Đẩy nhanh gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm từ nguồn ngân sách nhà nước

PV | 14:24 26/08/2022

Sáng 26/8, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc phổ biến, giải đáp, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất.

Đẩy nhanh gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm từ nguồn ngân sách nhà nước
Hội nghị trực tuyến toàn quốc phổ biến, giải đáp, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất.

Chương trình hỗ trợ lãi suất 2%/năm từ nguồn ngân sách nhà nước là chương trình có quy mô lớn nhất từ trước tới nay triển khai thông qua hệ thống ngân hàng thương mại, do đó, tâm lý của các ngân hàng thương mại và khách hàng khi tham gia chương trình đều rất thận trọng, chặt chẽ để đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật.

Bước đầu kết quả triển khai chưa được nhiều

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, năm 2022, kinh tế thế giới có nhiều thách thức, phức tạp và khó lường, Việt Nam tiếp tục thực hiện các chính sách nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Trong đó, ngành Ngân hàng có nhiệm vụ rất quan trọng là đảm bảo an toàn hoạt động hệ thống các tổ chức tín dụng, ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ. Đồng thời, NHNN cũng phải triển khai công việc trong năm 2022 và tới đây là năm 2023 nhằm thực hiện chiến lược 5 năm và kế hoạch phát triển hàng năm; tổ chức triển khai chương trình chính sách hỗ trợ phục hồi nền kinh tế là gói hỗ trợ lãi suất nên khối lượng công việc là rất lớn.

Dù vậy, với trách nhiệm của mình, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 31/2022/NĐ-CP, NHNN kịp thời ban hành Thông tư 03/2022/TT-NHNN và Chỉ thị số 03/CT-NHNN về việc triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước 40.000 tỷ đồng.

Để kịp thời triển khai trên thực tế, NHNN đã phối hợp với các bộ, ngành tổ chức hai hội nghị về phổ biến, quán triệt tinh thần của Nghị định 31/2022/NĐ-CP, Thông tư 03/2022/TT-NHNN. Đặc biệt, một hội nghị có đích thân Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo; NHNN và một số bộ, ngành đồng chủ trì. Tại các hội nghị, NHNN cùng các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài chính đã phổ biến và giải đáp các vướng mắc liên quan đến chính sách để thống nhất cách hiểu, đảm bảo chính sách được triển khai một cách đồng bộ, đồng thuận trong toàn quốc.

Bên cạnh đó, NHNN đã yêu cầu các tổ chức tín dụng đăng ký số lượng hỗ trợ lãi suất và tổng hợp, báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để cấp kinh phí. NHNN cũng đã thông báo cho các tổ chức tín dụng về khối lượng hỗ trợ lãi suất để các tổ chức tín dụng đăng ký gửi NHNN. Ngày 24/8/2022, NHNN đã tổ chức cuộc họp với các NHTM và NHNN chi nhánh một số tỉnh, thành phố để nắm bắt tình hình, tiếp tục trao đổi, rà soát, chấn chỉnh và giải đáp kịp thời, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của NHNN.

Đồng thời, ngành Ngân hàng tiếp tục xác định chương trình hỗ trợ lãi suất là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng của Ngành được Quốc hội và Chính phủ giao, do đó sẽ quyết tâm thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao nhất.

Qua 3 tháng triển khai, các NHTM đã vào cuộc rất tích cực. Hoạt động cụ thể bao gồm: Khẩn trương ban hành quy định nội bộ; tổ chức tập huấn toàn hệ thống tới từng chi nhánh, phòng giao dịch; rà soát đối tượng thuộc các ngành, lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất; chủ động thông tin, tuyên truyền... Đặc biệt, một số NHTM còn phối hợp với chính quyền địa phương để truyền tải về chương trình hỗ trợ lãi suất tới các đối tượng thụ hưởng chính sách.

Tuy nhiên, do độ trễ của chính sách nên bước đầu kết quả triển khai chưa được nhiều. Theo báo cáo nhanh từ các NHTM, doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất đạt gần 4.407 tỷ đồng đối với gần 550 khách hàng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất đạt khoảng 4.300 tỷ đồng; dự kiến số tiền hỗ trợ lãi suất cho khách hàng đến cuối tháng 8/2022 khoảng 13,5 tỷ.

Nói về nguyên nhân triển khai chưa được nhiều, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết; thực tiễn cho thấy các NHTM gặp khó khăn trong xác định đối tượng được hỗ trợ lãi suất trong một số trường hợp: Khách hàng hoạt động sản xuất, kinh doanh đa ngành; nhiều hộ gia đình sản xuất kinh doanh vay vốn tại các NHTM nhưng không có đăng ký kinh doanh nên không thuộc đối tượng được hỗ trợ…

Bên cạnh đó, vì chương trình có nguồn tiền hỗ trợ từ ngân sách nhà nước nên các NHTM cần thận trọng, đảm bảo dòng tiền hỗ trợ được đến đúng đối tượng, đúng mục tiêu, an toàn và hiệu quả, nên các NHTM mất nhiều thời gian chuẩn bị, xây dựng hệ thống tự động để theo dõi, hạch toán, quản lý dữ liệu báo cáo nhằm đảm bảo tính chính xác của dữ liệu trong công tác thanh, quyết toán, kiểm toán khi tham gia chương trình được hỗ trợ lãi suất từ nguồn ngân sách nhà nước.

Tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh gói hỗ trợ lãi suất

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh; thời gian tới NHNN tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại triển khai trên cơ sở tuân thủ quy định pháp luật; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan kịp thời tháo gỡ vướng mắc phát sinh trong triển khai chương trình nhằm đảm bảo đúng đối tượng, đúng mục tiêu, minh bạch và hiệu quả; đẩy mạnh truyền thông giúp người dân, doanh nghiệp hiểu hơn về chính sách và nâng cao khả năng tiếp cận chương trình hỗ trợ này.

Các lĩnh vực, ngành nghề được hỗ trợ được cụ thể hóa từ Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết 11/NĐ-CP của Chính phủ, song khi triển khai trong thực tiễn cho thấy các ngân hàng thương mại gặp khó khăn trong xác định đối tượng, do đó, vẫn cần các Bộ ngành tiếp tục có giải đáp, hướng dẫn cụ thể hơn.

Ngoài ra, chương trình có nguồn tiền hỗ trợ từ ngân sách nhà nước nên các ngân hàng thương mại cần thận trọng, đảm bảo dòng tiền hỗ trợ được đến đúng đối tượng, đúng mục tiêu, an toàn và hiệu quả. Do đó, các ngân hàng mất nhiều thời gian chuẩn bị, xây dựng hệ thống tự động để theo dõi, hạch toán, quản lý dữ liệu báo cáo nhằm đảm bảo tính chính xác của dữ liệu trong công tác thanh, quyết toán, kiểm toán khi tham gia chương trình được hỗ trợ lãi suất từ nguồn ngân sách nhà nước.

.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Có thể bạn quan tâm
Đẩy nhanh gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm từ nguồn ngân sách nhà nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO