Tại Hội nghị đánh giá việc thực hiện quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hồi đầu tháng 2/2023, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, tính đến nay, trên cả nước đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị và nhà ở công nhân khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 7,79 triệu m2, gồm 93.000 căn nhà xã hội và 63.000 căn nhà ở công nhân. Cả nước đang triển khai thêm khoảng 401 dự án với quy mô 454.000 căn hộ, trong đó có 245 dự án với quy mô 300.000 căn hộ đang thực hiện thủ tục đầu tư và có 156 dự án với quy mô 156.700 căn hộ đang đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa đáp ứng nhu cầu.
Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các bộ, ngành địa phương về thúc đẩy thị trường bất động sản phản triển lành mạnh, bền vững, vị đại diện Bộ Xây dựng báo cáo, trong năm 2022 trên cả nước có 2 dự án nhà ở công nhân được cấp phép mới với quy mô 1.729 căn hộ; có 1 dự án với 32 căn hộ đã hoàn thành xây dựng; có 4 dự án với 2.328 căn hộ đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai.
Có thể nói, với số liệu mà ông Nguyễn Văn Sinh thông tin cho thấy số lượng nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở công nhân đang rất thiếu, nhất là ở các tỉnh có khu công nghiệp lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Đồng Nai, Bình Dương…
Bà Nguyễn Thị Vân Hà, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Ninh cho biết, tỉnh này hiện có 12/16 khu công nghiệp đi vào hoạt động, với hơn 330.000 công nhân lao động làm việc trong các khu công nghiệp, trong đó hơn 75% là lao động ngoại tỉnh.
“Để giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân, tỉnh đã quy hoạch 22 dự án nhà ở công nhân. Hiện đã có 7 dự án nhà ở công nhân đi vào hoạt động, số căn đã bán và cho thuê của các dự án đạt từ 10-50%. Ngoài ra, gần 100.000 công nhân đang phải thuê trọ trong các khu dân cư, nhiều khu chất lượng và an ninh chưa được đảm bảo”, bà Vân Hà nói.
Trao đổi với MarketTimes, ông Vương Quốc Toàn, Chủ tịch HĐQT CTCP Lan Hưng (doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội tại tỉnh Bắc Ninh) được biết, sở dĩ nguồn cung nhà ở công nhân không đáp ứng được nhu cầu của người lao động là do một trong những quy định trong Luật Nhà ở “khống chế” chỉ công nhân đủ các điều kiện mới được mua nhà ở. Do đó, nhà xây dựng xong nhưng doanh nghiệp cũng chưa bán được hết, trong khi công nhân còn thiếu chỗ ở.
Theo ông Toàn, Khoản 5, Điều 49 Luật Nhà ở năm 2014 có quy định, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp (KCN) là đối tượng được hỗ trợ chính sách về nhà ở xã hội như: thuê, mua nhưng còn kèm nhiều điều kiện khác (phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân; trường hợp là hộ nghèo, cận nghèo thì phải thuộc diện nghèo, cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ; chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình…) nên số người lao động tiếp cận thuê, mua nhà ở xã hội chưa nhiều.
Như vậy, vướng mắc lớn nhất là doanh nghiệp làm nhà ở cho công nhân chỉ được bán cho đúng đối tượng là công nhân và phải có đủ các điều kiện trên mới được mua nhà, do đó làm xong rồi doanh nghiệp vẫn rất khó bán.
Trong khi đó, xây dựng trong khu công nghiệp nếu sử dụng cụm từ “nhà ở xã hội”, thì không chỉ đối tượng là công nhân mà cả 9 đối tượng còn lại được quy định trong việc mua, thuê mua nhà ở xã hội sẽ được tiếp cận.
Ông Toàn chia sẻ thêm, chính vì các quy định này nên Tập đoàn Lan Hưng đã xây dựng xong 1.400 căn nhà ở công nhân tại tỉnh Bắc Ninh, nhưng hiện mới bán được 100 căn.
Nếu theo mục đích, xây dựng nhà ở công nhân sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp bởi đối tượng mua bán rất hẹp – người công nhân. Trong khi đó, người công nhân thường chỉ thuê nhà, nếu mua thì phải ở những thành phố trực thuộc trung ương như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ. Còn các tỉnh mà xây dựng nhà công nhân thì sẽ bị đóng cửa, có thể nói đến ví dụ như Bắc Ninh dù nơi này có rất nhiều công nhân.
“Theo tôi, trong đợt sửa đổi Luật Nhà ở 2014 sắp tới chỉ sử dụng cụm từ nhà ở công nhân cho Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh vì đó là 2 thành phố có số lượng công nhân lớn. Các tỉnh còn lại chỉ nên sử dụng cụm từ chung nhà ở xã hội để có thể bán được đến hết các đối tượng”, ông Toàn nói.
Để gỡ khó cho nhà ở công nhân, Tập đoàn Lan Hưng đã đề xuất kết hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng thiết chế công đoàn nhưng không đủ điều kiện. Bên cạnh đó, luật pháp chưa rõ ràng nên chưa có hướng dẫn, chưa có quy định để Tổng Liên đoàn triển khai.