Nữ Giám đốc đầu tư mạo hiểm: Sức bền của “ngựa đường dài” và thách thức từ định kiến “Nam giới ngại tìm hiểu yêu đương với người như tôi”

Bài: Hoàng Thị Kim Dung. Thiết kế: Hải An | 07:40 08/03/2023

Nữ giới có lợi thế “đặc biệt” để thành công trong ngành đầu tư mạo hiểm, nhưng đường tới vinh quang không trải đầy hoa hồng.

Nữ Giám đốc đầu tư mạo hiểm: Sức bền của “ngựa đường dài” và thách thức từ định kiến “Nam giới ngại tìm hiểu yêu đương với người như tôi”

Chia sẻ từ Hoàng Thị Kim Dung – Giám đốc quốc gia, Genesia Ventures Việt Nam

Hôm nay, tôi bắt đầu mọi thứ trong tâm thế như bao ngày bình thường. Bỗng tin nhắn từ một người bạn gửi đến nhắc nhở tôi rằng 8/3 - ngày quốc tế phụ nữ đang đến gần. Thế đó, từ lâu tôi đã không còn để ý những ngày như vậy quá nhiều. Với tôi, ngày nào cũng là ngày của mình nếu sống có lý tưởng rõ ràng và hành động cụ thể.

Nhưng khi người bạn đó hỏi tôi suy nghĩ về chuyện làm nghề của nữ VC (đầu tư mạo hiểm) như thế nào, tôi xin phép được chia sẻ những chiêm nghiệm của mình trong hành trình 4 năm đầu tư startup.

vc-title-1.jpg

Nghề VC đầu tư vào các công ty startup có tiềm năng phát triển lớn. Thành công của họ không phải nằm ở các “chỉ số top-line” như số thương vụ, chức danh; mà thực sự nằm ở “chỉ số bottom-line” là những startup họ đầu tư có thực sự thành công và tạo ra lợi nhuận đầu tư tài chính cho quỹ của mình?

Do đó, để đạt được thành công trong nghề VC, cần có những nguyên tắc và tố chất nhất định. Ở góc độ cá nhân, tôi tin rằng đó là:

  • VC là người đáng tin cậy, nhiều năng lượng, đam mê, nhiệt huyết, trung thực, liêm chính.
  • VC là “người hỗ trợ”, nhà sáng lập là “người cầm lái”.
  • VC là người có kỹ năng nghe hiểu, đồng cảm xuất sắc. Họ đặt những câu hỏi quan trọng cho các nhà sáng lập, giúp họ nhìn thấy vấn đề và bức tranh lớn. Họ không vội đánh giá và đưa quan điểm của mình.
  • VC là người có khả năng tư duy độc lập, khả năng học tập cao, qua đó họ có thể nhanh chóng hiểu các chiến lược kinh doanh của startup mình đầu tư. Họ thảo luận một cách hiệu quả với các nhà sáng lập khi cần.
  • VC cần sự kiên nhẫn, vì họ hiểu rằng không có “con đường tắt” nào có thể dẫn tới thành công mà bền vững. Sau khi đầu tư vào startup, cần cả thập kỷ đồng hành hỗ trợ, đóng góp giá trị cho tới khi chạm đến thành công.

Tôi nhận ra rằng, một trong những công thức để thành công trong nghề VC là “sức bền” trong đồng hành hỗ trợ startup. Đường dài mới biết ngựa hay.

Giám đốc của quỹ chúng tôi, anh Takahiro Suzuki chia sẻ thống kê về những người làm VC ở Indonesia, nơi anh đã dành 10 năm xây dựng sự nghiệp đầu tư của mình: “Không có nhiều nam giới làm việc tại một quỹ đầu tư trên 3 năm, hầu hết là nữ giới”.

Takahiro nói rằng nữ giới có sự kiên nhẫn và trung thành hơn. Họ đồng hành lâu dài với các startup đầu tư và mong muốn tới ngày nhìn thấy thành quả.

Nam giới có thể luôn tự tin và toả sáng trên mọi mặt trận, nhưng cũng chính vì thế mà họ dễ là nạn nhân của hội chứng “đối tượng chói sáng – shiny object syndrone”. Điều này khiến họ dễ bị thu hút bởi những cơ hội công việc mới tưởng chừng tốt hơn công việc hiện tại. Kết quả, nam giới có xu hướng thay đổi công việc hoặc vị trí nhiều hơn nữ giới.

vc-quote-1(1).jpg

Tôi tin những lợi thế của phụ nữ giúp họ có nhiều cơ hội thăng tiến trong nghề VC. Nhưng nơi họ đầu quân cũng cần phải thoả mãn những điều cơ bản:

  • Cấu trúc thưởng phạt, thăng chức rõ ràng và công minh cho mỗi VC, dù họ là nam hay nữ, dựa trên thành tựu đầu tư thực sự của họ.
  • Tạo điều kiện cho mỗi VC tiếp cận với những cơ hội đầu tư và các nguồn lực từ quỹ để hỗ trợ startup sau đầu tư một cách công bằng.
  • Giám đốc, người đứng đầu ra quyết định tại quỹ có tầm nhìn xa, có năng lực lãnh đạo và trao quyền. Họ ủng hộ mong muốn phát triển sự nghiệp của VC nữ.
vc-title-2.jpg

Trong 4 năm làm VC, tôi đã thực sự lăn xả, điều đó khiến tôi thấm thía và đau đáu về những thách thức, bất lợi của nữ giới trong nghề này.

Đầu tiên, định kiến xã hội.

Mẹ tôi là người phụ nữ truyền thống, tần tảo, yêu thương chồng con. Những ngày đầu tôi làm VC, mẹ đều đặn đọc các bài viết của tôi để hiểu hơn về nghề nghiệp của con gái. Năm 2020, mẹ thay tôi nhận giải thưởng I-Star, ghi nhận bài viết của tôi về lĩnh vực khởi nghiệp có giá trị lan toả tích cực.

Nhưng sau hơn 4 năm làm nghề mà vẫn độc thân, mẹ tôi chuyển từ trạng thái ủng hộ sang phản đối. Mẹ sẽ là người phản đối nếu như biết tôi nhận bất kỳ lời mời phỏng vấn truyền hình hay báo chí nào. Thay vào đó, nếu tôi tham gia chương trình kiểu “Bạn muốn hẹn hò?” thì mẹ sẽ thích thú hơn. Mẹ không thích tôi dành nhiều thời gian làm việc, họp hành hay ngồi viết. Bà muốn tôi đứng dậy ra ngoài kiếm người yêu.

Mẹ không muốn tôi toả sáng trong công việc. Mẹ hiểu có một định kiến xã hội lớn đè nặng lên con gái mình. Nam giới sẽ ngại tiếp cận, tìm hiểu yêu đương với người như tôi - người luôn cho thấy hình ảnh nỗ lực, bền bỉ trong công việc. Người luôn biến facebook cá nhân như “trang Linkedin thứ 2”, chỉ toàn việc là việc.

Trớ trêu thay, nếu như chị COO của TechinAsia gần đây chia sẻ quan ngại về vấn đề các quỹ đầu tư trong khu vực còn thiếu các VC nữ làm quản lý trở lên; tôi tin rằng, tại Việt Nam, chúng ta đang đối mặt với vấn đề lớn hơn, đó là rất ít VC nữ “có thể” lập gia đình và vẫn toả sáng trong công việc theo đúng tiềm năng của mình. Chính vì những định kiến xã hội, những phụ nữ làm VC đang phải âm thầm chịu đựng giằng xé của bài toán “chọn một trong hai” - sự nghiệp hay gia đình.

vc-quote-2(1).jpg

Tiếp theo, rào cản gia nhập của nữ giới VC với hoạt động của các nhà sáng lập vốn phần nhiều là nam giới như ăn uống hay thể thao. Thực tế, các hoạt động này là nơi tiếp cận nguồn thông tin có thể tạo lợi thế cho hoạt động đầu tư của họ.

Là nữ giới nói chung, đã bao giờ bạn cảm thấy khó xử khi ngồi ăn uống với xung quanh toàn nam giới? Hay có bao giờ bạn tự hỏi làm sao để mình cùng chạy trên sân bóng đá với nam giới? Trong thế giới kinh doanh, những thông tin giá trị hay cơ hội giao dịch vẫn nằm nhiều trên bàn ăn, sân bóng đá, nơi mà nữ giới khó vào nhất. Chính nó tạo ra sự bất bình đẳng trong những cơ hội tiếp cận thông tin của nữ giới so với nam giới trong hoạt động đầu tư.

vc-title-3.jpg

Tôi tin rằng có hai cách tiếp cận, khó và dễ hơn, để phá bỏ những rào cản này với nữ giới.

Thứ nhất, đa dạng hoá. Cần gia tăng thêm số lượng nhà sáng lập là nữ giới được ủng hộ và tham gia hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam. Cách đây ba năm, tôi từng viết về những rào cản cần phá bỏ và hành trang cần có trên hành trình startup của phụ nữ Việt. Tính thời sự của bài viết vẫn còn đó cho đến tận ngày nay, khi mà nhà sáng lập nữ vẫn còn phải đối mặt với nhiều định kiến và rào cản, thậm chí còn lớn hơn VC nữ chúng tôi rất nhiều.

Chúng ta cần thời gian và không gian cho sự can thiệp, hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa từ xã hội, cộng đồng và gia đình người thân để giúp nhà sáng lập nữ giới tự tin dấn thân, cũng như bứt phá trên hành trình khởi nghiệp của mình.

vc-quote-3(1).jpg

Thứ hai, VC nữ cần có sự hỗ trợ và tham gia của đồng đội, đặc biệt là đồng đội nam của mình tại quỹ đầu tư. Tôi có một người đồng đội như vậy đồng hành cùng tôi trong mỗi buổi họp ăn tối với đối tác và các nhà sáng lập. Tôi cảm thấy mình có được “điểm tựa” an toàn về mặt tâm lý, giúp tôi thoải mái hơn trong việc nói chuyện với các nhà sáng lập, trong bối cảnh thời gian và không gian được đảm bảo.

Vừa qua, giám đốc Takahiro Suzuki của quỹ chúng tôi cùng gia đình từ Indonesia đến thăm Việt Nam. Khi ăn tối thân mật cùng gia đình anh, tôi được chứng kiến khoảnh khắc là một người chồng sâu sắc, chu đáo, người cha ân cần bên hai em bé của mình. Đó là một Takahiro rất khác với hình ảnh mà tôi biết, giám đốc nghiêm nghị trong mỗi buổi họp đầu tư của quỹ. Hàng ngày, Takahiro luôn dành một tiếng bất khả xâm phạm vào buổi sáng sớm để đưa các con của mình tới trường.

Buổi tối đó, chúng tôi đã thảo luận rất nhiều về sự nghiệp và gia đình. Tôi cũng thẳng thắn chia sẻ với Takahiro về mong muốn được toàn vẹn cả hai điều quan trọng này của cuộc sống giống như anh. Điều làm tôi rất vui là anh hiểu và ủng hộ nhiệt tình.

Tôi đã có được sự ủng hộ và đồng hành của các “nam thần” chiến hữu như vậy. Để chạy bền với nghề VC, là nữ giới, tôi luôn tin rằng mình cần phải xây dựng một hệ thống những người ủng hộ xung quanh.

vc-quote-4(1).jpg

Lợi thế vào rào cản luôn tồn tại như hai mặt của đồng xu. Điều quan trọng nhất là chúng ta cần biết thực sự mình mong muốn điều gì. Khi đứng trước câu hỏi, phải chọn bên nào giữa sự nghiệp và gia đình, tôi thường tự hỏi, tại sao không chọn cả hai nếu có thể?

Đương nhiên, không dễ dàng gì để có được cả hai thứ với phụ nữ nói chung. Cá nhân tôi luôn tự nhắc nhở bản thân cần kiên nhẫn, chăm chỉ chuẩn bị xây dựng hệ thống hỗ trợ, nền tảng cần thiết, trau dồi kỹ năng quản lý hiệu suất, năng lượng và thời gian của mình để có thể tiến gần đến trạng thái có được cả hai.


(0) Bình luận
Có thể bạn quan tâm
Chứng khoán tuần qua: Khối ngoại bán ròng hơn 3.800 tỷ đồng, một cổ phiếu bluechip bị "xả" đột biến
Khối ngoại bán ròng 5/5 phiên, với tổng giá trị lên tới 3.806 tỷ đồng trên toàn thị trường, một cổ phiếu bluechip bị khối ngoại “xả” đột biến; Hai "cá mập" sừng sỏ bậc nhất thị trường sẽ săn lùng cổ phiếu nào nhiều nhất trong đợt cơ cấu quý 4?; Nỗi buồn chưa từng có của thị trường chứng khoán Việt Nam: Con số kỷ lục trong hơn 24 năm hoạt động…
Nữ Giám đốc đầu tư mạo hiểm: Sức bền của “ngựa đường dài” và thách thức từ định kiến “Nam giới ngại tìm hiểu yêu đương với người như tôi”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO