Một nhà tư vấn tài chính sinh sống ở Hồng Kông (Trung Quốc) đã bị lừa hơn 14 triệu đô la Hồng Kông (khoảng 42 tỷ đồng) chỉ trong 5 tuần. Nguyên nhân là người này bị “bạn gái” qua mạng lừa đầu tư vào tiền số.
Người đàn ông trở thành nạn nhân của vụ lừa tình qua mạng vào giữa tháng 2 vừa qua sau khi ông sử dụng ứng dụng hẹn hò Tinder. Đối phương tự xưng là nữ môi giới đầu tư ở Singapore.
Sau đó, cặp đôi nhắn tin qua lại thông quan ứng dụng WhatsApp và phát triển thành mối quan hệ yêu qua mạng trước khi nạn nhân bị “bạn gái” ảo thuyết phục lập tài khoản trên một trang web giao dịch không có thật để đầu tư vào tiền số.
Nạn nhân cho biết “bạn gái” của ông nói rằng đầu tư vào tiền số có thể đem lại lợi nhuận cao. Vì tò mò và muốn kiếm lời, ông đã lập tài khoản theo hướng dẫn của kẻ lừa đảo.
Phía cảnh sát tiết lộ từ ngày 6/3 đến ngày 23/3, nạn nhân đã bị dụ chuyển 14,2 triệu đô la Hồng Kông vào 9 tài khoản ngân hàng được chỉ định trong hơn 22 giao dịch. Kiểu chiếm đoạt tài sản này có thể bị phạt tới 10 năm tù.
Khi phát hiện không thể lấy lại tiền và lợi nhuận, người đàn ông này mới nhận ra rằng đó là một trò lừa đảo. Không thể liên hệ với “bạn gái”, ông quyết định gọi báo cảnh sát vào cuối tháng 4.
Trên thực tế, đây chỉ là một trong số vô vàn vụ án liên quan đến lừa tình qua mạng tại Hồng Kông (Trung Quốc). Trước đó, vào tháng 2, một nhà quản lý đầu tư 63 tuổi đã trình báo cảnh sát việc bị lừa 12,8 triệu đô la Hồng Kông (khoảng 38 tỷ đồng) trong một vụ lừa tình qua mạng. Đây là số tiền mà nạn nhân được thừa kế từ người cha quá cố của mình.
Tương tự trường hợp của nhà tư vấn tài chính, người đàn ông này cũng làm quen với một phụ nữ tự xưng là chuyên gia đầu tư tiền số. Chiêu thức của kẻ này cũng là dụ nạn nhân lập tài khoản trên trang web giao dịch để đầu tư vào tiền số.
Theo cảnh sát, các trang web hoặc ứng dụng đầu tư lừa đảo như vậy thường được thiết kế để nạn nhân thấy rằng đồng tiền số mà họ đầu tư vào đang đem lại lợi nhuận nhưng thực tế đây đều là những thông tin giả mạo và do tội phạm kiểm soát.
Cảnh sát cho biết ban đầu nạn nhân có thể kiếm được một khoản lợi nhuận nhỏ. Điều đó đánh vào tâm lý và lòng tham của họ, khiến họ đầu tư nhiều tiền hơn. Tuy nhiên, càng đổ tiền vào, họ càng chịu thua lỗ lớn. Đây được gọi là “lừa đảo mổ lợn”.
Một thống kê cho thấy lừa tình qua mạng đã khiến các nạn nhân thiệt hại hàng trăm triệu đô la Hồng Kông vào năm ngoái, tăng 16% so với năm 2021 nhưng số lượng đã giảm 7%, từ 1.533 vụ xuống còn 1.659 vụ.
Những kẻ lừa đảo trực tuyến thường đóng giả là thương nhân hoặc chuyên gia trong các lĩnh vực như kỹ thuật, ngân hàng hoặc quân đội, quyến rũ nạn nhân trước khi lừa tiền vì những lý do khác nhau.
Cảnh sát cảnh báo rằng nhóm tội phạm này liên tục thay đổi chiến thuật và kêu gọi người dân cảnh giác với những người lạ mà họ tương tác trên Internet. Một điểm chung của hầu hết vụ lừa tình như vậy là nạn nhân chưa bao giờ gặp mặt trực tiếp hay nhìn thấy đối phương trong quá trình tương tác.