Vào đầu những năm 1980, xu hướng “chơi đồ cổ” bùng nổ ở Trung Quốc, mang lại bội tiền cho những người chơi trong giới. Không chỉ những người có tầm nhìn, am hiểu về đồ cổ dám đầu tư vào lĩnh vực này, mà những người bình thường nhưng có niềm yêu thích với chúng cũng muốn tham gia để tìm vận may cho mình.
Theo Sohu, vài năm trước, từng có một người phụ nữ họ Trần đến từ Chiết Giang, Trung Quốc cũng đã bỏ ra rất nhiều tiền để mua một con cua vàng ở chợ đồ cổ. Sau đó, người phụ nữ này đã mang con cua này đến chương trình thẩm định bảo vật để kiểm chứng xem số tiền cô đã bỏ ra liệu có xứng đáng.
Ảnh minh họa: Sohu
Theo chia sẻ, cô Trần là người đặc biệt yêu thích các di vật văn hóa. Khi nhìn thấy con cua vàng này tại khu chợ đồ cổ gần nhà, cô đã không ngại chi tiền khủng để sở hữu dù không chắc nó có phải là cổ vật quý giá hay không. Cô Trần cho biết con cua vàng này nhìn qua không có gì đặc biệt, nhưng nếu để ý kỹ sẽ thấy từ hình dáng đến màu sắc của nó đều rất sống động.
Lúc đó, ông chủ ra giá món đồ này lên tới 1 triệu NDT (3,3 tỷ đồng) khiến cô Trần rất đắn đo vì trong tay không có nhiều tiền như vậy. Tuy nhiên vì khao khát sở hữu con cua vàng quá lớn, cô Trần đã quyết định bán căn nhà mà bố mẹ đã mua cho mình rồi lấy tiền đó “rước” cua vàng về.
Ảnh minh họa: Sohu
Khoản đầu tư mạo hiểm này của cô Trần không được người thân ủng hộ. Thậm chí, người phụ nữ này còn bị bạn bè và hàng xóm chế giễu khi bỏ ra 1 căn nhà chỉ để lấy về 1 con cua “đồ chơi” và cho rằng cô đã bị lừa. Theo thời gian, giá bất động sản tăng nhanh chóng mặt. Giá căn nhà mà cô Trần bán đi đã tăng từ 1 triệu NDT lên 8 triệu NDT (hơn 26,7 tỷ đồng). Điều này khiến quyết định năm xưa của cô càng bị nhiều người đem ra bàn tán.
Lúc này, cô Trần tình cờ biết đến chương trình thẩm định cổ vật rất nổi tiếng trên truyền hình nên đã quyết định mang con cua vàng của mình đến các chuyên gia để xem xét.
Các chuyên gia khi nhìn thấy con cua vàng mà cô mang đến cũng tỏ ra rất bất ngờ. Họ xem xét món đồ rất kỹ càng và cho rằng tay nghề người chế tác ra con vua vàng này rất điêu luyện. Con cua được làm bằng vàng, trên lưng có đính 1 viên hồng ngọc, toàn thân được chế tác rất tinh xảo, rất có giá trị. Sau khi xem xét kỹ lưỡng món đồ, các chuyên gia nhận định con cua vàng này là di vật văn hóa từ thời nhà Thanh, giá trị hiện tại của món đồ này có thể lên tới 20 triệu NDT (hơn 66 tỷ đồng).
Ảnh minh họa: Sohu
Nghe đến đây, cô Trần mừng rỡ khi biết được khoản đầu tư mạo hiểm của mình thực sự rất xứng đáng. Không những thế, cô còn “lãi” nhiều hơn so với mong đợi. Khi bố mẹ cô Trần biết được điều này, nỗi muộn phiền bấy lâu nay của họ cũng dường như tan biến. Người thân và bạn bè cũng gửi lời chúc mừng cô Trần vì cơ may “đổi đời” nhờ sở hữu món đồ có giá trị.
Có thể nói, đồ cổ là một loại hàng hóa đặc biệt không chỉ có giá trị về lịch sử, văn hóa mà còn đem lại lợi ích kinh tế cho chủ sở hữu. Tuy nhiên, thị trường đồ cổ rất khó đoán, việc mua bán loại hàng hóa này cũng ẩn chứa nhiều rủi ro. Do đó, nếu muốn tham gia thị trường này, bạn nên tìm hiểu những thông tin liên quan để có thêm kiến thức, tránh bị lừa đảo hoặc bị những kẻ sành sỏi hơn lợi dụng. Trước khi mua một món cổ vật có giá trị cao phải thông qua Hội đồng giám định với những chuyên gia, những nhà nghiên cứu có uy tín. Tránh trường hợp sưu tầm đồ cổ theo phong trào mà không có chút kinh nghiệm, kiến thức nào rồi “tiền mất, tật mang”.
(Theo Sohu)