Lệnh phong tỏa Covid đột ngột vào năm 2020 đã khiến công nhân lũ lượt rời thành phố trở về các ngôi làng ở vùng nông thôn Ấn Độ. Một cuộc di cư mà nhiều người cho rằng sẽ đảo ngược hành trình trở thành một quốc gia công nghiệp của Ấn Độ.
Số lượng lao động nông nghiệp ở Ấn Độ đã tăng lên khoảng 60 triệu người trong 4 năm qua, một phần nhờ chương trình trợ cấp lương thực nuôi sống hàng trăm triệu người. Thậm chí vào năm ngoái, khi hầu khắp đất nước đã vượt qua đại dịch, các trang trại của Ấn Độ đã tăng thêm 13 triệu lao động. Thủ tướng Narendra Modi cho biết chương trình lương thực sẽ duy trì trong 5 năm nữa.
Trong khi đó, việc làm trong lĩnh vực sản xuất trên toàn quốc vẫn không thay đổi. Các nhà máy cho biết họ đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng.
Santosh Mehrotra, nhà kinh tế phát triển và giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Bath, phân tích dữ liệu việc làm của chính phủ và nhận xét rằng lực lượng lao động nông nghiệp đang tăng lên kể từ năm 2019 – thể hiện sự thay đổi cơ cấu đang diễn ra trong nền kinh tế. “Đây là một thảm họa: hàng triệu người quay trở lại làm nông nghiệp”.
Điều này trái ngược với con đường mà nhiều nhà kinh tế mong đợi Ấn Độ sẽ hướng tới khi tốc độ tăng trưởng GDP của quốc gia này vượt xa các nền kinh tế lớn khác. Đất nước 1,4 tỷ dân có thu nhập bình quân đầu người khoảng 2.400 USD – thấp hơn so với Bangladesh.
Thay vì chứng kiến làn sóng lao động đổ xô tới các nhà máy – một sự thay đổi giúp nâng cao mức sống cho hàng triệu người Trung Quốc – Ấn Độ dường như đang phi công nghiệp hóa quá sớm.
Điều đó khiến Ấn Độ có nguy cơ bỏ lỡ những lợi ích từ lực lượng lao động khổng lồ, trong khi phần lớn dân số nước này phải vật lộn với tình trạng thất nghiệp hoặc thiếu việc làm thường xuyên. Điều đó cũng có nghĩa là thế giới – vốn được hưởng lợi khi nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng và hàng hóa giá rẻ của họ – có thể hoài nghi về việc Ấn Độ sẽ trở thành động lực tăng trưởng kinh tế toàn cầu mạnh mẽ.
Các nhà kinh tế và chủ xí nghiệp cũng nói rằng đối với một số công nhân, chương trình trợ cấp lương thực của chính phủ đang khiến cán cân nghiêng theo hướng có lợi cho việc ở lại trang trại.
Trong thời kỳ đại dịch, Ấn Độ trợ cấp 5 kg gạo hoặc lúa mì mỗi tháng để giúp đỡ những người bị ảnh hưởng bởi lệnh phong tỏa, ước tính lên tới 800 triệu người. Khi cuộc bầu cử quốc gia sắp diễn ra vào đầu năm 2024, chính phủ cho biết vào tháng 11 rằng sẽ gia hạn chương trình thêm 5 năm nữa với chi phí 145 tỷ USD.
Mahesh Khatri, một doanh nhân ở bang Haryana phía bắc, gần thủ đô Ấn Độ, đang vật lộn để hoàn thành các đơn hàng cung cấp 10.000 hộp các tông và băng dính mỗi tháng với 38 công nhân, giảm so với trước đó là 55 người. Khatri cung cấp chỗ ở miễn phí nhưng điều đó không giúp ích được gì. Vị doanh nhân nói: “Họ thích nghèo ở quê hơn là nghèo ở thành phố”.
Theo tính toán của chuyên gia Mehrotra, số lao động nông nghiệp ở Ấn Độ bắt đầu giảm vào khoảng năm 2005, chạm mức thấp chỉ dưới 200 triệu người vào đầu năm 2019. Kể từ đó, con số này đã tăng lên hơn 260 triệu, gần tương đương so với số lao động nông nghiệp vào hai thập kỷ trước. Nhiều người trong số họ không làm các công việc được trả lương mà làm việc tại trang trại của gia đình. Việc làm ở các thành phố đã giảm gần chín triệu trong giai đoạn này.
Sự gia tăng việc làm ở nông thôn diễn ra bất chấp động thái của Thủ tướng Modi đưa ra các ưu đãi trị giá hàng chục tỷ USD cho các công ty thành lập cơ sở ở Ấn Độ trong bối cảnh khi các doanh nghiệp tìm cách chuyển một số hoạt động sản xuất của họ khỏi Trung Quốc do căng thẳng Mỹ-Trung ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, nhiều nhà máy vẫn chưa tạo ra sự gia tăng đáng kể về việc làm trên toàn quốc.
Theo Ngân hàng Thế giới, đóng góp của ngành sản xuất vào GDP của Ấn Độ đã giảm từ khoảng 17% hai thập kỷ trước xuống còn 13% vào năm 2022. Ấn Độ chỉ tạo thêm được 5 triệu việc làm trong lĩnh vực sản xuất ngay trước khi ông Modi đắc cử, nâng tổng số việc làm trong ngành này lên 65 triệu ở thời điểm hiện tại.
Các chủ nhà máy và công nhân cho biết sự chán nản của lao động nhập cư ở các thành phố lớn đã gia tăng trong những năm qua, do tốc độ tăng trưởng việc làm chậm đã hạn chế mức lương trong khi chi phí nhà ở và thực phẩm tăng.
Công nhân tại các nhà máy quy mô nhỏ ở các bang nghèo hơn cho biết họ kiếm được khoảng 10.000 đến 12.000 rupee (khoảng 3,6 triệu VND) mỗi tháng. Trong khi đó, ở các vùng quê, nhiều lao động cũng kiếm được thu nhập tương tự nhờ kết hợp giữa trồng trọt và một số việc khác.
“Rất nhiều nhà máy và công ty vẫn đóng cửa. Trong khi đó, các doanh nghiệp mở cửa trở lại chỉ đưa ra mức lương chưa bằng một nửa con số mà họ đã trả ba năm trước”, Porwal, một người 35 tuổi ở làng Khejdiya cho biết. “Có ích gì khi rời xa gia đình và quê hương chỉ để kiếm một số tiền ít ỏi như vậy?”