Nghịch cảnh mắc kẹt thanh khoản: Chủ nhà phố vẫn hét giá rất cao dù bán không được, người mua thì sợ “hớ”

Bảo Anh | 13:44 05/06/2023

Hiện tại nguồn cung bất động sản khá nhiều. Sự lựa chọn của người mua rất lớn. Nếu có 100 căn thì hơn 30%, thậm chí 50% có giá thấp hơn thị trường.

Nghịch cảnh mắc kẹt thanh khoản: Chủ nhà phố vẫn hét giá rất cao dù bán không được, người mua thì sợ “hớ”

Bên cạnh các căn nhà giảm giá hoặc bán lỗ để ra hàng thì không ít chủ nhà vẫn rao bán nhà phố với giá rất cao, dù biết thị trường trầm lắng thanh khoản.

Cùng vị trí và khu vực, căn nhà phố riêng lẻ tại khu vực Q.9 bán hai giá hoàn toàn khác nhau. Một căn rao bán 3.9 tỉ đồng, tức giảm 400 triệu đồng so với giá đầu năm 2022. Trong khi căn kế bên hiện vẫn rao bán giá 4.5 tỉ đồng, nhích hơn giá thị trường khu vực thời điểm đầu năm ngoái.

Theo môi giới nhận rao bán căn nhà, chủ nhà nhất quyết không hạ giá theo giá thị trường chung; chỉ thương lượng chút đỉnh từ 50-100 triệu đồng/căn so với người thiện chí mua. Môi giới này cho biết, dù căn nhà đã gửi bán 3 tháng nay nhưng chưa có giao dịch. Một số khách hỏi nhưng đòi bớt giá khoảng 400-500 triệu đồng/căn, tuy nhiên chủ nhà không đồng ý.

Tương tự, tại khu đô thị Đông Tăng Long, quận 9 (cũ, nay là Tp.Thủ Đức, Tp.HCM), một số căn nhà phố liên kế vẫn rao bán giá cao hẳn so với các căn bán ngộp. Hai căn cùng diện tích 100m2, trên cùng tuyến đường nhánh A5 tại khu đô thị đang chào giá chênh nhau 1,2 tỉ đồng. Cụ thể, một căn rao bán 9,8 tỉ đồng và một căn rao 11 tỉ đồng. Dù vậy, cả hai căn chưa bán được.

Thực tế, giá giao bán 11 tỉ đồng/căn theo môi giới là giá rao của thời điểm đầu năm 2022, hiện chủ nhà vẫn giữ giá này dù thị trường yếu thanh khoản. Có trường hợp, chủ nhà dù bí dòng tiền nhưng không hạ giá, có trường hợp đang gồng được tài sản chưa đến mức phải bán lỗ, giảm giá sâu.

7cc.jpeg

Dù thị trường trầm lắng, nhiều chủ nhà vẫn “hét” giá nhà rất cao. Ảnh: Minh hoạ 

Việc chủ nhà vẫn rao bán nhà phố giá cao khi biết thị trường trầm lắng, theo ông Phan Vi, chuyên môi giới nhà phố khu vực Tp.HCM, đa phần chủ nhà đang kì vọng rất lớn vào tài sản sở hữu. Nhiều người đang trải qua khó khăn của kinh tế, muốn thu lại dòng tiền từ tài sản giá trị là nhà phố.

Cùng với đó, rao bán trong thời điểm này, nhiều người sợ bán “hớ”, bán không được giá và một phần rao giá cao để thăm dò thị trường. Ông Phan Vi cho rằng, một số trường hợp không chịu giảm giá để có giao dịch là bởi họ định hình giá trị tài sản của mình cao; đang xoay sở được tài chính để chờ thêm tín hiệu từ thị trường. Họ không chấp nhận việc tài sản giảm giá sâu mặc dù biết, với giá rao của mình rất khó có thanh khoản trong ngắn hạn.

“Không phải thời điểm này mà từ lâu tâm lý người bán đã như vậy. Không ai muốn rao bán tài sản mất giá, dù đó chỉ là giảm lời”, ông Phan Vi chia sẻ.

Ở chiều ngược lại, tâm lý người mua cũng sợ mua “hớ”. Người mua hiện nay đi mua bất động sản trong trạng thái: Muốn mua và phải mua thật rẻ. Sự kì vọng này còn lớn hơn chủ nhà.

Theo đó, thị trường bất động sản nói chung, phân khúc nhà phố nói riêng đang diễn ra nghịch cảnh: Người muốn bán, kẻ muốn mua nhưng chưa đi đến giao dịch vì kì vọng của mỗi bên chưa gặp nhau.

Theo ông Phan Vi, hiện một số chủ nhà hét giá cao khó bán. Nếu cố chờ sự phục hồi của thị trường, rất có thể sẽ lao đao theo. Chưa kể, khi thị trường hồi phục, nhà đầu tư cũng sẽ khó bán vì những khách hàng có tài chính, đồng nghĩa họ có nhiều lựa chọn.

Về phía khách mua, việc liên tục ép chủ nhà, nằm chờ bất động sản ngộp cũng làm mất cơ hội mua được bất động sản ưng ý, hoặc bất động sản đó có thể đã bị người khác mua mất.

Chưa kể, khi thị trường hồi phục cơ hội người mua thương lượng với chủ nhà khó hơn hiện tại. Lúc đó, chủ nhà được giá mới bán, không bán gấp. Tiền mặt nhà đầu tư đang cầm có thể mất giá, trượt giá.

Theo ông Vi, trong bối cảnh nguồn cung bất động sản ra thị trường khá nhiều, nhưng nếu ở trạng thái chờ đợi sẽ mất cơ hội. Hiện nay, 100 căn nhà được rao bán thì có đến 30%, thậm chí 50% căn bán giá thấp hơn thị trường. “Đây thực sự là giai đoạn nên xuống tiền”, ông Phan Vi nhấn mạnh.

Ghi nhận cho thấy, nguồn cung rao bán ra thị trường nhiều nhưng khách mua khá ít. Bài toán khó trong bối cảnh nghành bất động sản đang trì trệ, các chủ đầu tư, chủ doanh nghiệp, sàn phân phối đang đua nhau tìm giải pháp, bán sỉ giá lẻ bán thu hồi vốn. Trong khi, sự dịch chuyển tiền trong bất động sản đang chậm khiến thị trường bất động sản chậm thanh khoản.

Tuy nhiên, để bắt đáy hay dò đáy bất động sản theo nhiều chuyên gia trong ngành điều này là rất khó. Chu kì của bất động sản không như trước đây, thậm chí những năm qua không đi theo một quy luật nào. Thực tế, thị trường bất động sản đã đi xuống khá nhanh sau dịch Covid-19 và hiện đang có những diễn biến khó hiểu ở các phân khúc thị trường.


(0) Bình luận
Nghịch cảnh mắc kẹt thanh khoản: Chủ nhà phố vẫn hét giá rất cao dù bán không được, người mua thì sợ “hớ”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO