Một trong những nội dung thu hút quan tâm tại Hội nghị ngày mai là việc, Bộ Xây dựng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ dành gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng cấp cho các ngân hàng thương mại để cho các dự án nhà ở xã hội, nhà cho công nhân vay theo phương thức tái cấp vốn.
Chi tiết phân bổ gói này chưa được đề cập, nhưng Bộ Xây dựng cho biết sẽ giống gói 30.000 tỷ đồng đã thực hiện trong giai đoạn 2013-2016 khi thị trường gặp khó khăn.
Với chính sách gói 30.000 tỷ trước đây, 70% được dành cho những người thuê, mua, thuê mua nhà ở xã hội và thuê mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70 m2 và giá bán dưới 15 triệu đồng mỗi m2. Thời hạn vay tối đa là 10 năm. 30% còn lại dành cho doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, doanh nghiệp nhà thương mại chuyển đổi sang nhà ở xã hội.
Theo chia sẻ của đại diện Ngân hàng chính sách xã hội, chi nhánh Bắc, hiện nay các ngân hàng chính sách đang thực hiện cho vay ưu đãi mua nhà ở xã hội theo gói 15.000 tỷ (Nghị quyết số 11/NQ-CP). Tuy nhiên, mới đang ưu tiên cho người mua mà chưa hỗ trợ cho chủ đầu tư.
Như vậy, gói 110.000 tỷ được thông qua, hỗ trợ ngay từ ban đầu cho các chủ đầu tư, là cũng là một điều kiện để tiếp tục phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Ông Nguyễn Văn Tuyển, Công Ty Cổ Phần Đầu Tư 379 (Bắc Giang) cho biết, thời gian qua, các doanh nghiệp phải tự tìm cách huy động vốn, tự bỏ tiền để phát triển dự án nhà ở xã hội do đó tiến độ có phần chậm hơn. Trường hợp, không huy động được nhiều nguồn thì phải vay ngân hàng thương mại với lãi suất cao.
Nếu gói 110.000 tỷ được thông qua, hỗ trợ được chủ đầu tư sẽ thúc đẩy được tiến độ các dự án nhà ở xã hội hoàn thiện nhanh hơn, hạ giá thành sản phẩm bất động sản và thu hút được nhiều đơn vị tham gia, ông Tuyển nói.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng đề nghị sớm có nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số chính sách đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội.
Nghị quyết này nhằm tháo gỡ ngay các khó khăn như vấn đề giao đất, dành quỹ đất cho nhà ở xã hội; chọn chủ đầu tư; ưu đãi cho chủ đầu tư nhà ở xã hội; xác định giá bán, thuê, đối tượng và điều kiện hưởng chính sách. Các điểm nghẽn này đang khiến doanh nghiệp, chủ đầu tư không mặn mà với nhà ở xã hội.
Gỡ khó cho BĐS lúc này không chỉ là câu chuyện khơi thông dòng vốn mà còn cần những giải pháp toàn diện hơn liên quan đến hoàn thiện thể chế, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội.