Nông dân trồng lúa ở ĐBSCL phấn khởi khi trúng mùa, được giá

Phương Thảo | 11:06 05/03/2023

Với giá lúa gạo mùa Đông Xuân tăng mạnh thời gian qua, bà con nông dân trồng lúa ở ĐBSCL thắng lớn do đều trúng mùa, được giá.

Nông dân trồng lúa ở ĐBSCL phấn khởi khi trúng mùa, được giá
Nông dân thu hoạch lúa đông xuân 2022-2023 trong niềm vui trúng mùa, được giá.

Giá lúa tăng mạnh tiếp thêm động lực cho nông dân khi bước vào vụ lúa đông xuân 2022-2023. Hầu hết nông dân rất phấn khởi khi giá lúa cao, năng suất cao hơn trong bối cảnh giá phân bón giảm khiến lợi nhuận mỗi vụ sản xuất của nông dân ngày càng tăng.

Bước vào vụ lúa Đông xuân 2022 - 2023, nông dân tỉnh Hậu Giang gieo trồng được hơn 75.500 ha. Đến thời điểm này, bà con nông dân đã thu hoạch được khoảng 5.000 ha, năng suất bình quân đạt 7,8 tấn/ha.

Những ngày này, không khí thu hoạch lúa đông xuân 2022-2023 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang sôi động hẳn lên. Máy gặt đập liên hợp hoạt động cả ngày lẫn đêm. Trên bờ, thương lái túc trực chờ mua lúa cho nông dân. Bà con vui mừng vì lúa được mùa, được giá.

Một hộ dân tại xã Mỹ Thành Bắc, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang cho biết, vừa thu hoạch 0,7ha lúa IR50404, năng suất đạt 9 tấn/ha, bán với giá 6.400 đồng/kg lúa tươi tại ruộng. Sau khi trừ chi phí, gia đình lãi gần 20 triệu đồng, tăng khoảng 5 triệu đồng so vụ đông xuân năm trước.

Vụ Đông Xuân này, An Giang xuống giống hơn 245.000 ha lúa, năng suất tăng hơn so với cùng kỳ do mùa nước nổi lớn hơn các năm, ruộng đồng bồi đắp nhiều phù sa, kỹ thuật canh tác của nông dân nâng cao. Tương tự, Kiên Giang thu hoạch hơn 32.000 ha lúa trên tổng diện tích xuống giống của toàn tỉnh là 281.000 ha, năng suất bình quân đạt 6,3 tấn mỗi ha.

Tương tự, tại Cà Mau xuống giống gần 36.000 ha; trong đó, huyện Trần Văn Thời tập trung nhiều nhất với gần 29.000 ha. Đến thời điểm này, năng suất lúa bình quân đạt từ 5,5 - 5,8 tấn/ha, đặc biệt có nhiều diện tích lúa cho năng suất trên 6 tấn/ha.

Bên cạnh đó, giá lúa cao khiến cho nông dân rất phấn khởi. Cập nhật giá lúa hôm nay (5/3/2023) ở một số tỉnh ĐBSCL: tại kho An Giang, lúa Đài thơm 8 6.700 – 6.800 đồng/kg; nếp tươi Long An 6.600 – 6.800 đồng/kg; lúa OM 18 ở mức 6.600 – 6.800 đồng/kg; lúa OM 5451 6.400 – 6.600 đồng/kg; nàng hoa 9 6.800 – 7.100 đồng/kg; lúa Nhật 7.800 – 7.900 đồng/kg; lúa IR 504 ở mức 6.400 – 6.600 đồng/kg; lúa IR 504 khô duy trì ở mức 6.500 đồng/kg…

Với giá lúa hiện tại, sau khi trừ chi phí, người dân có thể còn lợi nhuận từ 30 - 35 triệu đồng/ha.

Được biết, chi phí sản xuất năm nay ít hơn so với các năm do phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đều giảm. Cụ thể, giá phân kali và nhiều loại phân đạm (urê) như đạm Cà Mau, đạm Phú Mỹ,... đã giảm từ 20.000-50.000 đồng/bao (50kg) so với trước tết. Giá trung bình mỗi bao PB ở mức từ 700.000-900.000 đồng.

Theo các doanh nghiệp, năm nay nhiều tín hiệu cho thấy thị trường lúa gạo sẽ rất nhộn nhịp, giá khó giảm. Nguyên nhân giá lúa tăng có thể là do nhu cầu mua gạo của Việt Nam tăng nên dẫn đến giá tăng.

Việt Nam là nước có lợi thế cạnh tranh về sản xuất lúa trên thế giới khi xét về điều kiện sinh thái tự nhiên (trồng được nhiều thời vụ khác nhau trong năm), có đồng bằng trồng lúa vào loại phì nhiêu nhất của khu vực; diện tích, năng suất và sản lượng đều có vị trí cao trên thế giới. Thống kê bình quân năng suất lúa cả nước đạt hơn 6 tấn/ha trên diện tích 7 triệu ha, đây là thành tựu về năng suất ấn tượng của thế giới.

Riêng vụ Đông xuân ở ĐBSCL, năng suất lúa đạt trên 7 tấn/ha... Tuy nhiên, nếu muốn duy trì năng suất lúa lâu dài không suy giảm, cần chuyển đổi mạnh mẽ sản xuất lúa sang hướng bền vững và tăng trưởng xanh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nông dân trồng lúa ở ĐBSCL phấn khởi khi trúng mùa, được giá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO