Nguồn cung thắt chặt đẩy giá lúa mì bật tăng

Lê Hà | 10:50 28/09/2022

Kết thúc phiên giao dịch 27/9, thị trường nông sản phân hóa trái chiều khi 3/7 mặt hàng có đà tăng hồi phục, gây chú ý là mặt hàng lúa mì.

Nguồn cung thắt chặt đẩy giá lúa mì bật tăng
Mức tăng của lúa mì lên tới 1,57%.

Lúa mì là mặt hàng biến động mạnh nhất cả nhóm nông sản, với mức tăng khi kết thúc phiên hôm qua lên tới 1,57%.

Tình hình chiến sự tại Ukraine có dấu hiệu nóng lên khiến thị trường lo ngại nguồn cung từ Biển Đen có thể bị thắt chặt trở lại và tạo hỗ trợ cho giá lúa mì.

Theo báo cáo Tiến độ Mùa vụ (Crop Progress) của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), nông dân Mỹ đã gieo trồng được 31% diện tích lúa mì đông dự kiến, thấp hơn 2% so với kỳ vọng của thị trường.

Thêm vào đó, tình trạng khô hạn và nhiệt độ cao bất thường chiếm ưu thế tại vùng đồng bằng trong ngày hôm qua khiến độ ẩm đất tiếp tục giảm và gây bất lợi cho việc nảy mầm của cây trồng. Triển vọng mùa vụ cũng như thời tiết kém khả quan trong ngắn hạn đã giúp giá lúa mì tăng ngay sau khi mở cửa.

Đối với ngô, giá mặt hàng này tiếp tục rung lắc mạnh quanh ngưỡng 670 trong phiên hôm qua.

Mặc dù khởi sắc ngay sau khi mở cửa nhờ sự hỗ trợ của các số liệu trong báo cáo Tiến độ Mùa vụ, nhưng với việc chỉ số USD Index vẫn đang duy trì quanh mức kỷ lục 20 năm, giá ngô vẫn chưa thể thoát khỏi xu hướng giằng co.

Dù vậy, giá đóng cửa phiên với mức tăng nhẹ 0,19%.

Theo dữ liệu từ báo cáo, tỷ lệ ngô đạt chất lượng tốt – tuyệt vời của Mỹ trong tuần từ 19/09 đến 25/09, mới chỉ có 12% diện tích ngô đã được thu hoạch, thấp hơn mức dự đoán của thị trường là 13%.

Bên cạnh đó, báo cáo xuất nhập khẩu nông sản hàng tuần của EU do Ủy ban châu Âu công bố cho thấy, khối này đã nhập khẩu tới 0,75 triệu tấn ngô trong tuần 20/09-25/09. Việc nhu cầu nhập khẩu từ châu Âu duy trì ở mức cao là yếu tố hỗ trợ giá ngô.

Với nhóm đậu tương, cả 3 mặt hàng họ đậu đều đóng cửa trong sắc đỏ nhưng với mức giảm không đáng kể.

Giá đậu tương biến động trong biên độ khá lớn và ghi nhận phiên suy yếu thứ 5 liên tiếp. Mặc dù được hỗ trợ trong phiên sáng do các số liệu của báo cáo Crop Progress nhưng áp lực cạnh tranh vẫn khiến cho giá quay đầu.

Ảnh hưởng từ diễn biến của giá đậu tương cùng nhu cầu nhập khẩu từ châu Âu làm thức ăn chăn nuôi suy yếu đã khiến cho giá khô đậu ghi nhận mức giảm gần 1%.

Cụ thể, theo báo cáo của Ủy ban châu Âu (EU Commission), khối lượng khô đậu tương nhập khẩu trong tuần vừa rồi chỉ đạt 0,14 triệu tấn, thấp hơn so với mức 0,41 triệu tấn trong tuần trước đó.

Đối với dầu đậu, giá vẫn tiếp tục chịu sức ép từ triển vọng nguồn cung nới lỏng. Công ty khảo sát hàng hóa Societe Generale de Surveillance (SGS) cho biết, xuất khẩu các sản phẩm dầu cọ trong 25 ngày đầu tháng 09 của Malaysia đạt 1.152.612 tấn, tăng 18,9% so với mức 969.341 tấn cùng kỳ tháng trước. Tuy nhiên, đà giảm đã bị hạn chế nhờ lực mua kỹ thuật ở vùng hỗ trợ của khoảng đi ngang.

Cùng với đó, đóng cửa ngày giao dịch hôm qua, giá gạo thô kỳ hạn tháng 11 trên Sở Chicago giảm nhẹ 0,2% xuống mức 340,83 USD/tấn.

Tuy nhiên, so với mức đầu năm nay, giá gạo thô ghi nhận đà tăng hơn 7%, còn so với cùng kỳ năm ngoái, mặt hàng này thậm chí đã tăng đến gần 11%.

Trên thị trường nội địa, giá lúa gạo hôm nay 28/9 tại Đồng bằng sông Cửu Long ổn định sau nhiều phiên điều chỉnh tăng, dao động quanh mốc 8.650 – 9.200 đồng/kg.

Hiện giá lúa gạo đang neo ở mức khá trong khi nguồn cung đang cạn dần do lúa hè thu đã cạn đồng, trong khi đó vụ thu đông chưa rộ.

Lúa OM 18 đang được thương lái thu mua tại ruộng với mức 5.500 -5.700 đồng/kg; lúa IR 504 5.300 – 5.500 đồng/kg, lúa Đài thơm 8 5.600 – 5.800 đồng/kg; Nàng hoa 9 duy trì ở mức 5.600 – 5.800 đồng/kg; lúa OM 5451 ở mức 5.500 – 5.600 đồng/kg; nếp An Giang (tươi) 5.900 – 6.100 đồng/kg; nếp Long An (tươi) 6.200 – 6.500 đồng/kg.

Với mặt hàng lúa khô, hiện nếp khô An Giang đang được thương lái thu mua ở mức 8.600 – 8.700 đồng/kg, nếp Long An khô 8.500 – 9.000 đồng/kg; lúa IR 504 khô duy trì ở mức 6.500 đồng/kg.

Tương tự, với mặt hàng gạo, giá gạo nguyên liệu, thành phẩm không có biến động. Hiện giá gạo nguyên liệu IR 504 ở mức 8.650 đồng/kg; gạo thành phẩm duy trì ổn định ở mức 9.100 – 9.200 đồng/kg. Với mặt hàng phụ phẩm, giá tấm cũng đi ngang ở mức 8.600 đồng/kg, giá cám khô 8.250 – 8.300 đồng/kg.

Tại chợ lẻ, giá gạo thường 11.500 đồng/kg – 12.500 đồng/kg; gạo thơm Jasmine 15.000 – 16.000 đồng/kg; gạo Sóc thường 14.000 đồng/kg; nếp ruột 14.000 – 15.000 đồng/kg; Gạo Nàng Nhen 20.000 đồng/kg; Gạo thơm thái hạt dài 18.000 – 19.000 đồng/kg; Gạo Hương Lài 19.000 đồng/kg; Gạo trắng thông dụng 14.000 đồng/kg; Nàng Hoa 17.500 đồng/kg; Sóc Thái 18.000 đồng/kg; Gạo thơm Đài Loan 20.000 đồng/kg; Gạo Nhật 20.000 đồng/kg; Cám 7.000 – 8.000 đồng/kg.

Giá chào bán gạo xuất khẩu duy trì ổn định sau phiên điều chỉnh tăng. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá chào bán gạo xuất khẩu 5% tấm đang ở mức 423 USD/tấn, gạo 25% tấm ở mức 403 USD/tấn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nguồn cung thắt chặt đẩy giá lúa mì bật tăng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO