Ngân hàng nào kinh doanh ngoại hối "đỉnh" nhất?

Hồng Minh | 07:28 02/09/2022

Khi nền kinh tế mở cửa trở lại sau đại dịch, xuất nhập khẩu tăng trưởng mạnh mẽ, nhu cầu giao thương rộng mở, các ngân hàng đã thu về hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng lợi nhuận từ kinh doanh ngoại hối.

Ngân hàng nào kinh doanh ngoại hối "đỉnh" nhất?
Kinh doanh ngoại hối và các dịch vụ khác sẽ đóng vai trò quan trọng trong lợi nhuận nửa cuối năm của các ngân hàng (Ảnh: Zingnews)

Kinh doanh ngoại hối là một trong những nghiệp vụ chuyên biệt của các ngân hàng, bên cạnh nghiệp vụ cho vay. Với người dân, nghiệp vụ kinh doanh ngoại hối dễ nhìn thấy nhất của ngân hàng là mua/bán ngoại tệ, trong đó ngân hàng đóng vai trò trung gian và hưởng tỷ lệ chênh lệch tỷ giá. Tuy nhiên, với doanh nghiệp, nghiệp vụ kinh doanh ngoại hối đa dạng hơn rất nhiều. 

Khi doanh nghiệp cần ngoại tệ để nhập khẩu hàng hóa, hay đổi ngoại tệ thành tiền VND sau khi xuất khẩu hàng hóa - ngân hàng sẽ là kênh trung gian họ tìm kiếm.

Không chỉ đơn thuần mua/bán ngoại tệ theo nhu cầu và tỷ giá tại ngày giao dịch (FX Spot), nhằm đảm bảo an toàn (do giá trị ngoại tệ mua/bán khổng lồ, trong khi tỷ giá trong tương lai là không thể biết trước) - doanh nghiệp sẽ sử dụng các dịch vụ hoán đổi (FX Swap), quyền chọn (FX Option) hay kỳ hạn (FX Forward) nhằm giảm thiểu rủi ro biến động tỷ giá. Với các hợp đồng này, doanh nghiệp được mua/bán ngoại tệ tại một thời điểm trong tương lai với tỷ giá chốt sẵn, hoặc có quyền mua/bán ngoại tệ khi tỷ giá diễn biến thuận lợi… 

6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam đạt 371 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ 2021. Con số này cũng phản ánh phần nào nhu cầu mua/bán ngoại tệ của các doanh nghiệp trong nước. 

Kinh doanh ngoại hối không còn là “đặc quyền” của nhóm Big 4

Thống kê báo cáo tài chính của các ngân hàng trong nửa đầu năm 2022 của FiinPro cho thấy, mặc dù quy mô lớn và hệ thống chi nhánh dày đặc, kinh doanh ngoại hối không còn là đặc quyền của nhóm Big 4 (là nhóm các ngân hàng có tỷ lệ sở hữu Nhà nước trên 60%, quy mô lớn, bao gồm Agribank, Vietcombank, Vietinbank và BIDV).

Cụ thể, An Bình Bank và MBBank đã vượt Agribank để đứng thứ tư và thứ 5 trong danh sách Top 10 ngân hàng lãi nhiều nhất từ kinh doanh ngoại hối. Agribank cũng là ngân hàng duy nhất trong top 10 có khoản lợi nhuận này giảm sút so với cùng kỳ. 

Vietcombank vẫn giữ vị thế đứng đầu bền vững về kinh doanh ngoại hối. Với quy mô và uy tín lâu năm, tỷ giá tại Vietcombank thường được lấy làm giá trị tham chiếu cho các giao dịch ngoại hối của hệ thống ngân hàng thương mại trong nước. Vietcombank có tên đầy đủ là Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, được lập ra ban đầu để phục vụ hoạt động ngoại thương của nước ta. 

Trong nửa đầu năm, ngân hàng này thu gần 3.000 tỷ đồng từ nghiệp vụ kinh doanh ngoại hối, cao gần gấp đôi ngân hàng đứng thứ hai là Vietinbank - đạt gần 1.600 tỷ đồng. BIDV, thuộc nhóm Big 4 theo sát Vietinbank với khoản lợi nhuận hơn 1. 200 tỷ đồng. 

Biến động tỷ giá - cơ hội với các ngân hàng thương mại

Đồng đô la Mỹ đã có nửa năm biến động mạnh mẽ theo xu hướng tăng giá so với hầu hết các đồng tiền trên thế giới. USD cũng là đồng tiền được sử dụng trong phần lớn các giao dịch thương mại toàn cầu. 

Tình hình địa chính trị phức tạp, cộng với nhu cầu tích trữ đồng bạc xanh ngày càng cao do lo ngại khủng hoảng kinh tế, những rủi ro khi giao dịch ngoại hối ngày càng khó dự đoán. Nhu cầu sử dụng các sản phẩm ngoại hối từ các ngân hàng, đặc biệt là các sản phẩm phái sinh (FX Forward, FX Option, FX Swap) vì vậy ngày càng cao. 

Biến động tỷ giá USD/VND trong 1 năm qua (Nguồn: Bloomberg)

Trên thực tế, nghiệp vụ ngoại hối không chỉ giúp các ngân hàng thu lợi nhuận trực tiếp, mà còn mang lại lợi nhuận từ các khoản cho vay. Ngân hàng với lượng tiền nội tệ và ngoại tệ khổng lồ, có thể tiến hành cung cấp cùng lúc nhiều sản phẩm ngoại hối, đồng thời cho vay tiền (ngoại tệ hoặc nội tệ) cho các doanh nghiệp khi giao dịch thương mại. Mức lợi nhuận từ các khoản vay này, theo các chuyên gia ngân hàng, là bền vững ngay cả khi tỷ giá diễn biến bất lợi. Khi tỷ giá diễn biến thuận lợi, ngân hàng thu được lãi kép từ cả hai nghiệp vụ: cho vay và ngoại hối. 

Room tín dụng đang là sức ép lớn lên các ngân hàng, khi chỉ nửa năm cả hệ thống ngân hàng đã tăng trưởng tới 9,35%, trong khi “quota” cả năm hiện đang là 14%. Các nguồn thu ngoài lãi như ngoại hối, các dịch vụ,... đang dần trở nên quan trọng và mang tính quyết định cho lợi nhuận nửa cuối năm của các ngân hàng. 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Có thể bạn quan tâm
Ngân hàng nào kinh doanh ngoại hối "đỉnh" nhất?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO