Tài chính tuần qua: VN-Index đạt mức cao nhất 10 tuần qua, ngân hàng yếu kém cũng dần trở nên hấp dẫn

Quỳnh Anh | 06:50 27/08/2022

Chỉ số VN-Index đạt mức cao nhất trong hơn 10 tuần qua, Kiểm toán Nhà nước chỉ ra nhiều tồn tại của các doanh nghiệp, ngân hàng yếu kém cũng đang dần trở nên hấp dẫn và một số thông tin nổi bật về các doanh nghiệp sẽ có trong bản tin tuần này.

Tài chính tuần qua: VN-Index đạt mức cao nhất 10 tuần qua, ngân hàng yếu kém cũng dần trở nên hấp dẫn
Các thông tin nổi bật về thị trường và doanh nghiệp sẽ có trong bản tin tài chính tuần này.

Chỉ số VN-Index đạt mức cao nhất trong hơn 10 tuần qua, Kiểm toán Nhà nước chỉ ra nhiều tồn tại của các doanh nghiệp, ngân hàng yếu kém cũng đang dần trở nên hấp dẫn. Và một số thông tin nổi bật về các doanh nghiệp sẽ có trong bản tin tuần này.

VN-Index đạt mức cao nhất trong 10 tuần qua

Ngày 25/08, thị trường chứng khoán Mỹ tăng mạnh trong khi chờ đợi bài phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell tại Hội nghị Jackson Hole vào hôm sau. Chỉ số Dow Jones tăng 0,98%, S&P 500 tăng 1,41% và Nasdaq Composite tăng 1,67%. Sáng 26/08, các thị trường trọng điểm của châu Á cũng theo đà tăng nhưng không quá 1%. 

Thị trường chứng khoán trong nước cũng theo đà hồi phục tích cực, VN-Index mở cửa phiên giao dịch cuối tuần với sắc xanh, tiếp tục leo lên đỉnh ngắn hạn ở mức 1.294,71 điểm, cao nhất trong hơn 10 tuần qua. Tuy nhiên, đà tăng không kéo dài được lâu. Kết thúc phiên giao dịch ngày 26/08, VN-Index đạt 1.282,57 điểm, tăng 13,39 điểm so với đầu tuần, tương đương 1,1%. 

Thị trường chứng khoán tiếp tục có tuần tăng điểm, tuy nhiên khối lượng giao dịch tiếp tục sụt giảm cho thấy sự thận trọng của nhà đầu tư. Khối ngoại bán ròng hơn 436 tỷ đồng trên sàn HoSE và bán ròng gần 18 tỷ đồng trên sàn HNX.

Kiểm toán Nhà nước chỉ ra nhiều tồn tại của các doanh nghiệp

Năm 2021, Kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán Báo cáo tài chính và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2020 của các tổ chức, doanh nghiệp. Bên cạnh những kết quả đạt được, Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế tại Ngân hàng công thương Việt Nam (Vietinbank) và Tổng Công ty khí Việt Nam - CTCP (PVGAS).

Cụ thể, Vietinbank đang có một số nghiệp vụ liên quan chưa phù hợp như chưa nộp 76 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước với khoản thu hồi được từ nợ ngoại bảng; chưa phân loại nợ phù hợp; trích lập dự phòng rủi ro tín dụng thấp hơn 20,97 tỷ đồng so với mức điều chỉnh của Kiểm toán Nhà nước. Đồng thời, xác định Vietinbank có 8 văn bản ban hành nội bộ cần điều chỉnh.

Đối với PVGAS, doanh nghiệp này nằm trong danh sách các đơn vị quản lý dòng tiền chưa hiệu quả; quản lý tài sản và nợ chưa chặt chẽ khi để phát sinh hơn 650 tỷ đồng nợ quá hạn, nợ khó đòi; để không gần 19.000 tỷ đồng tiền quỹ trong khi các công ty con, công ty liên kết thua lỗ lớn. Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước cũng xác định PVGAS còn gần 2 héc-ta diện tích đất chưa sử dụng, sử dụng không hiệu quả và 3,41 héc-ta đất sử dụng sai mục đích. 

Ngân hàng yếu kém đang dần trở nên hấp dẫn

Nhận chuyển giao một ngân hàng yếu kém hiện nay dường như không còn là việc “bắt buộc” như trước. Đại hội đồng cổ đông HDBank vừa thông qua phương án nhận chuyển giao một ngân hàng yếu kém. Số tiền tối đa HDBank dự kiến dùng để tái cơ cấu ngân hàng yếu kém là 9.000 tỷ đồng, theo tài liệu xin ý kiến cổ đông bằng văn bản. 

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, khi nhận tái cơ cấu một ngân hàng yếu kém, các ngân hàng về cơ bản sẽ có một số lợi ích nhất định, trong đó có thể kể đến là khả năng được nới room tín dụng. Room tín dụng đang là bài toán khó giải của các ngân hàng thương mại khi chỉ trong nửa năm, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng đã lên tới 9,35%, trong khi hạn mức cả năm vẫn đang là 14% - theo Ngân hàng Nhà nước. 

Một số thông tin nổi bật của các doanh nghiệp

Thế Giới Di Động dự kiến bán 20% cổ phần Bách Hóa Xanh vào năm sau, định giá hơn 1,5 tỷ USD:

Ngày 24/08, CTCP Đầu tư Thế giới Di động cho biết đã thuê cố vấn để chuẩn bị bán 20% cổ phần tại Bách Hóa Xanh, thỏa thuận dự kiến sẽ hoàn tất vào quý đầu tiên của năm 2023. Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin thân cận cho biết công ty này định giá Bách Hóa Xanh lên tới 1,5 tỷ USD.

Ngay trong tháng 7 vừa qua, doanh thu bình quân của Bách Hóa Xanh đạt mục tiêu 1,3 tỷ đồng/cửa hàng. Theo ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Thế giới Di động, với việc doanh thu tăng mạnh trong khi chi phí được kiểm soát, Bách Hóa Xanh kỳ vọng sẽ có lãi trong quý 4 năm nay và trở thành động lực tăng trưởng của tập đoàn trong năm 2023.

Cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bị khởi tố thêm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hơn 6.400 tỷ đồng:

Ngày 25/8 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thi hành các quyết định khởi tố bổ sung đối với ông Trịnh Văn Quyết và các cá nhân có liên quan về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Cụ thể, ông Quyết đã làm thủ tục tăng vốn điều lệ khống của Công ty CP Xây dựng FLC Faros (mã cổ phiếu: ROS) từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng, tương ứng với 430 triệu cổ phần.

Tính đến ngày 24/2/2021, ông Quyết đã chỉ đạo bán toàn bộ cổ phiếu ROS, thu được hơn 6.400 tỷ đồng và rút tiền mặt để chiếm đoạt. Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM vừa ra thông báo huỷ niêm yết gần 600 triệu cổ phiếu của FLC Faros từ ngày 5/9 do vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin.

Thaco dự kiến đầu tư 50.000 tỷ đồng cho dự án khai thác bô xít tại Lâm Đồng:

Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng vừa có công văn gửi UBND tỉnh về việc nghiên cứu, khảo sát đầu tư dự án Tổ hợp Nhà máy tuyển bô xít và chế biến Alumin của Tập đoàn Trường Hải (Thaco) với tổng mức đầu tư 50.000 tỷ đồng, diện tích 1.150 héc-ta.

Việt Nam được xác định là một trong những nước có nguồn bô xít lớn nhất thế giới với hầu hết trữ lượng đều ở khu vực Tây Nguyên. Trữ lượng bô xít tại Lâm Đồng chiếm khoảng 18% cả nước với khoảng 975 triệu tấn.  

1,4 tấn mì Omachi nhập khẩu từ Việt Nam bị thu hồi và tiêu hủy tại Đài Loan:

1,4 tấn Mì Omachi xốt tôm chua cay, một sản phẩm của Masan Consumer đã bị Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan trả lại để tiêu hủy do chứa chất bảo vệ thực vật ethylene oxide trong gói gia vị.

Đây được xem là chất độc, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, có khả năng gây ung thư nếu dùng với khối lượng đủ lớn. Masan Consumer cho biết công ty không trực tiếp xuất khẩu hoặc bán sản phẩm trên cho đối tác có tên Công ty Qianyu để xuất khẩu sang thị trường Đài Loan.

Mì Omachi xuất khẩu đến từng quốc gia, khu vực được Masan sản xuất khác nhau để đáp ứng yêu cầu và tiêu chuẩn riêng của mỗi thị trường. Masan Consumer đang phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Y tế và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác minh và xử lý vụ việc.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Tài chính tuần qua: VN-Index đạt mức cao nhất 10 tuần qua, ngân hàng yếu kém cũng dần trở nên hấp dẫn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO