Ninja Van: 1 người bán sử dụng ít nhất 2 kênh TMĐT, tỷ suất lợi nhuận giữa Shopee, TikTok... rất sát sao, khó phân định người đứng đầu

Bảo An | 10:55 07/03/2023

Hiện, ba kênh bán hàng qua phát sóng trực tiếp hàng đầu được ưa chuộng có thể kể đến là Shopee (27%), Facebook (25,5%), and TikTok (22,5%).

Ninja Van: 1 người bán sử dụng ít nhất 2 kênh TMĐT, tỷ suất lợi nhuận giữa Shopee, TikTok... rất sát sao, khó phân định người đứng đầu

“Mua hàng qua Livestream giống như đi mua sắm trực tiếp tại cửa hàng. Bạn bước vào cửa hàng, và nhìn thấy một món đồ dễ thương. Bạn không cần nó, nhưng bạn đã thấy nó và bạn muốn có nó”, một người mua son qua Livestream (phát sóng trực tiếp) cho hay. Thông tin này thể hiện sự lên ngôi của hình thức phát sóng trực tiếp với doanh nghiệp thương mại và được ghi nhận tại báo cáo mới đây của Ninja Van Việt Nam.

Trong đó, Ninja Van là công ty giao nhận hàng chuyển phát nhanh ra mắt vào năm 2014 tại Singapore, đã phát triển mạng lưới của mình bao phủ 6 quốc gia: Singapore, Malaysia, Philippines, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam. Những thông tin trong báo cáo được Ninja Van thực hiện và thu thập thông tin tại các thị trường hiện hữu, cho thấy xu hướng thương mại điện tử (TMĐT) ngày càng phát triển tại Đông Nam Á .

Cứ 3 người bán hàng thì có 1 người bán qua hình thức Livestream

Bán hàng qua phát sóng trực tiếp đang tiếp tục là xu hướng đáng chú ý trong thị trường TMĐT. Báo cáo của Decision Lab’s về TMĐT Việt Nam chỉ ra rằng 72% người tham dự cho biết sự tiện lợi đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra quyết định mua hàng khi tham gia theo dõi các hoạt động bán hàng qua phát sóng trực tiếp. Bên cạnh đó, việc tiếp cận, tìm hiểu và đưa đến quyết định mua sản phẩm của khách hàng được tiến diễn nhanh chóng.  

“Bán hàng qua Livestream là một chiến thuật tiếp thị thú vị của những người bán hàng trên các sàn thương mại điện tử”, ông Winston Seow, Giám đốc Marketing Ninja Van Group, nhấn mạnh. Theo ông, đây được xem là chiến thuật duy nhất đồng thời cũng là chiến thuật nhanh nhất giúp người bán có thể theo dõi quá trình tương tác của khách với sản phẩm của thương hiệu.

Bên cạnh đó, bán hàng qua phát sóng trực tiếp cũng giúp người bán có cơ hội dựng xây mối quan hệ tốt đẹp với khách hàng, dù là khách trung thành, hàng quen thuộc hay khách hàng mới đến.

Ở Đông Nam Á, khảo sát chỉ ra rằng 1/3 người bán hàng trên các sàn TMĐT áp dụng mô hình bán hàng qua phát sóng trực tiếp. Họ dành ra gần 6 giờ đồng hồ mỗi tuần để thực hiện các buổi bán hàng. Các danh mục sản phẩm áp dụng mô hình này có thể kể đến là các danh mục sản phẩm gia dụng, hoặc sử dụng dành cho đời sống hàng ngày như: ngành thời trang, ngành làm đẹp - chăm sóc cá nhân, ngành thực phẩm - đồ uống cũng như ngành gia đình và đời sống.

Tỷ suất lợi nhuận của các nền tảng TMĐT rất sát sao, khó phân định người đứng đầu

anh-chup-man-hinh-2023-03-06-luc-21.42.11.png

Hiện, ba kênh bán hàng qua phát sóng trực tiếp hàng đầu được ưa chuộng có thể kể đến là Shopee (27%), Facebook (25,5%), và TikTok (22,5%).

Cũng liên quan đến các hình thức bán hàng, theo Ninja Van, trung bình cứ 1 người bán trên các sàn TMĐT sẽ sử dụng ít nhất 2 kênh bán hàng để tối đa hoá khả năng tiếp cận sản phẩm của nhóm khách hàng mục tiêu. Vì lí do trên mà tỷ suất lợi nhuận của các nền tảng TMĐT trở nên sát sao, khó có thể phân định vị trí đứng đầu.

Báo cáo cũng chỉ ra nhiều thách thức của mô hình bán hàng qua phát sóng trực tiếp. Một vài ví dụ khiến người bán “đau đầu" có thể kể đến là: Làm sao để giữ tương tác với người xem, tối ưu hoá trong các công tác vận chuyển, công tác bán hàng và sau bán hàng...

Là người trong cuộc chơi TMĐT nói chung, một số quan sát của Ninja Van để người bán hàng tối ưu hiệu quả khi sử dụng mô hình này, bao gồm:

Thứ nhất, thái độ bán hàng: Theo báo cáo, quyết định mua hàng của người tiêu dùng bị ảnh hưởng rất lớn bởi sự gần gũi, hài hước, nội dung dẫn dắt giàu thông tin và chuyên nghiệp của người bán. Sản phẩm có thể ghi dấu ấn bởi thông tin, thành phần hay chất lượng, nhưng để lọt vào mắt xanh người tiêu dùng và dẫn đến quyết định mua hàng thì còn phụ thuộc rất nhiều vào sự duyên dáng nơi người bán. Những trải nghiệm tích cực sẽ khiến người xem có cảm tình và nhắc nhớ nhiều hơn đến thương hiệu;

Thứ hai, TikTok Shop. Theo khảo sát, gần đây TikTok Shop - nhánh TMĐT của TikTok, ra đời và tạo dấu ấn lớn vì trải nghiệm thuận tiện cho cả người mua lẫn người bán. Báo cáo từ Ninja Van chỉ ra rằng, chưa đầy một năm kể từ khi ra mắt tại Đông Nam Á, TikTok Shop đã được xếp hạng trong danh sách các kênh bán hàng qua Livestream hàng đầu.

Cuối cùng, ứng dụng những giải pháp tối ưu: Cụ thể, người bán có thể tìm kiếm những giải pháp tối ưu để tích hợp và bổ trợ như hệ thống giúp quản lý đơn hàng, quản lý quan hệ khách hàng và phân tích dự báo buổi bán hàng qua phát sóng trực tiếp theo thời gian thực tế...

Nhìn chung, mô hình bán hàng này đang ngày một phát triển, kéo theo nhiều nhu cầu mới của người tiêu dùng. Đây cũng là cơ hội kéo theo sự tăng trưởng ngày càng nóng của TMĐT Việt Nam. Báo cáo mới nhất từ Bộ Công Thương cho hay, trong năm 2022 quy mô thị trường TMĐT bán lẻ trong nước ước đạt 16,4 tỷ USD (tương đương 393.000 tỷ đồng, chiếm 7,5% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước). Đặc biệt, với tốc độ tăng trưởng 20%/năm, Việt Nam được eMarketer xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT hàng đầu thế giới.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Ninja Van: 1 người bán sử dụng ít nhất 2 kênh TMĐT, tỷ suất lợi nhuận giữa Shopee, TikTok... rất sát sao, khó phân định người đứng đầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO