Nam Uyển với khu dân cư với diện tích xây dựng hơn 200.000m2 của Ngô Á Quân gây được tiếng vang lớn, nhanh chóng trở thành một chuẩn mực trên thị trường bất động sản của Trùng Khánh.
Năm 1999, dự án Tây Uyển được khởi động với mô hình bao vây kiểu bàn cờ và cảnh quan kiểu mẫu của thị trường bất động sản Trùng Khánh và nhanh chóng trở thành một "món hàng’’ được săn đón ngay khi mới xuất hiện trên thị trường. Để mua được nhà, nhiều người dân thậm chí đã chờ đợi và "săn nhà" cả đêm.
Dự án này "hot" đến mức, nhiều nhà kinh doanh bất động sản bấy giờ đã dùng cụm từ "nhà bán nhanh hơn rau" để miêu tả. Cũng từ đây, Longfor tạo được danh tiếng và có chỗ đứng vững chắc trong ngành.
Dự án được triển khai thành công như vậy là do Ngô Á Quân không chỉ coi trọng việc xây dựng mà bà còn rất quan tâm đến dịch vụ bất động sản. Bà nghiên cứu và xem xét đến nhu cầu của khách hàng từ mọi khía cạnh như cảnh quan, cách bài trí và lắp đặt thiết bị và các dịch vụ tiện ích trong khu vực. Cũng từ sự tỉ mỉ này, Longfor nắm được thị hiếu của khách hàng và đưa ra những mô hình kinh doanh độc đáo và thu hút giới đầu tư.
Thậm chí, tiếng đồn của Longfor lan rộng đến Tống Vệ Bình - người được mệnh danh là "Bố già" của ngành bất động sản Trung Quốc. Ông đích thân bay đến Trùng Khánh để tìm hiểu mô hình kinh doanh của người phụ nữ đang khiến giới BĐS khi đó tăng nhiệt.
Tới nơi, Tống Vệ Bình bị bất ngờ bởi mô hình bất động sản mà Ngô Á Quân tiên phong đi đầu. Thậm chí, ông còn kêu gọi các giám đốc điều hành, quản lý dự án và nhà thiết kế của Greentown đến Trùng Khánh học hỏi Longfor. Điều này cũng đủ để thấy Ngô Á Quân tài năng đến cỡ nào.
Dưới sự lãnh đạo của bà, Longfor Group đã phát triển nhanh chóng với doanh thu vượt quá 2 tỷ NDT vào năm 2005 và trở thành công ty bất động sản lớn nhất ở Trùng Khánh. Cùng năm đó, tập đoàn này mở rộng ra các thành phố như Thành Đô và Bắc Kinh. Năm 2009, Longfor Group được niêm yết tại thị trường Hong Kong, khối tài sản của Ngô Á Quân đã tăng vọt lên 27,3 tỷ NDT, vượt qua Dương Huệ Nghiên để trở thành người phụ nữ giàu nhất Trung Quốc.
Đánh đổi cả gia đình vì sự nghiệp
Sau năm 2009, ngành bất động sản của Trung Quốc bước vào thập kỷ hoàng kim, đây cũng là thời kỳ Longfor phát triển thần tốc nhất. Tuy nhiên, khi sự nghiệp đang ở đỉnh cao thì cuộc sống của vợ chồng Ngô Á Quân cũng không còn yên ấm như trước khi nảy sinh nhiều mâu thuẫn khó hòa giải.
Theo Ngô Á Quân, phương thức "gia đình trị" truyền thống sẽ khiến doanh nghiệp khó phát triển vượt bậc và thu hút được các nhân tài. Vì thế mà bà đề nghị đưa em gái của chồng ra nước ngoài du học, mọi chi phí sẽ được bà chi trả toàn bộ với điều kiện không được quay trở lại công ty. Điều này khiến chồng bà tức giận, trước đó vì thuận theo ý vợ mà ông cũng đã từ chức.
Khi không còn tìm thấy tiếng nói chung trong công việc và cuộc sống, năm 2012, Ngô Á Quân tuyên bố ly hôn và hào phóng chia khối tài sản lên tới 20 tỷ NDT cho chồng cũ. Chồng bà sau đó có công việc kinh doanh riêng và cuộc sống mới. Ông lựa chọn sống cuộc sống yên bình tránh xa sự soi mói của báo đài.
Về phía Ngô Á Quân, bà không tiến thêm bước nữa mà một lòng chú tâm vào sự nghiệp và nuôi dưỡng con cái. Longfor dưới quyền điều hành của bà phát triển rực rỡ với giá trị lợi nhuận năm 2019 tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2012.
Vào ngày 22 tháng 2 năm 2021, Ngô Á Quân được bình chọn là Nữ doanh nhân nổi bật của Forbes 2021 tại Trung Quốc, với tổng số tiền quyên góp từ thiện là 142,5 triệu NDT, đứng thứ 32 trong "Danh sách từ thiện của Forbes Trung Quốc năm 2021. Tháng 11 năm 2021, bà được chọn vào "Danh sách những phụ nữ có ảnh hưởng nhất trong kinh doanh của Trung Quốc" do tạp chí Fortune Chinese.com công bố.
Bà cống hiến hết mình cho Longfor đến tháng 10 năm 2022 thì từ chức giám đốc điều hành công ty, chủ tịch hội đồng quản trị tập đoàn vì lý do sức khỏe và tuổi tác.
(Nguồn: 163.com, sohu)