Chậm trả gốc/lãi lần đầu
Tháng 08/2024, có một TPDN tổng mệnh giá 450 tỷ đồng công bố chậm trả lãi coupon lần đầu. Trái phiếu này được phát hành bởi Tập đoàn Novaland vào tháng 8/2020 với kỳ hạn 3 năm, và đến tháng 07/2023 đã được lùi thời gian đáo hạn một năm. Tuy nhiên trong tháng 7/2024, trái phiếu này tiếp tục được gia hạn thêm một lần nữa đến tháng 8/2025.
Tổng số trái phiếu chậm trả phát sinh mới tính từ đầu năm đến cuối tháng 8/2024 là 12,7 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ chậm trả lũy kế vào cuối tháng 08/2024 đã giảm nhẹ xuống còn 14,9% so với 15,1% của tháng trước. Khoảng 63% giá trị trái phiếu chậm trả lũy kế đến từ nhóm Bất động sản Nhà ở, với tỷ lệ chậm trả lũy kế là 31%.
Xử lý TPDN chậm trả
Trong tháng 08/2024, dư nợ nợ gốc chậm trả 2,4 nghìn tỷ đồng đã được thanh toán cho các trái chủ, nâng tỷ lệ thu hồi chậm trả lên 20,8%. Có 13 tổ chức phát hành (TCPH) chậm trả thuộc các lĩnh vực Bất động sản Nhà ở, Bán lẻ, và Nông nghiệp đã hoàn trả tổng cộng 2,4 nghìn tỷ đồng tiền gốc cho các trái chủ. Sau khi thanh toán một phần, dư nợ trái phiếu chậm trả còn lại của nhóm các TCPH này còn 8,5 nghìn tỷ đồng.
Phần lớn các khoản thanh toán nợ gốc TPDN chậm trả trong tháng 08 liên quan đến Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Nông sản và Vật tư (CAJIMEX). CAJIMEX đã phát hành trái phiếu vào năm 2020 và đáo hạn tháng 12/2026, nhưng sau đó chậm trả lãi coupon lần đầu trong năm 2023. Đến tháng 08/2024, CAJIMEX đã hoàn tất việc mua lại toàn bộ trái phiếu theo thỏa thuận với các trái chủ.
Trong tổng số 567 trái phiếu chậm trả phát sinh từ năm 2022, 63 trái phiếu đã thanh toán toàn bộ gốc lãi chậm trả cho các trái chủ và 294 trái phiếu đang trong quá trình tái cấu trúc. Tỷ lệ thu hồi của các trái phiếu chậm trả đã tăng lên 20,8% vào cuối tháng 08/2024.
Theo đó, các hoạt động tái cấu trúc trái phiếu chậm trả được công bố trong tháng 8/2024 như CTCP Thương mại Công nghệ An Phát; CTCP Đầu tư Xây dựng Đại Thịnh Phát; CTCP Hoàng Anh Gia Lai; CTCP Đầu tư IMG Huế; Công ty TNHH Đầu tư và phát triển năng lượng Thành Nguyên; CTCP Xuất nhập khẩu Vật tư Nông nghiệp III; CTCP Đầu tư năng lượng Nam Phương; Công ty TNHH Saigon Glory; CTCP Đầu tư Hải Phát…
Trái phiếu có rủi ro cao
Sẽ có 76% giá trị trái phái phiếu đáo hạn rủi ro cao trong 12 tháng sắp tới từ các công ty trong nhóm ngành Bất động sản Nhà ở và Xây dựng. Trong tháng 09/2024, tổng giá trị trái phiếu đáo hạn đạt 24,5 nghìn tỷ đồng, cao hơn so với tháng trước là 18,1 nghìn tỷ đồng.
“Chúng tôi dự kiến trong số các trái phiếu đáo hạn vào tháng 09/2024, có 1,8 nghìn tỷ đồng có nguy cơ chậm trả nợ gốc, phần lớn trong số này đã chậm trả lãi trái phiếu trước đó”, báo cáo VIS Rating nêu.
Dự kiến, trong vòng 12 tháng tới, VIS Rating ước tính có khoảng 18% trong số 245 nghìn tỷ đồng trái phiếu đáo hạn có nguy cơ chậm trả nợ gốc. Trong số đó, 76% giá trị trái phái phiếu rủi ro cao thuộc các công ty trong nhóm ngành Bất động sản Nhà ở và Xây dựng.
Ngân hàng chiếm ưu thế phát hành mới
Trong tháng 08/2024, lượng phát hành trái phiếu mới tăng lên 57,7 nghìn tỷ đồng, từ mức 46.8 nghìn tỷ đồng trong tháng 07/2024. Các ngân hàng thương mại đã phát hành tổng cộng 51,3 nghìn tỷ đồng, tiếp tục chiếm phần lớn trong các đợt phát hành mới lên tới 90%.
Trong số các trái phiếu do các ngân hàng phát hành vào tháng 08/2024, 40% là trái phiếu thứ cấp đủ điều kiện tính vào vốn cấp 2, được phát hành bởi Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Tiên Phong, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam, Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam.
Các trái phiếu vốn cấp 2 này có kỳ hạn trung bình 8,1 năm và lãi suất từ 5,5% đến 7,6% trong năm đầu tiên. Các trái phiếu khác là trái phiếu không có tài sản đảm bảo với kỳ hạn 3 năm và lãi suất cố định từ 5,2% đến 7,7%.
Trong tổng số 272,7 nghìn tỷ đồng phát hành mới từ đầu năm đến nay, 23 đợt phát hành ra công chúng chiếm 39,1 nghìn tỷ đồng.
Một số tiên tuổi có số lượng phát hành lớn như: Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn 10.000 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Phương Đông phát hành 4 lô trái phiếu giá trị 5.000 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam phát hành 5 lô trái phiếu giá trị gần 5.000 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Quân Đội 2 lô giá trị 4.000 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng 4.000 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM 2.000 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Tiên phong 2.000 tỷ đồng…
Tại thị trường thứ cấp, thanh khoản giảm nhẹ trong tháng 8/2024 so với tháng 7/2024. Tổng giá trị giao dịch/tổng số trái phiếu lưu hành giảm nhẹ xuống còn 6%.
VIS Rating đánh giá, trong tháng 08/2024, lợi suất trung bình của trái phiếu ngân hàng có chất lượng tín dụng “trên trung bình” duy trì ổn định so với tháng trước trên hầu hết các kỳ hạn.